Theo Công an tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ (chiếm tỷ lệ 60,8% tổng số vụ lừa đảo), số tiền bị chiếm đoạt hơn 325,4 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ 5,06%).
Hình thức lừa đảo chủ yếu bằng hình thức bán hàng online nhận hoa hồng; Giả danh công an, cơ quan pháp luật nói bị hại liên quan đường dây ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia; sử dụng tài khoản Telegram lừa tham gia đầu tư các sàn giao dịch ảo, mua tiền điện tử, đầu tư chứng khoán; sử dụng tài khoản Facebook, Telegram gửi quà tri ân khách hàng...
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trả lời chất vấn về đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Kỳ họp thứ 18. |
Đáng chú ý, vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, bị lừa đảo hơn 171 tỷ đồng, sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra.
Sau đó, xác định dấu hiệu hình sự đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tập trung điều tra.
Tiếp đó, quá trình làm rõ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 10 bị can để điều tra về tội sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, bà Hương bị nhóm lừa đảo giả danh phó giám đốc công an tỉnh gọi điện hù dọa có liên quan pháp luật để lừa đảo. "Đây là vụ án phức tạp, liên quan nhiều người nước ngoài, nên công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp Bộ Công an và công an các tỉnh điều tra, làm rõ", báo cáo nêu.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, đề nghị người dân thực hiện “4 không, 2 phải”. |
Tại kỳ họp, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom, liên quan tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh và giải pháp đấu tranh ngăn chặn, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết qua phân tích cho thấy, thủ đoạn lừa đảo kiếm tiền qua mạng dưới chiêu thức “việc nhẹ lương cao” chiếm 44%. Thứ hai, lợi dụng sơ hở, xâm nhập mã độc. Thứ ba là gọi điện giả danh các cơ quan chức năng và thứ tư là lợi dụng các công ty chứng khoán lừa đảo.
Người đứng đầu Công an tỉnh Đồng Nai cho biết 4 nhóm thủ đoạn của đối tượng này sẽ được làm rõ hơn ở hội thảo chuyên sâu để nâng cao hiệu quả phòng chống thời gian tới.
Thực tế, người dân còn thờ ơ với thông tin cá nhân của mình, dễ dãi cung cấp số điện thoại cho người lạ. Do đó, phải thực hiện khẩu hiệu “4 không, 2 phải”: không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản cho người không rõ đó là ai. Hai phải: phải cảnh giác, phải trình báo.
Trả lời câu hỏi về đấu tranh với tội phạm cờ bạc trên không gian mạng, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh, bên cạnh xử lý nghiêm thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thậm chí có cán bộ đánh bạc thì phải nâng cao đạo đức công vụ và xử lý nghiêm túc.
Lực lượng công an sẽ tiếp tục cảnh báo răn đe kết hợp tuyên truyền. Cùng với đó, quyết liệt xử lý trên không gian mạng, không có vùng cấm, bất cứ là ai.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.