Chiều 7/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức cuộc họp thông báo Kết quả phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC).
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 - nằm trong diện Ban Chỉ đạo theo dõi - về tiến độ khắc phục các khó khăn, vướng mắc, thời gian đưa vào hoạt động, xử lý các vi phạm.
![]() |
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông. Ảnh: PV. |
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết Ban Chỉ đạo đã giao cho Đảng ủy Chính phủ rà soát những khó khăn, vướng mắc, làm thế nào để nhanh nhất đưa 2 dự án vào hoạt động sớm nhất. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện, nhằm mục đích đưa 2 dự án này hoạt động vào tháng 11/2025 - trước thời hạn Ban Chỉ đạo giao 1 tháng.
Ông Đông cũng cho biết, trong vòng 2,5 tháng, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành nhiệm vụ thanh tra 2 dự án này. Từ kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ một số vi phạm cho cơ quan điều tra theo thẩm quyền. "Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án, đã khởi tố 5 bị can và đang tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật", Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết.
Trung tâm của hàng loạt sai phạm
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hai gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01 của hai Dự án Bệnh viện Bạch Mai - Việt Đức cơ sở 2, với giá trị lên tới 4.389,9 tỷ đồng (chiếm 76,6% giá trị tổng hợp đồng xây lắp), là trung tâm của hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt khi chưa có thiết kế kỹ thuật, dự toán, bản vẽ thi công. Giá gói thầu được xác định không chính xác, dựa trên tổng mức đầu tư sơ sài, chưa tính đủ các chi phí cần thiết. Hồ sơ mời thầu không đầy đủ, thiếu bảng khối lượng, đơn giá chi tiết, không có căn cứ lập giá mời thầu - vi phạm khoản 1 Điều 7, Luật Đấu thầu 2013.
Sau khi đấu thầu, liên danh Tổng Công ty 36 - 319 - Thành An trúng thầu gói XDBM-01, còn liên danh Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Hồng Hà Việt Nam trúng thầu gói XDVĐ-01. Nhưng hợp đồng ký kết thiếu hàng loạt nội dung bắt buộc như thời điểm giao mặt bằng, ngày khởi công - hoàn thành, điều khoản điều chỉnh giá…
8 ngày sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã đề xuất điều chỉnh thiết kế cơ sở dù công trình chưa khởi công, chưa có thiết kế kỹ thuật - vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng năm 2014.
Cả hai dự án khởi công khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, vi phạm nghiêm trọng quy định cấm trong Luật Xây dựng. Việc điều chỉnh phương án móng (từ khoan nhồi sang ép cọc) đã tăng thời gian thi công lên hàng trăm ngày, gây đội chi phí và làm lãng phí nguồn lực. Tổng thiệt hại tạm tính hơn 20,7 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án, liên danh nhà thầu, cùng các đơn vị, cá nhân liên quan đến quá trình phê duyệt, điều chỉnh và thi công.
Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.