“Tôi đã nói với họ mình kiệt sức rồi. Nhưng không một ai lắng nghe”, Sulli, cựu thành viên nhóm nhạc thần tượng f(x), nói tại show thực tế Jinri Store vào tháng 10 năm ngoái.
Sự ra đi đột ngột của Sulli ở tuổi 25 khiến nhiều người nhớ đến cái chết của Kim Jong Hyun (cựu thành viên nhóm SHINee) và DJ nổi tiếng người Thụy Điển Avicii.
Trước khi tự sát, tất cả đều là thần tượng, ngôi sao âm nhạc đình đám. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao những người tưởng như đã có tất cả này lại chọn kết thúc cuộc đời ở độ tuổi đôi mươi.
Sulli, cựu thành viên nhóm f(x), ra đi ở tuổi 25. |
“Căn bệnh trầm cảm đã nuốt chửng tôi”
Trước khi qua đời, Sulli, Jong Hyun và Avicii đều có dấu hiệu trầm cảm. Ngày 7/10, Sulli xuất hiện trong chương trình The Night of Hate Comments và thừa nhận cô đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý.
Nữ ca sĩ chia sẻ đang phải giả vờ hạnh phúc. Bên trong cô là sự trống rỗng, cô đơn nhưng vì công việc, Sulli luôn phải tỏ ra vui vẻ, tràn đầy sức sống.
“Mỗi người đều có nội tâm phức tạp. Bên ngoài tôi phải giả vờ tươi tắn. Nhưng bên trong là con người của Choi Jin Ri (tên thật của Sulli) khá tăm tối”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Những hình ảnh, bài đăng mới nhất trên cá nhân của Sulli cũng cho thấy cô thực sự bế tắc và gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây.
Trước khi đi đến quyết định tự vẫn, Jong Hyun cũng từng phải vật lộn với chứng trầm cảm.
“Tôi vụn vỡ từ bên trong. Cơn trầm cảm dần làm tôi mòn mỏi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể đánh bại nó”, cựu thành viên nhóm SHINee viết trong lá thư để lại.
Kim Jong Hyun và Avicii vật lộn với chứng trầm cảm trong quãng thời gian nổi tiếng. |
Bệnh trầm cảm từ lâu đã trở thành cơn ác mộng với giới nghệ sĩ. Theo thống kê của tờ Health năm 2010, nghệ sĩ xếp thứ 5 trong top 10 nghề có khả năng bị bệnh trầm cảm cao nhất.
Theo một nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần trong ngành công nghiệp âm nhạc Anh của hai tác giả George Musgrave và Sally Gross năm 2016, trong 2.000 người được phỏng vấn, có đến 71% đã trải qua những cơn hoảng loạn hoặc lo lắng cao trước đó.
Khoảng 30% đang cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngoài ra, cũng có đến 68% người trả lời mắc chứng trầm cảm.
Khi so với các số liệu từ Văn phòng Dữ liệu Thống kê Quốc gia Anh, nghiên cứu này cho thấy cộng đồng âm nhạc có thể bị trầm cảm gấp 3 lần so với những người bình thường.
“Luôn muốn có hình ảnh hoàn hảo nhất”
Trầm cảm trở thành căn bệnh phổ biến trong giới nghệ sĩ và đã lấy đi mạng sống của nhiều người. Tuy nhiên, đây dường như lại là “vùng đất cấm” ít khi được công khai và chia sẻ.
Candice Lam, nhà tâm lý học Trung Quốc, từng có kinh nghiệm điều trị trầm cảm cho nhiều người nổi tiếng.
Trong khi giữ bí mật danh tính của bệnh nhân của mình, bà Lam nói rằng một nửa trong số họ là người nổi tiếng, CEO của ngân hàng, hoặc người có tiếng tăm trên chính trường.
“Chịu nhiều áp lực hơn người bình thường, bệnh nhân của tôi bị một loạt các rối loạn tâm thần như các cơn hoảng loạn, mất ngủ, bùng phát dữ dội, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn ăn uống, suy nghĩ tự tử, nghiện sex và hành vi tình dục lệch lạc”, chuyên gia tâm lý nói.
"Tôi đã nói với họ, tôi kiệt sức rồi". |
Theo bà Lam, căn bệnh trầm cảm có xu hướng trầm trọng hơn với người nổi tiếng vì họ thường cố che giấu bệnh tật.
Nhiều bệnh nhân của bà Lam là những người giàu có thế hệ thứ hai hoặc những người được bố mẹ đặt mục tiêu trở thành người nổi tiếng ngay từ nhỏ. Những người này lớn lên với nhiều kỳ vọng nhưng thiếu các mối quan hệ lãng mạn, thân thiết. Họ trở nên yếu đuối hơn người bình thường vì thiếu sự hỗ trợ, đồng hành.
“Được truyền thông, công chúng quan tâm, giới nghệ sĩ luôn muốn có hình ảnh hoàn hảo nhất. Điều này khiến họ có ác cảm với bệnh tật. Một số bệnh nhân của tôi thậm chí tự mua thuốc điều trị tại nhà trong thời gian dài khiến vấn đề nghiêm trọng hơn”, bà Lam nói.