Mỡ máu cao thực chất là bệnh rối loạn chuyển hóa Lipid máu. Lipid là một trong 3 chất dinh dưỡng chính của cơ thể bao gồm: Lipid (mỡ), Glucid (chất bột đường) và protein (chất đạm). Mỡ trong cơ thể chủ yếu là Cholesterol và Triglyceride, Low - density lipoprotein cholesterol (LDL) đóng vai trò cung cấp Cholesterol cho các mô, khi LDL tăng cao sẽ dẫn đến tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu tim, thiếu máu não…
Do đó nó được xem là Cholesterol xấu, Hight - density lipoprotein cholesterol (HDL) đóng vai trò chuyên chở Cholesterol thặng dư ra khỏi mạch máu do đó được xem là Cholesterol tốt, có tác dụng bảo vệ mạch máu. Ngoài ra khi Triglyceride tăng sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, kháng insulin gây tiểu đường, khi Triglyceride tăng quá cao (>1000 mg/dl) có thể dẫn đến viêm tụy cấp.
Nói đến máu nhiễm mỡ nhiều người sẽ nghĩ chỉ những người béo, thừa cân, người cao tuổi mới mắc phải nhưng thực tế ngay cả người gầy, trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ rất cao, vậy nguyên nhân của căn bệnh này là do đâu? Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân máu nhiễm mỡ chủ yếu do ăn uống không điều độ, ăn nhiều đạm động vật, chất béo bão hòa, nhiều đường bột, ăn ít hoa quả và lười vận động, nhất là dân trí thức, văn phòng.
Ngoài ra quá trình học tập căng thẳng, làm việc áp lực cao không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ gây căng thẳng stress từ đó dẫn đến hiện tượng rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, mỡ tích tụ nhưng không được chuyển hóa thành năng lượng về lâu dài sẽ dẫn đến các bệnh về tim mạch, mỡ máu.
Bạn bị máu nhiễm mỡ cần đi kiểm tra mỡ máu định kỳ 3-6 tháng và áp dụng chế độ ăn uống luyện tập nghiêm khắc: Kiểm soát cân nặng bằng cách luyện tập thể dục thể thao. Tránh ăn các chất béo bão hòa, ăn nhiều chất béo có lợi, giảm thịt đỏ. Ăn nhiều rau quả, nhiều chất xơ. Hạn chế ăn các đồ rán, xào nhiều dầu mỡ. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu. Không nên ăn tối quá muộn, ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa sẽ làm Cholesterol đọng trên thành động mạch.