Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không cần cấm đi lại dịp Tết nhưng người dân phải chú ý an toàn

Theo PGS Trần Đắc Phu, dù nguy cơ lây lan virus khá lớn, người dân vẫn có thể di chuyển trong dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn.

Trong bản tin tối 1/1, Bộ Y tế cho hay đang có 20 F0 nhiễm biến chủng Omicron cùng gần 15.000 F0 mới. Lo ngại thậm chí được đẩy lên cao hơn khi tròn một tháng nữa, Việt Nam sẽ bước vào dịp Tết Nguyên đán 2022, thời điểm mang đến nhiều sự xáo trộn dân cư cũng như nguy cơ lây lan virus lớn.


Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng lo ngại này là có cơ sở. Tuy nhiên, khả năng dịch bùng phát còn phụ thuộc nhiều vào chính quyền cũng như ý thức người dân.

Không cấm di chuyển nhưng phải an toàn

Theo PGS Phu, nhiều khả năng các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ không đưa ra các chính sách hạn chế, cấm người dân di chuyển trong dịp lễ, Tết do chủ trương thích ứng với dịch hiện nay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này thừa nhận nguy cơ lây lan virus trong thời gian này là rất cao. Do đó, các địa phương cần đưa ra những biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi người dân về quê ăn Tết.

“Chúng ta đều biết SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan trong quá trình người dân tiếp xúc gần, giao lưu, đi lại, gặp gỡ. Trong khi đó, dịp lễ, Tết lại là thời điểm các hoạt động ăn uống, liên hoan diễn ra dày đặc, người dân từ nhiều nơi trở về quê. Do đó, nguy cơ lây lan virus không chỉ dừng ở một địa phương nhất định mà còn giữa các tỉnh, thành phố với nhau”, PGS Phu nhận định.

nguy co lay lan dich covid-19 dip le tet anh 1

Người dân mua bán, vận chuyển tại vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) trước dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Nhật Sinh.

Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng dịch có bùng lên hay không còn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt trong việc đáp ứng của thành phố trước tình hình dịch cũng như sự tự giác của người dân.

Ông lấy ví dụ: “Nếu vẫn để xảy ra tình trạng tụ tập đông người trong dịp lễ, Tết, vẫn tổ chức các buổi liên hoan, lễ hội, tình hình sẽ rất khác khi chúng ta kiểm soát chặt chẽ những hoạt động này”.

Tại Hà Nội, địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới thời gian qua, UBND thành phố mới đây đã có Chỉ thị 26 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, UBND Hà Nội giao Sở Y tế phối hợp sở, ngành, UBND quận, huyện chủ động giám sát, phát hiện tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Ngành y tế cần sớm cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19; Thực hiện nghiêm quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu.

Các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng dịch, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch bệnh xảy ra.

Dịch có bùng lên trong dịp Tết hay không còn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt trong việc đáp ứng của thành phố trước dịch cũng như sự tự giác của người dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Các bệnh viện, cơ sở y tế cũng được yêu cầu ứng trực 24/24h; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; thực hiện nghiêm quy trình về sàng lọc, phân loại, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; mở rộng xét nghiệm cho đối tượng nghi ngờ.

Đồng ý với chỉ đạo này của thành phố, PGS Phu nói thêm: “Bên cạnh thiết chế quản lý, Hà Nội cũng cần nâng cao tinh thần tự giác của người dân như tuân thủ 5K, hạn chế ăn uống, liên hoan dịp cuối năm. Ngày lễ, Tết cũng tránh đi thăm hỏi quá nhiều người, nhất là hạn chế tiếp xúc người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền”.

Cần phân tầng điều trị tốt để ứng phó với biến chủng mới

Bộ Y tế thống kê đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 20 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Trước đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên phát hiện ca nhiễm biến chủng này với một hành khách trở về từ Anh, cách ly ngay sau khi nhập cảnh Sân bay Nội Bài.

Sau đó không lâu, 14/15 mẫu dương tính với biến chủng Omicron tại Quảng Nam cũng đã được Viện Pasteur Nha Trang thực hiện và công bố. TP.HCM cũng thông tin thành phố ghi nhận 5 ca nhiễm biến chủng Omicron.

Nhận định về nguy cơ này, PGS Trần Đắc Phu cho biết phần lớn báo cáo hiện nay ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron có diễn biến và triệu chứng khá nhẹ. Tuy nhiên, việc Omicron với khả năng lây lan nhanh có thể khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt trong thời gian ngắn. Tình trạng này sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt là các địa phương có dịch vốn đã rất căng thẳng.

"Nếu việc phân tầng điều trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng các ca có triệu chứng nhẹ được nhập viện, trong khi những ca diễn biến nặng lại không được can thiệp kịp thời, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong", PGS Phu nhận định về tình trạng "quá tải ảo".

Liên quan quy định về nhập cảnh, vị chuyên gia này cho rằng không nên hạn chế người dân về nước. Điều quan trọng hơn là phải làm tốt công tác kiểm dịch y tế với người nhập cảnh gồm kiểm tra kết quả xét nghiệm, tiêm chủng, từ đó phòng dịch ngay tại cửa khẩu.

nguy co lay lan dich covid-19 dip le tet anh 2

Hành khách quốc tế được xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay và sau khi nhập cảnh. Ảnh: Việt Linh.

“Thực tế cho thấy việc lây nhiễm virus trong nước lớn hơn nhiều lần số từ nước ngoài trở về. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chấp nhận sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Bởi vậy, việc quan trọng nhất cần làm vẫn là thực hiện các biện pháp phòng bệnh tốt ngay trong quốc gia với cả khách nhập cảnh và người dân trong nước”, ông nói.

Từ đây, PGS Phu cho rằng các tỉnh, thành phố cần sớm tiêm phủ nốt vaccine cho người chưa tiêm đủ liều, đồng thời nhanh chóng tiêm mũi 3 cho nhóm ưu tiên. Qua đó, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị khi biến chủng Omicron xâm nhập.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, y tế tuyến cơ sở sẽ đảm đương vai trò chính trong giai đoạn hiện nay để điều trị F0 thể nhẹ. Do đó, việc tăng cường năng lực cho đội ngũ này là rất cấp thiết.

Trạm y tế lưu động, trung tâm y tế xã, phường cần sớm được tập huấn điều trị F0, có chính sách huy động sinh viên ngành y, y bác sĩ về hưu làm lực lượng dự bị trong trường hợp lực lượng tuyến đầu bị quá tải.

Các địa phương bám sát diễn biến dịch do nhiều ca nhiễm chủng Omicron

Hà Nội và các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng ca nhiễm mới, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, siết chặt hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch.

F0 còn nhiều, các tỉnh miền Tây siết chặt hoạt động Tết Dương lịch

Các tỉnh miền Tây siết chặt hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch vì dịch Covid-19 phức tạp.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm