Trước khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cám ơn các đại biểu đã gửi lời chúc mừng tới thầy, cô giáo nhân ngày 20/11.
Thiếu cả thầy lẫn thợ, chỉ thừa người kém
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về thừa thầy thiếu thợ, ông Luận cho biết, việc thành lập các trường đại học và phát triển với quy mô nóng bắt nguồn từ thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành năm 2005, trong đó nêu chỉ tiêu phấn đấu đến 2020 đạt 450 sinh viên trên một vạn dân.
Trong quá trình chỉ đạo, Chính phủ và Bộ GĐ&ĐT phát hiện vấn đề thừa thầy thiếu thợ và đã điều chỉnh sự mất cân đối này. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37, điều chỉnh chỉ tiêu từ 450 sinh viên còn 256 sinh viên trên một vạn dân. Bộ GD&ĐT đã và đang quy hoạch lại mạng lưới, nâng cấp các trường cao đẳng, giảm việc thành lập trường đại học mới.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục thanh, kiểm tra các hoạt động đào tạo, đóng cửa và không cho mở những trường, ngành không đáp ứng yêu cầu; điều chỉnh quy mô đào tạo tại chức, chấm dứt đào tạo từ xa đối với lĩnh vực sư phạm; điều chỉnh chấm dứt đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với các khu vực không phải trụ sở chính của nhà trường.
Bộ cũng thêm chỉ tiêu số lượng sinh viên trên giảng viên, tăng cường bổ sung, nâng cao chất lượng. Chỉ tiêu m2 xây dựng để phục vụ, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Với hai chỉ tiêu trên, tình hình tuyển dụng mới và nâng cao chất lượng thầy cô giáo đã nâng lên rõ rệt. Số lượng nhà trường đi thuê cơ sở vật chất chật chội giảm. Nhiều trường mua đất, xây dựng công trình kiến trúc, mua sắm trang thiết bị …
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, không phải ngành giáo dục thừa mà đang thiếu thầy tại các trường đại học. "Chúng ta thiếu cả thầy và thợ tốt, chỉ thừa những người kém", người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Không coi nhẹ môn Lịch sử
Trước câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về việc tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục mới, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, môn Lịch sử không bị xem nhẹ, thậm chí còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành.
Ông Luận cho biết, hiện học sinh THPT học 1,5 tiết Lịch sử một tuần. Trong dự thảo đang lấy ý kiến, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội học 2,5 tiết một tuần. Học sinh phân ban khoa học xã hội học 4 tiết một tuần, tất cả đều bắt buộc. Như vậy, nội dung và khối lượng kiến thức Lịch sử tăng lên.
Giải thích vì sao lại đưa môn Lịch sử vào Giáo dục Công dân và Tổ quốc, Bộ trưởng Luận cho rằng, đây là chủ trương tích hợp. Luật Giáo dục Quốc phòng có phần giảng dạy về Lịch sử dựng nước và giữ nước nên đã đưa vào phần Giáo dục Công dân để tránh trùng lắp. Dự thảo cũng đưa môn Lịch sử lồng ghép vào các môn học khác như Văn học, Địa lý, Âm nhạc, Thẩm mỹ...
Từ đó, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, Dự thảo đang lấy ý kiến nhân dân không làm giảm vị thế môn Lịch sử. Vấn đề cần thảo luận là để môn học này riêng hay gắn với các môn học khác.
Về bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, ông Luận cho biết, văn bản này xuất hiện trong sách giáo khoa từ năm 2003, sau đó được tiếp tục tái bản.
“Tôi không có cơ hội được biết năm 2003 vì lý do nào để làm văn bản này. Tôi xin khẳng định, nếu không thực sự cần thiết, không mang lại hiệu quả cao thì sẽ không thay đổi", Bộ trưởng GD&ĐT nói.
"Chưa yên lòng dân"
Tại phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 gây nhiều áp lực và tốn kém tiền của, công sức của người dân. Bộ GD&ĐT có văn bản báo cáo không có số, không người ký, chỉ đóng dấu treo gửi các đại biểu Quốc hội và cho rằng kỳ thi vừa qua là thành công. Đề nghị Bộ cho biết tính pháp lý của văn bản này?". Đồng thời, cử tri đề nghị nên xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Bộ trưởng GD&ĐT đã xin lỗi về sơ suất trong quá trình gửi văn bản. Ông Luận cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, học sinh thi tối đa 8 môn theo lý thuyết (thường chọn 5 môn) để xét tốt nghiệp, và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cách làm này giúp tiết kiệm từ khâu coi thi đến chấm thi. Học sinh ở tỉnh, thành không phải đổ về thành phố lớn. Việc ra đề thi được thay đổi từ máy móc sang đánh giá năng lực, dẫn đến việc luyện thi giảm đáng kể. Những năm trước, sau khi kết thúc kỳ thi, tình trạng phao thi rơi trắng sân trường, năm nay đã giảm nhiều. Điều này góp phần thay đổi thái độ dự thi và cách dạy, học trong trường THPT.
Theo ông Luận, những đánh giá này dựa trên các cuộc họp với Chính phủ và Sở GD&ĐT của 63 tỉnh thành.
Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Thái Học nói, Bộ trưởng khẳng định kỳ thi tốt nghiệp giảm áp lực, tốn kém dựa vào hội nghị với các trường, các sở là không thuyết phục.
Đại biểu này cho rằng, trước đây, học sinh thi tốt nghiệp tại địa phương, nay sang nơi khác, gia đình phải đi theo, thuê xe, chỗ trọ tốn kém. Thi xong, thí sinh đợi kết quả xét tuyển, rồi đến tận trường chờ nộp - rút hồ sơ, áp lực căng thẳng còn hơn chơi chứng khoán. Những chi phí này có tính vào chi phí cho thi cử không?
"Vì sao Bộ không hỏi nhân dân, hỏi thí sinh xem giảm áp lực, tốn kém hay không? Tôi tin câu trả lời là tốn kém. Câu trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự yên lòng dân", ông Học nói.
Theo Bộ trưởng Luận, việc giảm tốn kém đã rõ ràng, vì thi tốt nghiệp ở địa phương. Việc báo chí phản ánh thí sinh và cha mẹ căng thẳng như chơi chứng khoán, số liệu thống kê trên máy tính cho thấy, số này chiếm 8% lượng thí sinh dự thi. Hiện tượng này không phải phổ biến ở tất cả các trường và không phải tất cả thí sinh.
4 câu hỏi Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận
- Gần đây, dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là sự xáo trộn tận tâm can, về vấn đề nhạy cảm: Thay đổi môn Lịch sử, từ vị trí độc lập thành tích hợp. Đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu chính kiến về vấn đề này?
- Việc bỏ bản dịch cũ bài thơ Nam Quốc Sơn Hà trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 có đúng không? Vì sao?
- Hoạt động tuyển sinh chưa khắc phục được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ được lưu ý từ năm 2013 nhưng hiện tại việc làm chưa thể hiện rõ?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 vừa qua nhiều áp lực và tốn kém tiền của, công sức của người dân. Bộ GD&DT có văn bản báo cáo không có số, không người ký, chỉ đóng dấu treo để gửi cho các đại biểu Quốc hội và cho rằng kỳ thi vừa qua là thành công. Đề nghị Bộ cho biết tính pháp lý của văn bản này?