Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không chỉ người lớn tuổi, người trẻ cũng nên thường xuyên đo huyết áp

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và có khả năng gây tử vong nếu vượt quá tầm kiểm soát. Vì thế, theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên là điều cần thiết.

Huyết áp cao thường không có triệu chứng trừ khi quá cao. Do đó, nhiều bệnh nhân cảm thấy không cần thiết kiểm tra. Ảnh: Everydayhealth.

Theo Medical News Today (MNT), tăng huyết áp hay huyết áp cao có thể xảy ra vì một số lý do như ăn chế độ ăn nhiều muối hoặc cholesterol. Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người có tình trạng sức khỏe như tiểu đường và béo phì có thể bị tăng huyết áp.

Các nhà cung cấp dịch vụ y tế đo huyết áp bằng máy đo huyết áp hoặc vòng bít. Chúng ta có thể sử dụng hai dụng cụ này để đo huyết áp tại nhà.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ mô tả các kết quả đo huyết áp như sau:

- Phạm vi huyết áp khỏe mạnh là chỉ số tâm thu (số trên) dưới 120 mmHg và số đo tâm trương (số dưới) nhỏ hơn 80 mmHg.

- Huyết áp tăng là chỉ số 120-129 mmHg và dưới 80 mmHg.

- Tăng huyết áp giai đoạn 1 xảy ra khi chỉ số huyết áp là 130-139 mmHg và 80-89 mmHg.

- Tăng huyết áp giai đoạn 2 xảy ra khi huyết áp đạt 140 mmHg trở lên và 90 mmHg trở lên.

Theo CDC, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ bị huyết áp cao. Nhiều người cho rằng tăng huyết áp là vấn đề chỉ người lớn tuổi mới gặp phải nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nó cũng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Cứ 8 người trưởng thành 20-40 tuổi thì có một người bị tăng huyết áp.

CDC báo cáo chỉ có 24% người trưởng thành được kiểm soát tăng huyết áp. Nếu họ không kiểm soát được bệnh tăng huyết áp, nó có thể dẫn đến đau tim, thậm chí đột quỵ.

Tuy nhiên, một số cách để kiểm soát tăng huyết áp bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc huyết áp.

Một nửa người tham gia thường xuyên kiểm tra huyết áp

Theo tạp chí chuyên ngành JAMA Network Open, nhóm nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu y khoa của Đại học Michigan đã nêu ra những lo ngại về số lượng người tự theo dõi huyết áp tại nhà. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ cuộc thăm dò quốc gia về lão hóa khỏe mạnh của trường vào tháng 1/2021.

Các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên những người trong độ tuổi 50-80 và đánh giá câu trả lời của họ. Đây là nhóm tuổi chịu tác động nhiều nhất của bệnh tăng huyết áp.

Một số thông tin người tham gia cần cung cấp bao gồm các vấn đề về chiều cao, cân nặng và sức khỏe của họ.

Theo tác giả, vấn đề sức khỏe mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm bao gồm đột quỵ, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, tiểu đường và bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra, những người tham gia cần cho biết liệu họ có tự theo dõi huyết áp của mình và chuyên gia chăm sóc sức khỏe của họ có hướng dẫn họ làm vậy hay không.

do huyet ap anh 1

Phạm vi huyết áp khỏe mạnh là chỉ số tâm thu (số trên) dưới 120 mmHg và số đo tâm trương (số dưới) nhỏ hơn 80 mmHg. Ảnh: Cardio.

Khoảng 48% số người tham gia bị tăng huyết áp hoặc có tình trạng sức khỏe có thể gây tăng huyết áp cho biết họ thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà. Ngoài ra, chỉ 61,6% trong số này cho biết bác sĩ khuyên họ nên kiểm tra huyết áp định kỳ.

Các tác giả nghiên cứu nói rằng việc giảm số lần đến phòng khám trực tiếp cùng với việc tăng cường sức khỏe từ xa có thể là lý do 2/3 bác sĩ đề nghị tự theo dõi huyết áp.

Trong khi khoảng 75% số người tham gia ghi nhận có thiết bị theo dõi huyết áp riêng, một số người cho biết họ không sử dụng thiết bị này hoặc có sử dụng nhưng không chia sẻ thông tin với bác sĩ.

Tự theo dõi huyết áp là quan trọng

Kết quả khảo sát nhấn mạnh nhu cầu của mọi người về việc nhận thức rõ hơn tình trạng huyết áp của mình cũng như cải thiện việc trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Vì tăng huyết áp ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và có khả năng gây tử vong nếu vượt quá tầm kiểm soát, nên đây là chỉ số sức khỏe tương đối dễ theo dõi để tăng khả năng cứu sống.

Tiến sĩ Anjali Dutta, bác sĩ tim mạch của Trung tâm Y tế Morristown tại Hệ thống Y tế Đại Tây Dương, Morristown, bang New Jersey, nói với MNT: "Đây là nghiên cứu cho phép bệnh nhân tham gia vào việc theo dõi sức khỏe của chính họ. Nhiều bệnh nhân có thể không kiểm tra được huyết áp của mình do lịch trình làm việc bận rộn hoặc có thể do điều kiện hạn chế và không thể mua máy đo huyết áp”.

Tiến sĩ Vicken Zeitjian, bác sĩ tim mạch, người không tham gia vào nghiên cứu, cũng đã nói chuyện với MNT về kết quả khảo sát và suy đoán lý do tại sao mọi người không kiểm tra huyết áp của họ.

Tiến sĩ Zeitjian nhận xét: “Huyết áp cao thường không có triệu chứng trừ khi quá cao (được coi là ‘kẻ giết người thầm lặng’), do đó nhiều bệnh nhân cảm thấy không cần thiết kiểm tra. Họ nghĩ không có bất kỳ sự khác biệt nào”.

Ông cũng chỉ ra đôi khi các bác sĩ không khuyến nghị bệnh nhân kiểm tra huyết áp thường xuyên nếu nó nằm trong ngưỡng khỏe mạnh.

“Khái niệm về tăng huyết áp bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là huyết áp dao động trong ngày theo hoạt động, chế độ ăn uống và mức độ căng thẳng. Điều quan trọng là phải nhận thức về huyết áp trung bình trong cả ngày thay vì hiếm khi kiểm tra tại phòng khám”, tiến sĩ Zeijian nói.

Ông khuyên thanh niên nên bắt đầu và duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Mặc dù di truyền là yếu tố chúng ta không thể kiểm soát, việc duy trì chế độ ăn uống, tập thể dục, cai thuốc lá, hạn chế rượu là điều trong tầm tay mỗi người.

"Khám sức khỏe hàng năm rất quan trọng để đảm bảo phát hiện sớm các bất thường và can thiệp trước khi gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạn tính”, tiến sĩ Zeijian nói.

Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.

> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe

Tập thể dục thường xuyên cải thiện hiệu quả của vaccine Covid-19

Nghiên cứu mới cho thấy người tập thể dục được tiêm vaccine Covid-19 có nguy cơ nhập viện thấp hơn khoảng 25% so với người ít vận động được tiêm cùng loại vaccine.

Nam Giao

Theo Medical News Today

Bạn có thể quan tâm