1.443.490.909 người là con số giúp Ấn Độ kéo giãn khoảng cách về mặt dân số với Trung Quốc, theo dữ liệu ngày 20/8 từ Liên Hợp Quốc. Khi Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2024, nhiều kịch bản tiềm năng về tốc độ phát triển và sức ảnh hưởng từ đất nước tỷ dân được tô vẽ, trong đó có ngành du lịch.
Quan sát báo cáo từ Cục Du lịch Ấn Độ, một số chuyên gia dự đoán "tiểu lục địa" tỷ dân có tiềm năng thay thế Trung Quốc trở thành thị trường nguồn tại một số điểm đến.
Cụ thể, 28,2 triệu công dân nước này du lịch nước ngoài vào năm 2023, vượt ngưỡng 26,9 triệu người thời điểm trước dịch Covid-19. Trong khi đó, sức chi dành riêng cho du lịch chiếm đến 54% trong 31,7 tỷ USD - tổng mức chi dùng của khách Ấn Độ ở nước ngoài. Năm 2024, người dân nước này dự chi khoảng 42 tỷ USD cho ngành công nghiệp không khói, theo CNN.
Trên thực tế, tại Việt Nam, sức nóng của dòng khách từ Nam Á này ngày một rõ nét khi nhiều tỷ phú Ấn Độ liên tiếp chọn điểm đến ở Việt Nam tổ chức lễ cưới. Tính riêng quý I, Đà Nẵng ghi nhận đến 6 đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ, thông tin từ TP Đà Nẵng.
Gần nhất, từ 27/8 đến 7/9, Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh sẽ đón đoàn khách Ấn Độ được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Khoảng 4.500 người từ Sun Pharmaceutical Industries Limited - tập đoàn dược phẩm lớn thứ tư trên thế giới.
Du khách Ấn Độ tham quan TP.HCM hồi tháng 1. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Năm 2023, nước ta đón hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ, tăng 231% so với năm 2019, theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, số khách Ấn Độ đã bằng 1,6 lần lượng khách cả năm 2023, tức 231.000 lượt và tăng vượt bậc đến 164% so với cùng kỳ năm 2023. Quốc gia này nhanh chóng chiếm lĩnh một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế quan trọng lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, không chỉ riêng Việt Nam mong muốn mở rộng thị phần khách từ đất nước đông dân nhất thế giới, một số quốc gia khác, đa phần thuộc Đông Nam Á, cũng hướng đến thị trường quy mô "khổng lồ" cả về số lượng khách và doanh thu này.
Tranh giành "miếng bánh lớn"
Theo khảo sát từ Agoda, nền tảng đặt phòng toàn cầu trực tuyến, người dân Ấn Độ đang bắt đầu nới rộng sự lựa chọn về điểm đến. Năm 2019, Thái Lan, Malaysia và Indonesia là 3 địa điểm lọt vào tầm ngắm của khách Ấn.
Nhưng đến năm 2023, đất nước tỷ dân hướng sự chú ý đến Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia nhiều hơn, đáng chú ý là Việt Nam, Omri Morgenshtern, Giám đốc điều hành Agoda nhận xét.
Theo vị này, Đông Nam Á nói chung là điểm đến hàng đầu của du khách Ấn Độ. Nhu cầu du lịch của khách xứ tỷ dân mở ra làn sóng miễn thị thực (visa-free) cho Ấn Độ, đáng chú ý là khu vực ASEAN.
Cụ thể, Thái Lan nới quy định dỡ bỏ các yêu cầu về thị thực đối với du khách đến từ Ấn Độ cho đến ngày 11/11, thay vì 10/5.
TỔNG LƯỢNG KHÁCH ẤN ĐỘ ĐẾN MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á NĂM 2023 | ||
Nguồn: Văn phòng Du lịch các điểm đến được liệt kê | ||
Nhãn | 2023 | |
Việt Nam | 0.392 | |
Indonesia | 0.6 | |
Malaysia | 0.671 | |
Singapore | 1.07 | |
Thái Lan | 1.6 |
Malaysia cũng nhanh chóng gia nhập đường đua khi chứng kiến dòng khách Ấn Độ ồ ạt, tăng gấp 12 lần chỉ trong quý I/2023, từ 13,370 lượt khách (năm 2022) lên 164,566 lượt.
Đất nước này ban hành luật miễn phí thị trực 30 ngày cho công dân Ấn Độ ngay từ đầu tháng 12/2023. Kể từ đó, có khoảng 158 chuyến bay với 30.032 chỗ ngồi được cung cấp hàng tuần giữa Ấn Độ và Malaysia, theo Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia.
Trong khi đó, Indonesia, Nam Phi, Việt Nam và Nga cũng đang xem xét cho phép miễn thị thực cho dòng khách du lịch này.
Ngoài các nơi trên, một số đường bay ngắn và trung bình khác như từ Ấn Độ đến Maldives và Mauritius, Seychelles (quốc gia ở Đông Phi) hay Fiji (nằm ở châu Đại Dương) cho phép khách quốc gia này lưu trú từ 30-120 ngày.
Trái ngược với các điểm du lịch trên, dòng khách Ấn Độ lại không chảy đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), dựa trên dữ liệu của Agoda.
Lý giải về vấn đề trên, Giám đốc điều hành Agoda cho rằng nguyên căn nằm ở khoảng cách giữa Ấn Độ và 3 nơi này.
"Khi chúng tôi thảo luận với các cơ quan du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, họ công nhận Ấn Độ là một cường quốc đang phát triển và tất cả đều nói rằng đang cân nhắc kế hoạch. Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi đề cập đến việc quảng bá điểm đến cho khách hàng Ấn Độ, họ đều nói 'sẽ bắt đầu ngay bây giờ'", vị này cho hay.
Vẫn yếu thế so với Trung Quốc?
Cùng là đất nước sở hữu dân số ở hàng tỷ, nhưng thị trường du lịch nước ngoài của Trung Quốc đã tăng vọt ở hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của Ấn Độ lại đến muộn hơn.
Theo Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, một công ty nghiên cứu và tiếp thị về du lịch, ngành hàng không ảnh hưởng đáng kể đến cột mốc phát triển vượt bậc của du lịch Trung Quốc và sự nối gót của Ấn Độ.
Theo đó, ở "tiểu lục địa" tỷ dân, ngành hàng không ngày nay chủ yếu bao gồm các hãng hàng không tư nhân và thường đối đầu nhau.
Đối với nhiều du khách Ấn Độ, Việt Nam thu hút nhờ sở hữu cảnh quan hùng vĩ, ẩm thực đặc trưng. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Mặt khác, Trung Quốc phát triển ba tập đoàn hàng không và ba nhóm này "không cạnh tranh với nhau". Mỗi cơ quan hoạt động ở các khu vực cụ thể chẳng hạn Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, China Eastern có phân phối các chuyến bay tại Thượng Hải và cơ quan đầu não của China Southern đặt tại Quảng Châu.
Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát khối lượng và tần suất các tuyến đường hàng không, đặc biệt là chặng bay đến Đông Nam Á, Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, khi du lịch tại "công xưởng thế giới" trượt dốc, chính phủ Ấn Độ và các tập đoàn tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào ngành hàng không. Năm 2022, sân bay Quốc tế Indira Gandhi của Delhi lần đầu lọt vào danh sách 10 sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới với 59,5 triệu hành khách, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đóng cửa với thế giới (do đại dịch Covid-19) đến đầu năm 2023.
Nhìn chung, vị thế của Ấn Độ hiện tại chưa thể so với Trung Quốc thời kỳ hoàng kim, song vẫn là nổ lực đáng ghi nhận từ sự bắt tay "táo bạo" giữa chính phủ và các hãng hàng không nước này.
Đoàn du khách từ Sun Pharmaceutical Industries Limited (Sun Pharma) sẽ đến Việt Nam từ 27/8 đến 7/9. Đoàn sẽ tham quan một số địa danh nổi tiếng tại Hà Nội, sau đó di chuyển đến Ninh Bình và tham quan vịnh Hạ Long.
Sun Pharma là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ và cũng thuộc top những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới.
Tập đoàn được thành lập vào năm 1983, hiện có mạng lưới nhà máy sản xuất và cơ sở nghiên cứu tại nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Canada, Mexico, Israel và các nước châu Âu. Công ty xuất khẩu sản phẩm của mình đến hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.