Doudou nói rằng công việc đồng áng mang lại cảm giác bình yên và thanh thản, trong khi công việc cũ khiến cô luôn căng thẳng, lo lắng. Ảnh: Weibo. |
Doudou (30 tuổi), nông dân trồng dưa hấu sống tại tỉnh Sơn Đông (miền Đông Trung Quốc), đang là trung tâm của nhiều tranh luận liên quan đến giới trẻ ngày càng chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Cô tốt nghiệp thạc sĩ từ một trường đại học hàng đầu và đã bỏ công việc lương cao để về quê làm vườn.
Doudou cho biết cô hài lòng với bản thân và muốn trải nghiệm tất cả những điều thú vị trong đời, theo hãng tin địa phương Star Video.
Trước khi trở thành nông dân, người phụ nữ này làm việc tại một công ty phát triển trò chơi trực tuyến nổi tiếng với vị trí marketing sản phẩm trong 5 năm. Sau 3 lần định xin nghỉ nhưng không tìm được nơi khác phù hợp, cô quyết định rời khỏi ngành này hoàn toàn.
Sự lựa chọn của Doudou khơi dậy cuộc tranh luận về tham vọng nghề nghiệp và mục tiêu cuộc sống ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Doudou cho hay tuy có mức lương cao, cô vẫn thấy mệt mỏi khi bị ngập trong guồng quay tất bật hàng ngày với những nhiệm vụ lặp đi lặp lại.
“Nếu làm một dự án hoặc công việc trong một thời gian dài, tôi sẽ cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, tôi nghỉ hẳn với hy vọng tìm được điều gì đó mới mẻ hơn”, Doudou nói.
Sau khi nghỉ việc vào tháng 10/2022, cô chuyển sang làm đồng áng để thay đổi nhịp sống. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong đời mà Doudou đã đặt ra.
Trùng hợp, Sansan, người bạn thân nhất của cô cũng vừa thành lập một công ty nông nghiệp tại Tế Nam, thủ phủ của Sơn Đông.
Tương tự Doudou, Sansan không thích nghề dạy kèm tại một cơ sở giáo dục tư nhân. Thời gian đầu khởi nghiệp, cả hai đã thuê một ngôi nhà kính đã xuống cấp để trồng rau.
Họ chi khoảng 100.000 nhân dân tệ (14.500 USD) cho khâu sửa chữa cũng như mua hạt giống dưa hấu.
Theo lời Sansan, cha mẹ không thông cảm cho quyết định “từ bỏ một công việc tốt ở thành phố và trở về quê” của cô.
Bất chấp sự nghi ngờ của gia đình, Sansan và Doudou vẫn nhận được sự giúp đỡ từ những người thân khác khi kinh doanh trang trại. Thậm chí, họ còn xin làm nhân viên của cả hai.
“Cha mẹ tôi không biết giờ con gái đã trở thành người trồng dưa. Họ nghĩ tôi vẫn đang làm việc trong công ty trò chơi đó. Tôi định sẽ nói toàn bộ khi đến mùa thu hoạch và gửi cho họ một ít nông sản để nếm thử”, Doudou tâm sự.
Cô ước tính thu nhập từ việc trồng dưa chỉ bằng 1/10 so với số tiền kiếm được trước đây. Tuy nhiên, Doudou rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
“Công việc đồng áng đã chữa khỏi chứng mất ngủ và chán ăn của tôi. Tôi đã tăng 5 kg trong ba tháng qua. Bây giờ tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu”.
Cựu nhân viên văn phòng cho hay cô không khuyến khích ai làm theo mình vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Rất nhiều trường hợp đang phải hỗ trợ tài chính cho gia đình.
Câu chuyện của Doudou nhận được không ít lời khen từ dân mạng vì sự lựa chọn độc đáo.
“Tôi cũng muốn sống theo cách mình thích”, một người viết trên Weibo.
“Cô ấy có tư duy rất rõ ràng”, người khác bình luận.
Xu hướng "bỏ phố về quê" cũng rất phổ biến ở đất nước tỷ dân. Ảnh: China Daily. |
Ngày càng nhiều thanh niên ở đất nước tỷ dân ưu tiên những điều kiện thiết yếu trong cuộc sống, đặt hạnh phúc và chất lượng lên trên tiền bạc.
Đầu tháng này, một cặp vợ chồng trẻ ở Thượng Hải đã gây chú ý khi rời bỏ thế giới công sở, nghỉ hưu sớm và sống bằng tiền lãi từ khoản tiết kiệm 3 triệu nhân dân tệ (436.000 USD).
Một phụ nữ ở tỉnh Chiết Giang cũng quyết định từ bỏ công việc được trả lương cao trong lĩnh vực tài chính để mở tiệm bánh nhỏ vào năm 2021 nhằm theo đuổi ước mơ và có nhiều thời gian hơn với cậu con trai nhỏ, tờ Dongyang Daily đưa tin.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.