Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) là thuốc duy nhất điều trị cho người bị ngộ độc Botulinum trên thế giới, có giá lên tới 8.000 USD. Ảnh: Nguyên Hạnh. |
Sáng 25/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) thông tin về trường hợp của nam bệnh nhân 45 tuổi ở TP.HCM bị ngộ độc botulinum sau khi ăn món mắm để lâu ngày.
Người bệnh được chẩn đoán ngộ độc Botilinum type A và là một trong những type rất nặng, hội chẩn với các chuyên gia về ngộ độc nhận định nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân nhập viện ngày 14/5, điều trị tại khoa Nội Thần kinh. Sau đó, ông được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Vào 20h ngày 24/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận lọ thuốc giải độc tố Botilinum cho người bệnh từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng trước đó, người bệnh suy hô hấp phải thở máy, sụp mi, yếu tứ chi, cơ hô hấp, sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, kèm mạch nhanh và huyết áp tụt dần. Đây là biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực chuyên sâu, nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong.
Trả lời Tri thức trực tuyến, một nguồn tin tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hai anh em 26 tuổi và 18 tuổi bị ngộ độc botulinum điều trị tại cơ sở y tế trên đang thở máy nhưng đã quá chỉ định dùng thuốc. Do đó, việc truyền thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent thời điểm này không mang lại được hiệu quả giải độc.
Trước đó, đêm 24/5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent được gửi từ kho của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thuỵ Sỹ đã về đến TP.HCM để dùng cho các bệnh nhân. Số thuốc này được phân về 3 bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 2 lọ; Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ; Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Trưởng đơn vị Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết nếu có thuốc giải BAT ngay khi phát hiện nhiễm độc, bệnh nhân được truyền thuốc thì trong vòng 48 đến 72 giờ là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.
Tuy nhiên, việc truyền thuốc giải quá muộn so với thời điểm nhập viện cũng không mang lại tác dụng giải độc cho nạn nhân.
Theo vị chuyên gia này, trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.