Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có mặt khi cưỡng chế, bà Thảo có thể chịu trách nhiệm gì?

Việc đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ 2 nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng được coi là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt.

Sáng 6/6, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM không thực hiện được việc cưỡng chế theo bản án ngày 12/11/2018 đối với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vì căn nhà đóng kín, không ai mở cửa.

Cục Thi hành án đã ghi vào biên bản vi phạm hành chính về việc không thể vào bên trong nhà để thực hiện việc thi hành án theo quy định pháp luật.

Có thể bị phạt tiền

Cơ quan thi hành án cho biết nếu bà Thảo không tự nguyện thi hành theo nội dung thông báo thì Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính.

Le Hoang Diep Thao anh 1
Đoàn thi hành án có mặt trước cổng nhà của bà Thảo trên đường Tú Xương nhưng không vào được bên trong. Ảnh: Hoài Thanh.

Trước đó, vào ngày 16/1 và ngày 20/2, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM đã ban hành quyết định thi hành án và quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án; đồng thời đã tống đạt theo quy định pháp luật.

Ngày 27/5, Cục Thi hành án gửi thông báo yêu cầu bà Thảo phải có mặt lúc 9h ngày 6/6 tại căn nhà trên đường Tú Xương, quận 3, để thi hành quyết định trao trả con dấu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng ký thuế cho TNH.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 162 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014), việc đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ 2 nhưng không có mặt để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng được coi là hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.

Điều 165 luật này cũng quy định: "Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, trong trường hợp đây là lần thứ 2 bà Thảo nhận được giấy báo, giấy triệu tập mà không có mặt và không có lý do chính đáng thì có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nếu cơ quan cho rằng bà Thảo không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án; không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của tòa thì có thể xem xét phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp nào bị xử lý hình sự?

Theo quy định của pháp luật, trường hợp cơ quan chức năng xác định người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ hành vi.

Điều 379 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Không thi hành bản án thì người nào cố ý không thi hành quyết định của tòa án thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Le Hoang Diep Thao anh 2
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa ly hôn. Ảnh: Lê Quân.

Trong trường hợp việc không thi hành bản án dẫn đến hậu quả tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng thì có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.

Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần phải có đủ căn cứ xác định người đó cố tình không chấp hành bản án. 

Tranh chấp con dấu Trung Nguyên

Theo nội dung vụ kiện, sáng 16/10/2015, bà Thảo dẫn theo một số người đến trụ sở của TNH, khống chế bà Lê Thị Bích Hạnh (thư ký ban giám đốc) để cưỡng đoạt hàng loạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, các công ty con và chi nhánh của các công ty trong hệ thống Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 23/10/2015, bà Thảo đã gửi đến toàn bộ nhân viên và quản lý cấp cao của Tập đoàn Trung Nguyên quyết định số 23.10/QĐBN-HĐQT, mạo danh HĐQT để tự bổ nhiệm chính mình giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), sử dụng con dấu TNG mà bà chiếm đoạt để đóng lên quyết định này.

Ngày 30/5/2017, bà Thảo nhân danh TNH phát hành các văn bản có đóng dấu của TNH đến các nhà phân phối của Tập đoàn Trung Nguyên, yêu cầu đối tác “dừng việc phân phối hay bán sản phẩm Trung Nguyên, G7 tại thị trường Mỹ”.

Le Hoang Diep Thao anh 3
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Thảo có tới 19 vụ kiện tụng. Ảnh: Lê Quân.

Do đó, ông Vũ đứng đơn khởi kiện, yêu cầu bà Thảo chấm dứt hành vi chiếm đoạt con dấu của TNH; chấm dứt việc đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền ở TNH; chấm dứt hành vi nhân danh TNH để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.

Ông Vũ còn yêu cầu bà Thảo trả ngay cho TNH con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà bà Thảo đã chiếm đoạt vào ngày 16/10/2015.

Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 21/3/2018, bà Thảo không đồng ý với bản án tuyên buộc bà trả lại 12 con dấu và hơn 20 giấy đăng ký kinh doanh của các công ty, chi nhánh thuộc Tập đoàn Trung Nguyên nên đã kháng cáo.

Ngày 12/11/2018, HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của bà Thảo, buộc bà phải trả lại toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế cho Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.

Liên quan đến việc bà Thảo không có mặt tại nhà sáng 6/6, trao đổi với Zing.vn sáng 7/6, đại diện truyền thông của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết thời điểm đó, ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng (đại diện luật sư của bà Thảo) đã đến Cục Thi hành án TP.HCM gửi đơn tố cáo chấp hành viên phụ trách thi hành án bản án này.

"Hiện con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên đã bị thất lạc, bà Thảo không còn giữ nữa", đại diện truyền thông này nói và cho rằng cơ quan thi hành án không còn cơ sở yêu cầu bà Thảo trao trả cho Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.

Trả lời phóng viên về việc phía bà Thảo cho rằng con dấu bị thất lạc, ông Đoàn Viết Tuấn (đại diện của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên) nói: "Cái đó tôi không biết được. Bên chúng tôi chỉ biết là không có con dấu để hoạt động nên yêu cầu cơ quan thi hành án buộc bà Thảo phải trả con dấu, đảm bảo quyền lợi của chúng tôi đúng với bản án tòa tuyên".


Ông Vũ từng nói gì khi bà Thảo muốn đoàn tụ gia đình? Hôm 10/4, bà Thảo gửi đơn kháng cáo và bà thể hiện mong muốn đoàn tụ với ông Vũ. Đây không phải là lần đầu bà muốn hàn gắn tình cảm và ông chủ Trung Nguyên từng từ chối tại tòa.



Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm