Đứng trước vành móng ngựa TAND Hà Nội cuối tháng 3 là người phụ nữ có gương mặt khắc khổ. Bên cạnh chị ta là chiếc túi vải rách rưới, màu không còn nguyên vẹn vì bụi bẩn. Đó là Đỗ Thị Xuân (48 tuổi, ở huyện Gia Lâm).
Bị cáo hầu tòa theo kháng cáo đòi tăng tiền bồi thường, tăng án phạt của bố và em chồng.
Cách đây khoảng 30 năm, vợ chồng chị Xuân được ông Lâm (bố chồng, đã đổi tên) cho mảnh đất nhỏ ở góc ao trong khi các em khác đều được ở mặt đường, rộng rãi. Quá trình sinh sống, họ bị cha chồng gây khó dễ trong việc đi lại.
Theo lời kể của nữ bị cáo, lúc thì ông Lâm bắt họ phải làm cổng lối này, mai bắt đi lối khác. “Cổng nhà tôi bé xíu để đi lại. Giờ ông đòi chúng tôi biết đi lối nào”, Xuân phân trần. Vì điều này hai gia đình nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến ẩu đả.
Bị cáo Xuân tại tòa. Ảnh: V.T. |
Tài liệu điều tra thể hiện, sáng một ngày cuối tháng 6/2015, khi đi chợ về, Xuân thấy cổng sắt nhà mình bị ông Lâm tháo dỡ nên to tiếng với cha chồng. Nghe tiếng, chị Huyền (em chồng Xuân) chạy ra chửi nhau với chị dâu.
Mâu thuẫn xảy ra, nàng dâu bị em và bố chồng lao tới đánh. Trong lúc giằng co, Xuân nhặt khúc gỗ ở bếp đập vào đầu Huyền khiến nạn nhân ngất xỉu, tổn hại 3% sức khỏe.
Sau đơn tố cáo của bố và em chồng, Xuân bị tòa tuyên 6 tháng tù treo về tội Cố ý gây thương tích. Cho rằng mức án trên quá nhẹ, chị Huyền và ông Lâm làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với chị Xuân.
Tại tòa, nàng dâu khẳng định mình không bao giờ buông lời chửi bố chồng. Bị cáo 48 tuổi cũng khẳng định không đánh ông Lâm, vết thương ở chân của bố chồng là do bị tai biến. Điều này cũng được bà Gái (vợ ông Lâm) khẳng định ở tòa sơ thẩm.
“Tôi may mắn vì có mẹ chồng biết phân xử đúng sai, thương mình. Nếu không có mẹ chồng, chắc tôi đã đi tù vì lời vu oan rồi”, chị Xuân nức nở.
Theo lời kể của nữ bị cáo, chị bị bố chồng vu đánh nhưng may được bà Gái minh oan đồng thời khẳng định ông Lâm là người dùng gậy đánh con dâu.
Tại tòa phúc thẩm, ông Lâm khập khiễng cùng con gái tới tham dự phiên xét xử con dâu mình trong tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ông ta khẳng định giữ nguyên kháng cáo, đề nghị tòa tăng hình phạt với con dâu. Theo họ, hành vi của Xuân phải bị ngồi tù…
Kết thúc phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên án sơ thẩm.
Nước mắt liên tục lăn dài trên má, Xuân nức nở kể về cuộc đời mình. Người phụ nữ đau đớn tự hỏi “sao đời mình lại khổ như thế này”.
“Hàng ngày tôi dậy từ 3h để hái rau, sau đó vắt sữa bò rồi tất tả ra chợ lấy cá bán kèm rau… không lúc nào ngơi nghỉ”, người phụ nữ bị tuyên 6 tháng tù treo nức nở.