Bàn về xu hướng giáo dục sớm đang được nhiều phụ huynh quan tâm, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con người có những chia sẻ xung quanh sự băn khoăn nên để “trời sinh voi sinh cỏ” hay giáo dục con từ trong bào thai.
Hiểu sai nguy hại về giáo dục sớm
- Thưa PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, ông có thể cho biết vì sao ông khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục sớm với trẻ từ 0 đến 6 tuổi?
- Theo thuyết trí thông minh đa diện, con người không chỉ có một mà có thể có đến 8 loại hình thông minh, với nhiều sự kết hợp khác nhau. Đó là Logic – Toán học; Ngôn ngữ; Không gian/thị giác; Âm nhạc/nhịp điệu/tiết tấu; Vận động cơ thể, Tương tác/xã hội; Nhận thức bản thân; Tự nhiên. Học thuyết này đã được công nhận và áp dụng trên 128 nước trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Ảnh: Quyên Quyên. |
Nếu cha mẹ vận dụng giáo dục sớm đúng hướng cho con sẽ kích hoạt 8 loại hình toàn diện và tạo trí thông minh có điều kiện nổi trội. Còn để theo cách “trời sinh voi sinh cỏ”, các loại hình trí thông minh sẽ kém phát triển và thui chột.
Vì vậy, giáo dục sớm là tận dụng mọi yếu tố và điều kiện để kích thích não bộ của trẻ từ giai đoạn 0-6 tuổi. Nguyên nhân do não trẻ sơ sinh chỉ nặng bằng 25% não người lớn, lên 2 tuổi tăng 50% và đến giai đoạn 6-7 tuổi thì hoàn thiện. Đây cũng là giai đoạn số lượng nơron thần kinh càng được kích hoạt sẽ càng kết nối với nhau nhiều.
Có thể ví bộ não của trẻ em như một rừng cây lớn, đan xen. Nếu không kích hoạt tốt, không được chăm sóc và vun bón, các cây sẽ lụi dần.
- Nhiều phụ huynh quan niệm, giáo dục sớm là cách giúp trẻ biết đọc, làm toán khi chưa đầy 1 tuổi, cách tạo ra thiên tài và thần đồng?
- Đó thực sự là điều nguy hại, khi phụ huynh tạo nên áp lực lớn cho trẻ và dạy con bằng cách tiểu học hóa. Đây là cách học truyền thụ kiến thức máy móc, nhồi nhét.
Một số người khác lại cho rằng, dạy sớm sẽ khiến con già trước tuổi, đánh mất tuổi thơ của con. Điều này tồn tại do phương pháp giáo dục của cha mẹ sai. Cha mẹ không thể ép con học mà chỉ có thể thông qua các trò chơi, tiếp xúc và tương tác cùng con.
Lên 6 tuổi mới dạy con là chậm
- Ông có thể lý giải mối liên hệ giữa giáo dục sớm và thần đồng?
- Thần đồng có rất nhiều loại, thậm chí có người bị tổn thương não từ bé nhưng cũng có thể thành thần đồng. Có những thần đồng không chỉ bộc lộ từ nhỏ đến tuổi trưởng thành như Anhxtanh. Để tạo nên thần đồng là cả một quá trình, trong đó yếu tố gen tác động chỉ là phần nhỏ.
Qua khảo sát, những người thành đạt chỉ có 25% IQ vượt trội, còn lại đa phần do chỉ số EQ (cảm xúc). Họ không chỉ học trong nhà trường mà học phần nhiều ở cuộc sống.
Một trường mầm non tại Hà Nội dạy Montesorri (phương pháp giáo dục sớm của Italy. Ảnh: Anh Tuấn. |
Giáo dục sớm tạo điều kiện cho những người có tiềm năng và năng lực phát triển, có khả năng tạo thành thần đồng. Ví dụ điển hình là trường hợp của cậu bé Đỗ Nhật Nam, người mẹ đã áp dụng thai giáo và kích hoạt mọi khả năng của con thông qua âm nhạc, ngôn ngữ.
- Báo chí có viết về những trẻ nhỏ biết đọc, làm toán từ khi chưa đầy một tuổi, có những trẻ nhỏ gia đình không dạy gì trước đó? Tại sao lại có những trường hợp này?
- Từ bào thai đến 3 tuổi, não phải của trẻ em phát triển chủ đạo. Từ 3-6 tuổi, hoạt động của não phải chuyển dần qua não trái. Khi não phải phát triển sẽ là cơ hội vàng trong giai đoạn phát triển trẻ, vì não phải có một số chức năng chụp hình và tiếp nhận thông tin với tốc độ nhanh.
Trẻ sẽ nhìn, nghe mọi thứ và chụp hình vào trong não bộ của chúng, lưu lại giống như ổ cứng của máy tính. Nếu ta biết vận dụng để giúp con ghi nhớ con số, tiếng thì con sẽ vượt trội so với những trẻ khác cả về mặt cảm xúc, tình cảm, phát triển giác quan, cũng như tố chất của trí tuệ.
Từ đó, người lớn có thể dạy cho trẻ theo cách tiếp xúc với cái gì thì biết được cái đó. Ví dụ, ta đưa cho bé cốc nước và viết chữ “cốc” ở bên, nó sẽ chụp hình cả hai. Một lúc khác, bé nhìn thấy cái cốc, hoặc chữ “cốc” sẽ nhận biết và đọc được.
Tương tự, trong cuộc sống hàng ngày, bộ não của em nhỏ sẽ ghi lại được thông tin nhạy bén, từ tấm biển quảng cáo trên đường, đối thoại của người lớn…
Đây hoàn toàn là do nguyên lý hoạt động của bộ não, không phải thần đồng do trời sinh ra, cũng không có yếu tố thần bí.
- Vị trí của việc nghiên cứu giáo dục sớm tại Viện nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con người như thế nào?
- Tại Viện, chúng tôi nghiên cứu các phương pháp giáo dục sớm đã được triển khai ở nhiều nước tiên tiến nhằm phát hiện những ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp, để tiếp cận và chọn lựa những phương pháp phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em Việt Nam và phong tục, tập quán, lối sống của người Việt.
- Ông có lời khuyên cho các bậc cha mẹ như thế nào để có thể tiến hành giáo dục sớm cho con hiệu quả?
- Giáo dục sớm cho con phải xuất phát hoàn toàn từ tình yêu thương của cha mẹ. Bên cạnh đó, phụ huynh phải kiên trì, chịu khó, toàn tâm toàn ý để con luôn hạnh phúc và được phát triển toàn diện.
Giáo dục sớm không có nghĩa cha mẹ phải bỏ nhiều tiền mua các trang thiết bị, theo khóa học đắt tiền, mà dạy con những điều nhỏ nhặt từ trong gia đình đến ngoài xã hội thông qua các đồ chơi, trò chơi... Nếu để con qua giai đoạn 6 tuổi, khi bước vào trường học mới giáo dục, phụ huynh đã chậm lại một nhịp.