Vừa trải qua trận lũ lịch sử, nhiều người dân các tỉnh thành miền Trung lại phải đối mặt với cơn bão số 9.
Bắt đầu từ sáng 28/10, bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Thời điểm đổ bộ, tâm bão có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Lo lắng không yên
3 tiếng không gọi được cho người thân ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) Nguyễn Công Nguyên (sống tại Đà Nẵng) sốt ruột không yên suốt buổi sáng 28/10.
Đăng bài trên trang cá nhân nhờ bạn bè cập nhật tình hình ở quê, dạo các diễn đàn đưa tin địa phương, hễ thấy ai nói ở Đức Phổ, anh đều hỏi thăm xem bão đang thế nào. Đó cũng là những gì anh có thể làm lúc này khi không được ở bên người thân.
"Mấy ngày nay, nghe tin bão về, tôi liên tục gọi cho người nhà hỏi han, dặn dò chằng chéo nhà cửa cẩn thận, không được chủ quan. Năm nay người dân khổ quá, chưa kịp hoàn hồn sau đợt lũ lịch sử thì bão lại kéo đến", Công Nguyên nói với Zing.
Hình ảnh người thân ở Quảng Ngãi gửi cho Công Nguyên. Ảnh: NVCC. |
Đầu giờ chiều, người đàn ông xa quê cuối cùng cũng liên lạc được cho người thân sau bao cuộc gọi nhỡ.
"Gió mạnh lắm, mưa to, nước vẫn đang lên, nhà bị bay mái tôn rồi", người cô ruột thông báo cho anh.
Vì ngoài trời gió lớn, mọi người không thể chạy sang nơi khác tránh bão, chỉ có thể bám trụ ở nhà và tìm góc an toàn nhất trú ẩn. Người cô còn cho biết trong khu đã có nhà bị đổ sập, một số người bị thương do mái tôn bay, cây cối gãy đổ lên người.
"Không liên lạc được, lòng tôi như lửa đốt, nhưng khi nghe tin như thế, tôi lại càng lo, vừa bất lực vì không thể ở bên hỗ trợ gì, chỉ biết nhắn mọi người bảo trọng", anh chia sẻ.
Cũng sống ở vùng bão quét qua song Công Nguyên may mắn không bị ảnh hưởng nhiều. Bình thường, anh cũng là người tích cực làm công tác thiện nguyện.
"Sau đợt lũ vừa rồi, tôi và nhóm bạn đến huyện Đại Lộc, Quảng Nam thì thấy nhiều nhà bùn đất ngập cả mét, hoa màu, gia súc mất trắng cả. Có một chú còn bị ngã gãy xương, nằm nhà suốt mấy ngày, khi bọn tôi đến mới hỗ trợ gọi xe đưa đi cứu chữa", anh kể.
Kinh doanh sửa chữa điện lạnh, sau đợt lũ vừa rồi, anh Nguyên cùng một số người trong nghề sẽ tiếp tục đi từ thiện và tiến hành sửa chữa miễn phí đồ gia dụng cho người dân một số xã bị ảnh hưởng như Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Sơn.
Bất lực
Đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM, thời gian này, Lê Thủy (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đều đặn gọi về nhà 2 lần/ngày để hỏi thăm tình hình bố mẹ ở Triệu Phong, Quảng Trị.
Đợt lũ vừa rồi, khu nhà Thủy là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Căn nhà cấp 4 của gia đình cô cũng bị ngập nặng, hoa màu, hồ cá rồi con lợn, đàn vịt cũng chẳng giữ lại được gì.
Tự an ủi "còn người, còn của", bố mẹ Thủy nhanh chóng xốc lại tinh thần, dọn dẹp sau cơn lũ. Tuy nhiên, cơn bão số 9 lại ập đến. Từ 21h ngày 27/10, bố mẹ cô cũng như người dân Quảng Trị bắt đầu ở yên trong nhà theo khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Nhiều nhà dân thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, bị tốc mái sau khi cơn bão số 9 đổ bộ. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Đêm qua, mình trăn trở mãi không ngủ được. Bản thân nằm đệm êm, phòng ấm, nghĩ tới tình cảnh nguy hiểm của người thân ở quê là lại bật khóc, cảm thấy thật bất lực vì không giúp được gì ngoài những cuộc điện thoại hỏi han", Thủy nói.
"Bây giờ, không chỉ mình mà người dân cả nước, đặc biệt là những người con xa quê mong cho mưa bão mau qua, mọi người đều bình an vô sự. Đó là điều quan trọng nhất".
Lúc 15h ngày 28/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mực lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum đang lên.
Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có thể ở trên báo động 2, sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc và sông Vệ (Quảng Ngãi) đều trên báo động 3.
Từ đêm nay, vùng mưa lớn mở rộng ra các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Lũ trên các sông ở Trung Bộ có thể lên đến báo động 2, báo động 3. Các tỉnh miền Trung đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập lụt.