Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam, nhận định như vậy tại hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ công tác xã hội trong nhà trường, nhằm nâng cao kỹ năng xã hội của sinh viên khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN”, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) sáng 26/11.
Tại sao sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp?
“Các bạn cần biết rằng làm giàu chân chính đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Vì vậy, các bạn trẻ cần làm giàu kiến thức, kỹ năng cho mình trước khi nghĩ đến chuyện làm giàu tiền bạc” - ông Tuấn Anh khuyên.
Theo ông Tuấn Anh, các doanh nghiệp đều cần những người chăm chỉ, cẩn thận... trong khi rất nhiều sinh viên thiếu những tố chất này.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo sáng 26/11. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Cái sinh viên cần là niềm tin. Các bạn phải tin mình là người làm việc chăm chỉ, chu đáo thì sẽ thành công. Tuy nhiên, hình như niềm tin ấy của sinh viên bị bào mòn theo thời gian” - ông Tuấn Anh nói.
Trong vòng bốn năm học ĐH sinh viên phải giải quyết được các vấn đề: Thứ nhất là quy trình hướng nghiệp chuẩn, thứ hai là hướng dẫn để học và nghiên cứu ĐH, thứ ba phải có kỹ năng mềm, thứ tư quản trị cuộc đời và thứ năm là quản trị nghề nghiệp.
Ông Tuấn Anh nhận định, nhìn chung hệ thống giáo dục đào tạo của chúng ta là ổn. Việc sinh viên ra trường có việc làm hay thất nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sinh viên chứ không phải do nhà trường.
“Việc học ĐH cực kỳ quan trọng. Tại sao sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp? Điều này là do sinh viên học ĐH không đàng hoàng. Gần đây nhiều bạn trẻ ảo tưởng không học ĐH vẫn thành công. Xu hướng này đang lan rộng trong giới trẻ. Chúng ta phải học ĐH một cách đàng hoàng” - ông Tuấn Anh nhắn nhủ.
“Chưa hề học lớp kỹ năng nào”
Theo ông Tuấn Anh, việc học kỹ năng mềm sinh viên phải tự học. Người tuyển dụng luôn muốn nhìn thấy kỹ năng mềm của ứng viên trong hành động, lúc triển khai công việc, chứ không phải mấy tấm bằng chứng nhận học vài chục kỹ năng mềm. Đối với nhà tuyển dụng, những tấm bằng đó là vô nghĩa!
TS Tăng Hữu Tân, giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết, sinh viên đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với công việc về sau và chủ động tìm hiểu nhưng chưa đầu tư một cách có hệ thống. Hầu hết sinh viên đã tốt nghiệp hiện làm việc tại các doanh nghiệp, khi được hỏi đã từng tham gia lớp học kỹ năng nào ở trung tâm hay trực tuyến trên mạng chưa thì các bạn đều trả lời “chưa hề học lớp nào hết”!
Trong khi đó, hiện nay, các nhà tuyển dụng đều đánh giá sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm, chưa đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc nhà tuyển dụng đưa ra.
Ông Tân cho rằng, những yếu tố tác động đến việc trang bị và rèn luyện kỹ năng mềm của sinh viên bao gồm: yếu tố chủ quan xuất phát từ bản thân sinh viên - đây là yếu tố quan trọng nhất; yếu tố khách quan đến từ nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong đó, gia đình chính là nơi sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm thực tế nhất; nhà trường đóng vai trò định hướng, giảng viên là nguồn lực lớn thúc đẩy quá trình nhận thức của sinh viên, về tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm; và xã hội chính là chất xúc tác.
“Trong xu thế hội nhập AEC và TPP, nguồn nhân lực tri thức phải được trang bị một cách toàn diện: Trình độ chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất và tiềm năng vốn có. Trong đó, những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với ứng viên là rất cụ thể, và mỗi kỹ năng phải chứa đựng được những mong đợi, kỳ vọng riêng của từng nhà tuyển dụng.
Những kỹ năng này không hẳn đều xuất phát từ tố chất, tính cách của từng người, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực rèn luyện, tích lũy qua một quá trình lâu dài” - ông Tân nói.