Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không hói, không xăm và các lệnh cấm kỳ quặc với tiếp viên hàng không

Hãng bay Trung Quốc mới đưa ra đe dọa sẽ đuổi việc tiếp viên quá cân, còn hãng bay Ấn Độ ra quy định cấm để tóc húi cua.

Hainan Airlines gây tranh cãi khi đe dọa sa thải các nữ tiếp viên hàng không có cân nặng vượt quá "giới hạn tiêu chuẩn" từ 10% trở lên, theo Global Times.

Theo bộ hướng dẫn liên quan đến ngoại hình của phi hành đoàn được công bố hôm 4/6, các tiếp viên hàng không của hãng phải quản lý trọng lượng cơ thể qua công thức sau: chiều cao (tính bằng cm) - 110 = cân nặng tiêu chuẩn (tính bằng kg).

Những người vượt quá tiêu chuẩn 5% sẽ bị theo dõi cân nặng, trong khi những người vượt quá 10% sẽ bị đình chỉ công tác và đưa vào một "kế hoạch giảm cân".

Hãng hàng không Trung Quốc không không phải nơi duy nhất đưa ra những yêu cầu kỳ quặc, mang tính phân biệt đối với phi hành đoàn.

Theo Telegraph, nhiều hãng bay trên khắp thế giới hiện vẫn duy trì những yêu cầu khó hiểu liên quan đến mối quan hệ cá nhân, trang phục, ngoại hình của tiếp viên hàng không, bất chấp sự chỉ trích và lời kêu gọi thay đổi trong nhiều năm qua.

Quy tắc kỳ lạ

Tháng 10/2022, Air India đã ra quy định cấm để tóc húi cua đối với các nhân viên nam có "đường chân tóc cao" hoặc "có các mảng hói". Thay vào đó, những tiếp viên bị rụng tóc đã được hướng dẫn cạo đầu.

Những người có tóc bạc cũng phải nhuộm đen, trong khi râu và ria mép đều bị cấm.

Giám đốc điều hành Air India cũng thông báo với nhân viên rằng mỗi thành viên phi hành đoàn sẽ được kiểm tra chỉ số BMI và cân nặng hàng quý.

Trên trang nghề nghiệp của Air India có ghi: "Phạm vi BMI cho phép: Ứng viên nữ là từ 18 đến 22 và ứng viên nam là từ 18 đến 25".

Điều này có nghĩa là một phụ nữ cao 162,5 cm sẽ không đủ điều kiện làm việc nếu họ nặng hơn 58,5 kg.

tiep vien hang khong anh 1

Tiếp viên hàng không quá cân nặng tiêu chuẩn có thể bị cấm bay ở Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Năm 2016, hãng hàng không Azerbaijan đăng thông tin tuyển dụng với chú thích "chỉ dành cho những cô gái ưa nhìn 18-30 tuổi".

Trong thông báo tuyển dụng gần đây trên trang web chính thức, từ "đẹp trai" cũng đã xuất hiện, trước khi bị xóa đi.

Trang tuyển dụng phi hành đoàn của Sri Lanka Airlines nói rằng các ứng viên lý tưởng nên "còn độc thân", điều này gợi lại một quảng cáo năm 1966 được đăng trên tờ New York Times cho vị trí tiếp viên hàng không của Eastern Airlines, với yêu cầu ứng viên phải phải "độc thân hoặc đã ly hôn nhưng chưa có con".

Air Niugini, hãng hàng không quốc gia của Papua New Guinea, cũng cho biết các ứng viên: "Phải độc thân và không có con cái phụ thuộc" - một yếu tố được nhấn mạnh trong quảng cáo tuyển dụng gần đây nhất của hãng.

Thay đổi

Trong khi một số hãng hàng không vẫn duy trì những tiêu chuẩn lỗi thời, nhiều nơi đang tìm cách thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ.

Giữa tháng 6, hãng hàng không quốc gia của Australia, Qantas, tuyên bố sẽ loại bỏ các quy định đồng phục dựa trên giới tính.

Nhân viên nam sẽ được phép trang điểm và tiếp viên nữ sẽ có tùy chọn bỏ giày cao gót.

Qantas cho biết đã xem xét lại các hướng dẫn của mình để phản ánh tốt hơn những kỳ vọng hiện đại và làm cho đồng phục trở nên thoải mái với nhân viên đến từ "nền tảng văn hóa đa dạng".

Trước đây, hãng hàng không đã thu hút sự chú ý vì các nguyên tắc nghiêm ngặt như kiểm soát độ dài của tóc mai và màu của bút kẻ mắt.

Hãng hàng không giá rẻ của Qantas, Jetstar, cũng sẽ áp dụng các quy định mới.

tiep vien hang khong anh 2

Các thành viên phi hành đoàn giới thiệu chính sách đồng phục phi giới tính của Virgin Atlantic. Ảnh: PinPep.

Năm ngoái, British Airways thông báo tất cả phi hành đoàn có thể trang điểm, để râu, đeo khuyên, trang sức và sơn móng tay.

Lần đầu tiên sau 20 năm, hãng hàng không này ra mắt đồng phục mới, bao gồm áo liền quần hiện đại, áo dài và tùy chọn khăn trùm đầu.

Cùng năm đó, Virgin Atlantic có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã giới thiệu đồng phục không phân biệt giới tính "nam" và "nữ" cụ thể.

Năm 2019, Air New Zealand ngừng cấm nhân viên có hình xăm lộ liễu, để cho phép "nhân viên thể hiện cá tính và bản sắc văn hóa của mình".

Chuyên gia về hành vi tổ chức và bình đẳng giới Miriam Yates hoan nghênh sự thay đổi của các hãng hàng không.

"Đây là cơ hội cho tất cả chúng ta. Hãy xem những ví dụ này như lựa chọn khả thi để tạo ra không gian làm việc toàn diện với tư cách là một xã hội có ý thức, đồng thời cho phép mọi người thách thức một số định kiến ​​giới truyền thống", bà Yates nói.

Kẻ bán clip quấy rối phụ nữ trên tàu điện ngầm Nhật Bản

Hàng nghìn vụ bắt giữ liên quan đến hành vi quấy rối, quay lén trên phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản, nhưng cũng có vô số vụ việc không bị phát hiện hay trừng phạt.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm