Không khí bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND ở Hà Nội, TP HCM
Chủ nhật, 22/5/2016 08:13 (GMT+7)
08:13 22/5/2016
Sáng 22/5, thời tiết Hà Nội dịu mát, TP HCM dễ chịu, đông đảo người dân có mặt từ sớm tại các điểm bỏ phiếu để bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Hình ảnh tại khu vực bỏ phiếu số 51, phường 7, quận 3, TP HCM. Ngay từ 7h sáng, nhiều gia đình nô nức, phấn khởi tổ chức đến để bầu cử. Ảnh: Hải An.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Lê Hiếu.
Tại khu vực bỏ phiếu phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đầu tiên bỏ lá phiếu bầu cử. Ảnh: CTV.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu bầu tại địa điểm bầu cử phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Tiến Tuấn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và phu nhân tại khu vực bỏ phiếu số 9 phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: CTV.
Tại đơn vị bầu cử số 4 phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội), Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải thực hiện nhiệm vụ của một công dân. Ảnh: Nhật Nam.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nói chuyện với người dân sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 51, phường 7, quận 3. Ảnh: Hải An.
Ông Lê Chí Thành (92 tuổi), cử tri già nhất điểm bầu cử phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội) diện áo the khăn xếp đi làm nghĩa vụ của một người công dân. Ảnh: Nhật Nam.
Ông Lương Quân (72 tuổi, ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng có mặt tại điểm bầu cử số 2, phường Kim Mã từ rất sớm. Ảnh: Tiến Tuấn.
Các cử tri thận trọng lựa chọn những người xứng đáng để bỏ phiếu. Ảnh: Nhật Nam.
Cử tri Nguyễn Thị Hiền Nhi (18 tuổi) ở quận Đống Đa lần đầu tiên thực hiện quyền công dân. Ảnh: Viết Thành.
Nữ cử tri Phạm Lan Hương (30 tuổi, ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị từng để gia đình bầu cử hộ các kỳ trước. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, chị nhận thức được quyền công dân của mình và đã tự đi bỏ phiếu. Ảnh: Tiến Tuấn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có 8 bệnh nhân không thể di chuyển. Do đó các cán bộ phường Phương Mai, quận Đống Đa đã mang hòm phiếu đến tận giường bệnh cho mọi người bầu cử. Ảnh: Hoàng Việt.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai thực hiện quyền công dân trên giường bệnh. Ảnh: Hoàng Việt.
Cụ Nguyễn Thị Nga (79 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, rất vui mừng khi được tự tay bỏ lá phiếu của mình mặc dù đang bệnh nặng. Ảnh: Hoàng Việt.
Cử tri Lê Xuân Khôi (18 tuổi, quê tại Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình) bỏ phiếu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, đơn vị bầu cử số 8, phường yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên bệnh nhân này được tham gia bầu cử. Anh hy vọng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ có những chính sách quan tâm hơn tới người bệnh. Ảnh: Công Khanh.
Tại trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội thuộc khu vực bỏ phiếu số 7 phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), hơn 3.400 cử tri tiến hành bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: Bá Chiêm.
Nữ can phạm Nguyễn Thúy Hằng là một trong những cử tri bỏ phiếu tại hòm phiếu chính. Các can phạm còn lại bỏ phiếu tại hòm phiếu phụ trong khu giam giữ. Ảnh: Bá Chiêm.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội cũng tham gia bỏ phiếu tại điểm bầu cử Trại tạm giam số 1. Ảnh: Bá Chiêm.
Tại điểm bầu cử Học viện Báo chí & Tuyên truyền, bạn Nguyễn Thùy Chi, cựu sinh viên của trường được các bạn sinh viên hỗ trợ đưa vào bỏ phiếu. "Đây là lần thứ hai tôi đi bầu cử tại trường. Công tác tổ chức bầu cử năm nay quy củ hơn những năm trước rất nhiều", Chi nói. Ảnh: Hoàng Như.
Trong ngày 22/5/2016, gần 70 triệu cử tri sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.
Cụ thể, tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tổng số 870 người ứng cử. Trong đó, 197 người ứng cử ở Trung ương, 662 người ứng cử ở địa phương và 11 người tự ứng cử.
Tại 1.096 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; tại 6.721 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; tại 79.888 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh năm 1956, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình; là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII. Ông từng giữ các chức Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Công an. Từ tháng 4/2016, ông là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên; Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10h05 ngày 21/9/2018.
Ngày sinh: 12/10/1956
Ngày mất: 21/9/2018
Quê quán: Xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, X, XI, XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XI; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV. Bà từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phó chủ tịch Quốc hội.
Sáng 22/5, hàng triệu cử tri trên cả nước đã bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Nhiều cử tri trẻ lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình.