Trả lời câu hỏi của Zing.vn trong buổi họp báo chiều 17/7 về nhiều thông tin cho rằng một số thí sinh đạt điểm cao bất thường là con quan chức, trong đó có con của lãnh đạo tỉnh, ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang - cho hay việc con của lãnh đạo tỉnh dự thi THPT quốc gia là điều đương nhiên. Kỳ thi có rất nhiều đối tượng dự thi, trong đó có cả con lãnh đạo.
Tuy nhiên, không có lãnh đạo nào nói phải làm việc để đưa con họ vào trường nào cả. Vì vậy, sai ở đâu, sai ở điểm nào, ai sai, ông Quý sẽ trả lời sau. Cơ quan điều tra đang làm việc.
Như vậy, điểm số của M. có thay đổi, Toán từ 9,4 giảm xuống 6 và Tiếng Anh từ 10 còn 8 điểm.
Kết quả điểm thi các môn sau khi chấm thẩm định. Đồ họa: Ngọc Châu. |
Trong buổi họp báo và trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc, ông Trần Đức Quý đều nhận trách nhiệm với tư cách là trưởng ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Giang.
“Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng do không có nghiệp vụ, yếu chuyên môn nên đã tạo khe hở. Đây là bài học xương máu cho giáo dục Hà Giang", ông Quý nói.
Về việc xử lý người liên quan sai phạm, theo phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, "trách nhiệm của Hội đồng thi Hà Giang, giám đốc GD&ĐT. Khi làm rõ đến đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đấy, không che giấu. Nếu bố mẹ chạy điểm cho con, khi có kết quả chính xác, sẽ xử lý và có kết luận cuối cùng".
Ông Trần Đức Quý nhận trách nhiệm khi làm trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang. Ảnh: Q.Q. |
Riêng Phó trưởng phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương, người được cho là trực tiếp can thiệp điểm thi, ông Quý khẳng định sau khi có kết luận của công an, nếu phải khởi tố sẽ khởi tố và đuổi việc... Tất cả đều tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Quý bày tỏ khi có kết quả điểm thi, ông vui vì thí sinh Hà Giang điểm cao nhưng lại lo lắng bởi có đúng thực chất hay không. Sau khi tìm ra sai phạm nghiêm trọng ở Hà Giang, ông Quý vừa buồn, vừa vui. Điều ông nói “hãy trả lại điểm thực chất cho các em để tạo sự công bằng, tạo niềm tin cho nhân dân Hà Giang và cả nước” đã thực hiện được.
Trưởng ban chỉ đạo chia sẻ đây là bài học sâu sắc cho giáo dục Hà Giang và cần sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT để khắc phục. Đây mới là kỳ thi được tổ chức năm thứ 3 tại Hà Giang, vì vậy không thể tránh khỏi khuyết điểm. Sai phạm này là bài học xương máu, người đứng đầu kỳ thi mong muốn được khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau buổi họp báo chiều 17/7, Hội đồng thi tỉnh Hà Giang đã thay thế toàn bộ kết quả đã công bố bằng điểm chấm thẩm định. Thời gian chấm đã hoàn thiện đúng hạn, điểm mới của thí sinh không ảnh hưởng việc xét tuyển cao đẳng, đại học của các em.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An), hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng.
Trường hợp người thân học sinh nhờ cán bộ nâng điểm và kèm theo đó là việc trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ đưa tiền, lợi ích khác cho ông Lương thì có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhờ mang tính chất tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì có thể không bị xem xét về tội này.