Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có lần đầu báo cáo về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em xuất hiện ở một số nước ngày 23/4 vừa qua. Tính đến ngày 3/5, 228 trường hợp trẻ đã được ghi nhận bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở 20 quốc gia. 4 trẻ trong số này thậm chí đã tử vong.
Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, mới đây cũng đã có văn bản về việc tăng cường giám sát căn bệnh này
Về vấn đề trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng với những giả thiết hiện tại, chúng ta nên cẩn trọng nhưng cần tránh quá lo lắng.
Bản chất
Theo bác sĩ Khanh, xét về nguồn gốc, các bệnh lý viêm gan được chia thành 2 nhóm gồm virus ái gan và virus không ái gan.
“Những virus ái gan sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng di chuyển tới gan và gây viêm gan. Trong khi đó, những virus không ái gan không tấn công gan và chỉ tình cờ vào gan ở một số trường hợp”, vị chuyên gia giải thích.
Các loại virus ái gan được đặt tên theo thứ tự bảng chữ cái gồm A, B, C, D, E,... Trong đó, một số loại lây qua đường máu là B, C. Virus viêm gan A lây nhiễm qua đường tiêu hóa (ăn uống). Mặt khác, một số nhóm virus lây qua đường hô hấp.
Đặc điểm của những virus lây qua đường máu là khả năng gây viêm gan rất cao. Ngược lại, nhóm virus lây qua đường tiêu hóa lại chỉ gây biểu hiện ban đầu là tiêu chảy, nôn, đau bụng. Tỷ lệ những trường hợp tiêu chảy nhưng không có viêm gan cũng rất cao. Điều này tương tự với những virus lây qua đường hô hấp.
Một số trường hợp nhiễm virus viêm gan qua đường tiêu hóa chỉ có các biểu hiện nôn, tiêu chảy. Ảnh minh họa: Freepik. |
Dẫu vậy, những nhóm virus lây qua đường tiêu hóa, hô hấp vẫn có tỷ lệ nhỏ sẽ di chuyển tới gan. Lúc này, chúng có khả năng gây viêm gan cấp, thậm chí một tỷ lệ thấp khác dẫn đến viêm gan tối cấp tới mức teo gan, suy tế bào gan, khiến gan không lọc được nhiều chất độc và ảnh hưởng tới não.
“Lúc này, các bệnh nhân buộc phải lọc gan hoặc được ghép gan. Nếu không sẽ có nguy cơ tử vong. Dẫu vậy, nhiều trường hợp vẫn có thể tự vượt qua. Thông qua sự hỗ trợ từ các bác sĩ, gan sẽ tự hồi phục”, bác sĩ Khanh cho biết.
Bên cạnh viêm gan siêu vi kể trên, tình trạng này còn có thể xuất phát từ hóa chất, một số bệnh lý chuyển hóa, thuốc, rượu bia,...
“Viêm gan đến từ rất nhiều nguyên nhân. Khi không thể tìm thấy nguyên nhân nào khác, người ta có thể nghĩ tới siêu vi”, bác sĩ Khanh nói.
Với chùm ca bệnh gần đây, các trường hợp mắc đều xuất hiện ở những quốc gia tiên tiến, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế tầm soát hết khả năng. Đây cũng là nguyên nhân khiến căn bệnh này được đánh giá “bí ẩn” bởi các ca bệnh đều cho kết quả âm tính với tất cả virus ái gan đã biết.
Một yếu tố để đưa ra đánh giá này là các ca bệnh tương tự xuất hiện rải rác ở nhiều nơi khác nhau như Mỹ, Anh, châu Âu,...
“Do bệnh cảnh giống nhau và rải rác ở nhiều nơi, khả năng được đưa ra cao nhất của chùm ca bệnh lần này là virus. Lúc này, người ta mới tìm thêm tác nhân trong máu, đường hô hấp, phân,... thông qua xét nghiệm rRT-PCR, giải trình tự gene,... Kết quả cho thấy nhiều mẫu xuất hiện virus Adeno 41”, bác sĩ Khanh cho hay.
Nếu căn nguyên thật sự từ virus Adeno
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định bên cạnh những các loại virus viêm gan A, B, C, D,... còn rất nhiều virus khác cũng có thể gây ra tình trạng bệnh lý này. Trong đó, giới khoa học có nhắc tới virus Adeno.
“Trong quá khứ, chúng ta chỉ thường bắt gặp loại virus này gây viêm gan ở trẻ sơ sinh và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch do sức đề kháng quá thấp. Với những người khỏe mạnh, virus Adeno chỉ gây ra tình trạng viêm hô hấp”, ông chia sẻ.
Nguyên nhân là với hệ miễn dịch tốt, virus Adeno chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể ở tốc độ chậm cùng số lượng nhỏ. Điều này khiến chúng không di chuyển ra nơi khác trong cơ thể. Tuy nhiên, 2 nhóm kể trên gần như không có miễn dịch, tạo điều kiện cho chúng xâm nhập vào gan.
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của cụm nhỏ các hạt adenovirus. Ảnh: G. William Gary/CDC. |
Do đó, một giả thiết được đặt ra liên quan chùm ca bệnh viêm gan gần đây, trong trường hợp virus Adeno là căn nguyên, đến từ việc trẻ nhỏ không được ra ngoài và có thời gian làm quen với loại virus này. Từ đây, khi tiếp xúc, chúng không có kháng thể với virus Adeno.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhấn mạnh đây vẫn chỉ là một lý luận được đặt ra và chưa chứng minh trên thực tế.
Xét trên phạm vi cộng đồng, Adeno vốn là loại virus hoạt động thường xuyên trong hệ hô hấp của con người, tương tự virus cúm và RSV.
“Adeno trước nay có thể gây viêm kết mạc, cảm, ho,… Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra quá phổ biến, từ đó không được nhiều người chú ý tới và nghiên cứu sâu ngoài bác sĩ điều trị”, vị chuyên gia giải thích.
Cũng bởi tính chất lây qua đường hô hấp của Adeno, nếu tác nhân gây bệnh viêm gan gần đây thực sự do loại virus này, chúng sẽ lan sang Việt Nam rất nhanh trong thời gian tới. Bản thân virus này có thể đã xâm nhập vào nhiều người nhưng chỉ một tỷ lệ trẻ nhất định bị viêm gan,
“Những trường hợp còn lại có thể chỉ xuất hiện tình trạng viêm hô hấp, đau bụng, tiêu chảy và tự hồi phục. Ngược lại, một tỷ lệ bệnh nhân không thể tự hồi phục, buộc phải ghép gan, thậm chí không may tử vong”, bác sĩ Khanh nói.
Cần làm gì?
Dựa trên những lý luận này, nếu căn bệnh viêm gan bí ẩn thực sự do virus Adeno gây ra, bác sĩ Khanh khẳng định người dân, không có cách nào khác, ngoài việc rửa tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang (nếu có thể) và tập trung vệ sinh ăn uống.
Với nhóm được chú ý hiện nay là trẻ em, vị chuyên gia khuyến cáo phụ huynh vẫn nên chăm con như bình thường. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện vàng da toàn thân, tiểu sậm màu, chúng ta cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.
“Cách điều trị cũng tương tự những căn bệnh viêm gan thông thường là giữ gan ổn định và chờ chúng tự hồi phục. Đặc biệt, cần tránh uống thuốc không theo chỉ định. Ví dụ với trẻ bị viêm gan, việc uống paracetamol sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm, rất nguy hiểm”, ông nói.
Việc phát hiện bệnh sớm và nhập viện kịp thời cũng giúp trẻ có điều kiện hồi phục gan tốt hơn. Dẫu vậy, bác sĩ Khanh kết luận chúng ta không nên quá lo lắng với căn bệnh này.