Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không nên xử lưu động người chưa thành niên

Nhiều tòa đưa người chưa thành niên xử lưu động để tăng tính răn đe nhưng cũng có những tòa không làm điều này vì e rằng phản tác dụng giáo dục, dễ làm bị cáo tổn thương tâm lý.

Tối 13/5/2014, Phương (hơn 17 tuổi) rủ Văn (chưa đủ 14 tuổi) lẻn vào trụ sở của một công ty ở một thị xã lấy trộm một màn hình máy tính, một cục thu phát sóng Wi-Fi, một máy scan, hai con chuột máy tính và bàn phím thì bị công an bắt.

Liều trộm cắp vì ham chơi

Theo kết quả định giá, tổng giá trị tài sản bị trộm cắp là hơn 6 triệu đồng nên Phương bị khởi tố, truy tố về tội Trộm cắp tài sản. Riêng Văn vì chưa đủ 14 tuổi nên chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.

Sau đó, TAND thị xã đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tại một trường tiểu học. Bị cáo Phương nhợt nhạt, dúm dó đứng trước vành móng ngựa, hối hận lí nhí khai muốn trộm đồ máy tính về để có máy... chơi trò chơi. Đại diện công ty bị trộm đồ đã mong tòa xử nhẹ tội cho bị cáo bởi các cháu còn quá nhỏ, cũng chỉ vì ham chơi nên mới lấy máy móc về. Cuối cùng, tòa phạt Phương 12 tháng tù.

Phiên xử kết thúc, người theo dõi lặng lẽ tản ra về. Một người dân bán tạp hóa chia sẻ : “Mấy hôm nay xã xuống phát loa sẽ xử án lưu động nên tôi cũng đến xem sao. Bị cáo cũng chỉ ở tuổi con của tôi thôi, tội nghiệp, chỉ vì phút thiếu suy nghĩ mà ra nông nỗi này”.

Phản giáo dục, thiếu nhân văn

Khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 01 ngày 12/7/2011 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên) quy định: Không xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm. Do vậy, nhiều trường hợp tòa lấy lý do cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương nên vẫn đưa người chưa thành niên ra xét xử lưu động như vụ án nói trên.

Tại một hội thảo bàn về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tuunjg hình sự do Ủy ban Tư pháp tổ chức hồi đầu tháng 8, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ đã đặt vấn đề: Cần sửa luật theo hướng không được đưa người chưa thành niên ra xét xử lưu động. Không những vậy, cần nghiên cứu việc xét xử kín với bị cáo chưa thành niên.

Một số tòa vẫn đưa bị cáo chưa thành niên ra xét xử lưu động để răn đe.
Một số tòa vẫn đưa bị cáo chưa thành niên ra xét xử lưu động để răn đe.

Theo ông Độ, chính sách hình sự với người chưa thành niên - đối tượng còn “trẻ người non dạ”, chưa phát triển, chưa có nhận thức, hiểu biết đầy đủ như người trưởng thành - là nhằm cho các em nhận ra được lỗi lầm và sửa chữa để phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích. Việc đưa các em ra xử lưu động trước hàng trăm, hàng ngàn cặp mắt nhìn vào có thể gây tổn thương tâm lý cho các em. Lúc đó ngoài tác dụng răn đe thì mục đích chính của việc xét xử đối với các em sẽ không đạt được. Cả cộng đồng dân cư nhìn vào ai cũng biết, cũng nghĩ các em là kẻ xấu thì không nên tí nào, không tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các em.

Luật sư Trần Thành (Đoàn luật sư TP HCM) nhận xét ngoài việc phản tác dụng giáo dục, việc xử lưu động bị cáo chưa thành niên còn gây thiệt thòi cho các em bởi án xử lưu động luôn là án điểm và mức hình phạt nghiêm khắc hơn bình thường.

“Tuổi chưa thành niên là tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, khiến các em bỡ ngỡ. Đây là lứa tuổi bồng bột, thiếu chín chắn, thích khẳng định mình nên khi thiếu sự quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục của gia đình, các em dễ phạm sai lầm, dẫn đến phạm tội. Mở phiên tòa lưu động đối với các em chỉ làm cho các em thêm mặc cảm tự ti, mất phương hướng, mất niềm tin vào sự bao dung, nhân ái, dễ gây ra tác dụng ngược như làm các em xấu hổ, tạo vết sẹo tâm lý khó phai mờ, khiến các em sẽ trở nên liều lĩnh hơn, khó cải hóa. Nhiều khi đây còn là mầm mống của thói hư tật xấu, của tội ác sau này” - luật sư Thành nói.

Thẩm phán Trịnh Thị Thanh Bình (Chánh án TAND tỉnh Bến Tre) cũng rất ủng hộ quan điểm nhân văn này và cho biết: “Dù pháp luật không cấm nhưng địa phương chúng tôi không đưa vụ án nào mà bị cáo là người chưa thành niên ra xử lưu động cả. Bởi xét xử đối với các em phải thận trọng chứ không thể đơn giản được”.

“Tôi từng áy náy vô cùng”

Rất lâu rồi, tôi từng xử lưu động tại một trường học cấp III nơi hai em học sinh đánh nhau. Chuyện bạn bè trong lớp chọc ghẹo nhau vẫn thường xảy ra nhưng do em này có cá tính đặc biệt, dễ bị kích động nên về lấy dao ra đâm bạn. Chính các học sinh trong trường là “khán giả” theo dõi phiên tòa cũng không hiểu vì sao bạn mình lại hành động như thế, vì sao bạn mình lại phạm tội này, tội kia…

Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn thuần chọn địa điểm xử lưu động là trường học để tuyên truyền pháp luật phòng, chống bạo lực học đường, mong muốn các em nghe tòa xét xử, từ đó rút ra cho mình bài học về kỹ năng sống, biết tuân thủ pháp luật. Nhưng khi phiên tòa kết thúc, nhìn bị cáo tuổi đời còn nhỏ phải tra tay vào còng lên xe về trại giam, tôi áy náy vô cùng.

Ngẫm lại tôi thấy trường hợp này tác dụng răn đe, giáo dục là không có, nhiều khi còn tạo ra sự phản cảm lớn. Tòa xử bao nhiêu năm tù không quan trọng bằng cái mà em cảm thấy xấu hổ với bạn bè của mình. Chưa kể thời điểm ấy em còn phải mặc áo tù. Trẻ phạm tội là do độ tuổi non nớt, tâm sinh lý phát triển chưa toàn diện, nhận thức về cuộc sống chưa đầy đủ, hiểu biết pháp luật chưa tới, nếu đưa ra xử lưu động thì nhằm răn đe, giáo dục đối tượng nào? Không lẽ lại đem trẻ ra xét xử giữa nơi công cộng để làm gương?

Xét xử lưu động để răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật là việc cần thiết, là nhiệm vụ thường xuyên của tòa nhưng theo tôi, trong vụ án nếu có người chưa thành niên (dù là bị cáo hay người bị hại) thì không nên đưa ra xử lưu động. Tại TP HCM, từ nhiều năm nay chúng tôi không đưa vụ án nào có bị cáo là người chưa thành niên đi xét xử lưu động cả.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, 
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM


Giúp các em tái hòa nhập

Theo Điều 40 Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em ngày 20/11/1989 quy định cách thức đối xử đối với mọi trẻ em bị công nhận đã vi phạm pháp luật hình sự phải tính đến lứa tuổi của trẻ em và tính đến điều đáng mong muốn là làm sao giúp các em tái hòa nhập xã hội.

Hiện nay một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp… đã có tòa án chuyên trách dành riêng cho trẻ em. Ở nước ta cũng đã và đang có nhiều đề xuất về việc thành lập tòa án chuyên trách dành cho trẻ em tương tự.

* Tên các bị cáo đã được thay đổi.

http://phapluattp.vn/phap-luat/khong-nen-xu-luu-dong-nguoi-chua-thanh-nien-575135.html

Theo Ngân Nga/Pháp luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm