Tại Hội nghị đánh giá thực trạng, tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn thành phố ngày 4/10, thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM) phát biểu quan điểm về công tác phòng chống ma túy, tội phạm ma túy thời gian qua.
"20 năm qua, chưa nói rằng ai thắng ai trong cuộc chiến phòng chống ma túy nhưng chắc chắn tội phạm ma túy có quy mô ngày càng lớn hơn", thiếu tướng Minh nói.
Ông cho biết khi được phân công phụ trách lực lượng cảnh sát, đơn vị ma túy lúc đó tính là "bánh" heroin, nhưng bây giờ đơn vị tính đã lên tới "tấn".
Điều đó cho thấy người nghiện ngày càng gia tăng, chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều, gây ra hậu quả về trật tự xã hội, thậm chí có những vụ cuồng sát nhiều người thân.
Phải quản lý được người nghiện
Thiếu tướng Minh đánh giá thành phố chưa đạt được nhu cầu tổng quát là kiềm chế, kéo giảm về tệ nạn và tội phạm ở góc độ người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM tại hội nghị. Ảnh: Lê Trai. |
Trong các yếu tố gia tăng tội phạm thì người nghiện là thành tố trung tâm, tiêu cực và nguy hiểm nhất. Bởi người nghiện không chỉ là "cầu" để nuôi sống tội phạm "cung" ma túy, mà chính người nghiện khi bị tha hóa cũng chính là nguồn nhân lực tiếp tay, làm gia tăng phạm pháp hình sự.
Nguyên Phó giám đốc Công an TP dẫn chứng có 2 năm (2008 và 2013) thành phố gia tăng phạm pháp hình sự. Nguyên nhân hai năm đó bế tắc về giải quyết người nghiện vì thí điểm quản lý sau cai nghiện đã bị hủy bỏ. Việc cai nghiện bắt buộc chuyển sang cho tòa án quyết định. Chính điều này gây tồn đọng người nghiện ở thành phố.
"Trong chính sách lập pháp 10 năm qua luôn đề cao quyền con người của người nghiện, coi họ là bệnh nhân cần phải chăm sóc và điều trị. Tôi không phản bác nhưng chỉ nói như vậy thì không đủ. Chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn, người nghiện là người tự gây ra suy thoái về nhân cách, nguy cơ đối kháng với lợi ích xã hội, nguy cơ vi phạm pháp luật cao, cần phải chăm sóc, điều trị và quản lý đặc biệt", ông Minh phát biểu.
Ông nhấn mạnh việc quản lý đặc biệt người nghiện không phải là áp dụng chính sách hà khắc hay phân biệt đối xử mà vẫn đề cao chăm sóc, chữa trị.
Thiếu tướng Minh đánh giá việc cai nghiện hiện nay không đạt hiệu quả, ngay cả thế giới cũng không có giải pháp. Do đó cần áp dụng cai tập trung bao gồm tự nguyện và có thu phí.
Với những người có nơi ở ổn định, nếu phát hiện sử dụng ma túy thì phải chuẩn bị thủ tục để giáo dục tại phường, xã; buộc họ có mặt để thực hiện xác định tình trạng. Nếu vẫn còn tái nghiện thì phải áp dụng cai tập trung.
Luật còn bất cập
Thiếu tướng chỉ ra mỗi năm đều có kinh phí tuyên truyền ma túy phân bổ cho các địa phương. Song, theo ông, khẩu hiệu dán trên đường, cho xe đọc ra rả "nói không với ma túy" đang bị lãng phí.
"Điều này 2/3 người dân thành phố hiểu. Cái cần thiết ở đây là các đối tượng nguy cơ, địa điểm nguy cơ được xác định có ma túy tổng hợp, hình thành tụ điểm người nghiện lôi kéo nhau. Ma túy không phải xuất phát từ nhu cầu về tình dục như mại dâm mà nó là nhu cầu nhân tạo", ông Minh nói.
Những tụ điểm dịch vụ nhạy cảm như quán bar rượu, vũ trường, karaoke, cơ sở lưu trú là những nơi thường xuyên tổ chức sử dụng ma túy. Theo thiếu tướng Minh, trách nhiệm trong việc phòng, chống ma túy không chỉ cảnh sát mà còn cơ quan chức năng quản lý hành chính, an ninh trật tự, cơ quan cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho những nơi đó.
Các cơ quan này cần phải kiểm soát, cơ sở nào không đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự thì phải hủy chứng nhận kinh doanh, không được tiếp tục hoạt động.
Về tội phạm ma túy, nguyên Phó giám đốc Công an TP.HCM đánh giá là loại có tổ chức, xuyên quốc gia, nguy cơ tái phạm cao, truyền nối gia đình.
Trong khi chờ xử lý, theo thiếu tướng Minh, phải thay đổi Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự. Hiện, Luật Hình sự quy định hàng chục tội danh nhưng chỉ xử 3 tội tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép ma túy. Trong khi còn rất nhiều hành vi như lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép, sản xuất dụng cụ sử dụng ma túy lại không xét xử.
"Nhiều người đặt câu hỏi về việc tại sao có trung chuyển ma túy? Điều này có từ lâu rồi nhưng quy mô gia tăng. Tôi có dịp hỏi cung những tội phạm trung chuyển, họ nói Việt Nam hội nhập kinh tế rất sâu, giao thương thanh toán rất thuận lợi nhưng pháp luật thì không hội nhập. Dại gì không trung chuyển qua Việt Nam khi không có tương trợ tư pháp, khả năng phát hiện thấp và nếu phát hiện cũng khó xử hơn", ông Minh phân tích.
Ông cho rằng hầu hết việc tương trợ tư pháp đều dồn vào cơ quan Trung ương, điều này dẫn tới nhiều bất cập. Có lần ông phát hiện container chở ma túy đã xuống tàu, đang trên đường đi Đài Loan, chuẩn bị nhận hàng nhưng phải chờ xin ý kiến mà lãnh đạo Bộ đang họp.
"Chậm một chút là đã mất rồi. Những tồn tại này mà không khắc phục được thì đừng ngạc nhiên khi tội phạm chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn hơn", ông nói.