Gen Z thích giải trí và học tập trên mạng xã hội hơn là đọc sách, theo CNBC. Đó chính là cơ hội để những chuyên gia tài chính tự xưng xuất hiện ngày càng đông, đưa ra những lời khuyên từ tiết kiệm cho đến đầu tư.
Theo một cuộc khảo sát của Công ty tiếp thị Vericast (Mỹ), Gen Z không ngần ngại thử sức với các kế hoạch tài chính táo bạo. Trong đó, 34% cho biết tham khảo thông tin qua TikTok và 33% học từ YouTube. Chỉ có 24% người trẻ tìm đến một cố vấn tài chính thực thụ.
Khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Bankrate cho thấy gần một nửa dân mạng Gen Z rơi vào trạng thái bi quan sau khi xem những video từ "chuyên gia mạng".
Trong đó, 46% thừa nhận đăng tải những điều hào nhoáng để khiến bản thân trông có vẻ thành công hơn trong mắt người khác.
"Thậm chí, 62% trong số đó tin rằng những người xung quanh mình cũng đã và đang làm điều tương tự", Sarah Foster, nhà phân tích của Bankrate, cho biết.
Brad Klontz, giáo sư tâm lý tài chính tại Đại học Creighton (Mỹ), nhận định: "Nếu bạn chỉ đầu tư theo trào lưu mạng, nguy cơ rỗng túi là rất lớn. Gen Z có thể đang lắng nghe những lời khuyên sai lệch".
Trên CNBC, các chuyên gia phân tích lý do tại sao người trẻ thực sự cần cảnh giác với những bài học tài chính từ mạng xã hội.
Không ai nói hết bí kíp làm giàu
Theo Sarah Foster, mạng xã hội là nơi nhiều người tô hồng câu chuyện cùng cuộc sống. Điều đó có thể khiến bạn tự tưởng tượng ra một bức chân dung hoàn hảo về người khác, sau đó tự so sánh với chính mình.
"Bạn có thể thấy bạn bè của mình đi du lịch sang trọng, nhưng không biết được họ có đang nợ nần hay không? Chúng ta không bao giờ biết được sự thật đằng sau bài đăng mạng xã hội", cô nói.
Foster cho rằng sẽ không ai chia sẻ với bạn bí kíp làm giàu một cách miễn phí. Nếu ai đó thực sự thành công hoặc am hiểu tài chính, họ sẽ chỉ nói những điều chung chung và sẽ không cho bạn biết toàn bộ câu chuyện kinh doanh thật sự của mình.
Theo chuyên gia, mọi người cần cảnh giác với những lời khuyên tài chính từ mạng xã hội. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Không có lời khuyên phù hợp với tất cả
Còn theo giáo sư Brad Klontz, lời khuyên tài chính hiếm khi phù hợp với tất cả. Đó là lý do tại sao bạn không tìm thấy nhiều cố vấn tài chính thực thụ đưa ra lời khuyên trên mạng xã hội.
"Hầu hết người rao giảng về tài chính trên mạng thường không phải là dân chuyên. Bạn sẽ thấy những video gợi ý về việc nên mua cổ phiếu nào hoặc đầu tư ra sao, nhưng một chuyên gia chuyên nghiệp sẽ không làm như vậy. Họ chẳng biết bạn là ai và cũng không quan tâm đến quyết định của bạn", ông cho hay.
Khi xem những lời khuyên tài chính trên mạng xã hội, bạn hãy tự hỏi bản thân xem liệu chiến lược này có phù hợp với kế hoạch tài chính của mình.
"Nếu một ý tưởng, lời khuyên có vẻ phù hợp với tình hình của bạn, hãy tìm hiểu rõ hơn và nghiên cứu thêm bằng các hình thức khác. Ví dụ, bạn có thể kiểm tra xem chuyên gia mạng kia thực sự là ai, có đáng tin cậy không? Sau khi cân nhắc kế hoạch từ nhiều nguồn, bao gồm cả việc hỏi một chuyên gia uy tín, bạn mới có thể yên tâm đặt đồng tiền của mình", ông nhận định.
Đặc biệt, giáo sư Klontz cho biết bạn nên cảnh giác với những người cố gắng thuyết phục bạn đầu tư bằng cách khoe khoang tài sản như biệt thự, bộ sưu tập xe hơi hoặc du thuyền...
"Những người phô trương sự giàu có, xa hoa chỉ đang cố gắng thao túng bạn".