Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không nhà, không tiền, người nghèo Mỹ chẳng dám mơ giãn cách xã hội

Với những người nghèo sống nhờ nhà người quen, đang phải chạy ăn từng bữa, không gian riêng tư hay giãn cách xã hội để được an toàn thời dịch là điều xa xỉ.

Zing trích dịch bài viết The Coronavirus Class Divide: Space and Privacy của tác giả Jason DeParle đăng trên New York Times, nói về sự khốn đốn của tầng lớp nghèo khó, vô gia cư tại Mỹ giữa mùa dịch Covid-19.

Giãn cách xã hội đang được thực hiện nghiêm túc tại một số nơi trên khắp nước Mỹ, nhưng điều đó không đúng với ngôi nhà ở Robesonia mà Mark Stokes đang sống chen chúc với 10 người khác.

Các thành viên trong nhà vẫn làm việc tại cửa hàng thức ăn nhanh, nhà máy chocolate. Họ dùng chung một vòi tắm và căn bếp đầy bát đĩa bẩn thỉu chưa có người dọn dẹp.

Vì thiếu một chiếc giường nên Mark Stokes - sinh viên năm nhất của Đại học Kutztown, người đang ở ké phòng bạn vì ký túc xá đại học đóng cửa do dịch - sẽ ngủ trên sàn nhà.

Không xa lạ gì với khó khăn khi đã dành thời trung học sống tạm bợ trên xe tải, Stokes vẫn lo rằng điều kiện ăn ở đông đúc như thế này sẽ khiến mình bị lây nhiễm virus corona.

nguoi ngheo o my anh 1

Mark Stokes ở nhờ trong phòng ngủ của một người bạn cấp 3. Ảnh: New York Times.

Nhưng giống như nhiều người nghèo trên khắp nước Mỹ, chàng sinh viên nói rằng biện pháp giữ khoảng cách an toàn với người xung quanh là điều xa xỉ.

“Gia đình bạn tôi đông người và tôi không thể làm gì. Đó không phải là nhà của tôi. Bạn đâu thể yêu cầu giãn cách an toàn khi đang sống dựa dẫm vào người khác”, Stokes nói.

Đại dịch Covid-19 đã phô bày sự bất bình đẳng. Những người nghèo như Stokes không có không gian riêng tư. Điều đó không chỉ đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn, mà còn làm nảy sinh hàng loạt vấn đề khác: bạo lực gia đình, nghèo đói, lạm dụng trẻ em, căng thẳng, lo lắng và rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Không gian là thứ xa xỉ

Vượt qua những năm tháng thiếu niên lao đao vì vô gia cư, lang bạt trên xe tải, Stokes (20 tuổi) cũng có một không gian của riêng mình trong khu ký túc xá đại học. Tuy nhiên, giờ đây vì dịch bệnh, anh phải ăn nhờ ở đậu nhà người khác và điều này khơi lại nỗi khao khát một nơi ở ổn định của vài năm trước.

“Tôi thực sự chán nản”, anh nói.

“Shelter in place” - lệnh trú ẩn tại chỗ - là điều quá khó với những người nghèo thiếu nơi ở an toàn, ổn định như Stokes. Nhiều người đang phải tá túc trong nhà bạn bè. Một số trú ẩn trong những khu trọ đổ nát hay số khác nay đây mai đó ở trạm xe buýt, cửa hàng tiện lợi, quán net…

Tại thành phố Oklahoma, Cathy Conner, 58 tuổi, đang chia sẻ một căn phòng với bạn trai và 2 người thân. Họ phải sử dụng phòng tắm trong một công viên gần nhà. Ngay cả yêu cầu giãn cách xã hội cũng không thể ngăn Conner rời khỏi phòng và đến nơi cai nghiện. “Điều này còn quan trọng hơn cả ăn”, cô nói.

nguoi ngheo o my anh 2

Cathy Conner, phải, cùng bạn trai Wade Delgadillo, con gái Shasta Morris Wheeler. Ảnh: New York Times.

Ở Cincinnati, Freda Mason và 5 đứa con của cô đang ngủ trên sàn phòng khách trong nhà một người bạn - nơi trú ẩn thứ năm của họ trong hai năm qua. “Chúng tôi cứ liên tục chuyển từ nhà này sang nhà khác”, cô nói.

Còn trên đảo Whidbey, Gabby Sutton đang ở trong căn nhà có 4 phòng ngủ với 6 người vô gia cư khác - tất cả đều bị cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm virus corona. Không chỉ lo lắng cho bản thân, Sutton cảm thấy tồi tệ hơn khi nghĩ về 2 đứa con song sinh 12 tuổi của cô đang phải ở tạm nhà người quen.

Emily Steinlight, một nhà phê bình văn học tại Đại học Pennsylvania, cho rằng không gian sống hạn hẹp khiến người nghèo dễ tổn thương và chết nhiều hơn trong các đại dịch. Không chỉ vậy, nghiên cứu của Hope Harvey, nhà xã hội học của Đại học Cornell, cho thấy tỷ lệ hộ nghèo đã tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua và người nghèo đang ngày một nghèo hơn, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Dịch hay không người nghèo vẫn phải kiếm sống

Ngoài việc có nơi cư trú ổn định, người giàu có đầy đủ mọi thứ trong nhà để chấp nhận ở yên trong đó suốt mùa dịch. Họ có thể làm việc trên Zoom, mua sắm trên Amazon và gọi thức ăn giao hàng tận nơi.

Trong khi đó, những người nghèo không có máy tính, thẻ tín dụng và các tiện ích khác của cuộc sống thượng lưu, không thể không ra đường.

Audreiona Smith-Parrow, một bà mẹ đơn thân ở St. Louis, đưa ra một ví dụ về sự bất tiện cô gặp phải trong mùa dịch. Để tiết kiệm chi phí ngân hàng, cô quyết định không đăng ký tài khoản thanh toán trên điện thoại.

Nhưng điều đó đồng nghĩa, cô phải mang khẩu trang, đeo 3 đôi găng tay và mang theo một chai nước tẩy rửa để đến cửa hàng tiện lợi, chuyển tiền thuê nhà trong ngày dịch.

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì con gái tôi không có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhưng tôi muốn họ (người quản lý căn hộ) nhận thấy rằng tôi đang cố gắng”, Parrow nói.

Mason, bà mẹ 5 con ở Cincinnati, gần đây đã bắt xe buýt để đi làm thủ tục yêu cầu hoàn thuế. “Đó là một phần khi là người vô gia cư vì bạn không có địa chỉ nhận thư”, Mason nói. Không có tiền và không gian dự trữ để mua hàng với số lượng lớn, cô cũng phải thường xuyên đến các cửa hàng tạp hóa.

Việc di chuyển của Mason có thể làm tăng nguy cơ mang virus về nhà, khiến người bạn cho cô ở nhờ cảm thấy phiền hà. Nhưng bà mẹ 5 con cho biết dù dịch hay không dịch, cô vẫn phải làm những việc đó.

Một lý do khác khiến người nghèo thường bỏ qua khuyến cáo giãn cách xã hội là vì họ phải đi làm, kiếm tiền. Trước khi bị cách ly, Sutton đã rời khỏi khu trú ẩn vô gia cư ở Whidbey để làm công việc dọn dẹp nhà cửa.

“Tôi lo lắng về việc nhiễm virus, nhưng tôi đang cố gắng để có được ngôi nhà của riêng mình”, cô nói.

Vòng tròn luẩn quẩn của cái nghèo

Đối với Stokes, sinh viên năm nhất Đại học Kutztown, đại dịch đã đưa anh trở về đúng xuất phát điểm, sau thời gian dài vật lộn để vượt qua.

Từ năm 3 tuổi, Stokes đã chuyển trường 9 lần trong vòng 12 năm. Anh mắc chứng rối loạn lo âu nhưng bắt đầu sống xa gia đình từ năm 17 tuổi và dành nửa quãng thời gian trung học sống lang bạt trên xe ôtô của một người bạn.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả khó khăn đó, vào đầu tháng 1, anh đã đỗ đại học và vui sướng khi lần đầu tiên có một nơi ở ổn định. “Tôi đã cảm thấy mình không cần dựa dẫm vào bất cứ ai. Tôi có một ký túc xá, một phòng ăn phục vụ 24/7”, anh nói.

Với hy vọng trở thành một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, anh đã chọn đề tài nghiên cứu đầu tiên của mình: Chấn thương thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào đến thành công giáo dục?

Nhưng chỉ sau 2 tháng, Stokes lại vô gia cư.

nguoi ngheo o my anh 5

Người nghèo, vô gia cư dễ bị tổn thương và chết nhiều hơn trong đại dịch. Ảnh: Vox.

Anh được một người bạn cấp 3 mời về ở cùng nhà với bố mẹ cô. Không gian hạn chế, cậu sinh viên phải dùng chung phòng cô bạn và đứa trẻ mới biết đi. Họ cho anh nệm để ngủ trên sàn nhà.

Không có tủ quần áo, Stokes chất đống áo quần mình như núi rác trong góc phòng. Hình ảnh đó như biểu tượng của sự thất bại và khiến anh vô cùng khó chịu.

11 người trong nhà dùng chung 2 nhà vệ sinh, một vòi hoa sen. Mọi người cứ ra vào liên tục. “Không ai rửa tay. Tôi lo lắng họ có thể nhiễm và lây virus cho những người xung quanh”, Stokes nói.

Nhưng tồi tệ hơn cả nỗi sợ virus, Stokes thấy mình mất kiểm soát với mọi thứ, kể cả tương lai. “Tôi thấy bất lực. Cả đời, tôi cứ chuyển từ nơi này qua nơi khác, liên tục di chuyển. Không khác gì ăn mày”, anh than thở.

Khi cần không gian riêng, Stokes chui vào xe và xem video. Cứ nghe và lặp lại những phát biểu trên mạng khiến anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

“'Tôi giàu', 'Tôi mạnh mẽ', tôi thích nghe những thứ như vậy”, Stokes nói.

Câu lạc bộ thoát kiện vì không được 'giải cứu' mùa dịch

Chủ của các câu lạc bộ cho rằng ngành kinh doanh của mình xứng đáng được đối xử công bằng, tiếp cận gói hỗ trợ vì "không tục tĩu" và "đáp ứng mong muốn lành mạnh" của con người.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm