Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ là phụ nữ, trẻ em'

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí quy định người thực thi nhiệm vụ không được nổ súng vào đối tượng khi biết đó là phụ nữ, trẻ em... trừ trường hợp bị chống trả quyết liệt.

Chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhiều ý kiến phát biểu bàn về quy định trường hợp nào người thi hành công vụ nổ súng sau khi có cảnh báo, nổ súng không cần cảnh báo.

Dự án luật quy định tại Điều 21: Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc, trong đó có căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh đây gần như là nguyên tắc chính của người cầm súng và người chỉ huy người cầm súng.

"Vây bắt người phạm tội mà biết rõ đối tượng trang bị nhiều súng, lựu đạn, thì căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ lúc đó, chỉ huy được quyền ra lệnh nổ súng, thậm chí tiêu diệt", tướng Vương nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, dự thảo luật cũng quy định không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Khong no sung vap phu nu anh 1
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chiều 10/1. Ảnh: Quochoi.vn

Về trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hơn nội dung người bị giam giữ, áp giải do phạm tội đang chạy trốn hoặc chống lại; đối tượng đang đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử do phạm tội hoặc chấp hành hình phạt tù.

“Cần cụ thể việc chống lại của đối tượng đến mức độ nào thì lực lượng thực thi công vụ bắn chỉ thiên và sau đó bắn thẳng vào đối tượng”, bà Nga nói.

Theo tướng Vương, hành vi chống lại trên thực tế muôn hình vạn trạng. Ông dẫn chứng một trường hợp đang bị dẫn giải thì chạy vào nhà dân, lấy dao chém nhiều người, cán bộ công an cũng bị thương. Thứ trưởng nói việc nổ súng hay không trong trường hợp này khiến người thực thi công vụ băn khoăn.

Ngoài ra, dự thảo luật còn quy định người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều 21 và các quy định của pháp luật có liên quan.

“Trường hợp nổ súng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc lạm dụng việc nổ súng để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”, dự thảo luật quy định.

Dự kiến, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được trình xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vào tháng 4.

Công an nổ súng hốt gọn trường gà ở Tiền Giang

Các trinh sát giả làm dân thường đã nổ súng khống chế 51 người tại trường gà ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).

 

 


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm