Trong buổi tọa đàm Học Toán để làm gì?, nằm trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở được tổ chức sáng 9/12 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia, nhà toán học có nhận xét thẳng thắn về việc dạy và học môn này.
Chỉ giỏi Toán hay phải giỏi toàn diện?
Thực tế, không ít học sinh băn khoăn rằng liệu chỉ nên học thật giỏi một môn hay phải đều các môn. GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, và GS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm về Khoa học dữ liệu (Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán), đều cho rằng học sinh nên học toàn diện và nếu đã giỏi Toán sẽ có "cơ" giỏi môn khác.
"Cuộc sống cần phải cân bằng mọi thứ. Rất hiếm người chỉ giỏi môn Toán mà không quan tâm vấn đề khác. Ở khía cạnh nào đó, tôi khâm phục nhưng cũng thấy họ thật bất hạnh", GS Bảo nêu quan điểm.
Các vị khách mời tranh luận trong buổi tọa đàm. Ảnh: M.N. |
Trong khi đó, GS Hà Huy Khoái cho rằng nên xem lại quan niệm thế nào là giỏi Toán.
"Nếu nghĩ làm được bài này, bài kia, có mẹo này mẹo kia, bấm máy tính xoèn xoẹt ra kết quả, được điểm cao là giỏi Toán thì không phải. Giỏi Toán là hiểu được bản chất, những gì nó đem lại. Rất nhiều người học Toán nhưng cả đời không dùng số phức, đạo hàm vào việc gì cả.
Bà Thái Thu Hiền, Giám đốc nhân sự của Tập đoàn BOSS (Đức), cho biết bà chứng kiến nhiều kỹ sư ra trường với điểm Toán rất cao nhưng lại yếu các kỹ năng mềm. Có thể họ giỏi Toán nhưng không "siêu" những môn khác.
"Mỗi năm, tôi tuyển gần 1.000 kỹ sư rất giỏi Toán, điểm cao. Nhưng tôi thấy các bạn bị lệch. Đưa ra các bài toán, phần mềm, họ đều giải quyết được nhưng bảo thuyết minh, chứng minh phương án kinh doanh, gần 70% gặp khó khăn", bà Hiền nói.
Người thật sự giỏi Toán sẽ không thấy khó khăn khi học môn khác. Nếu người học Toán nhưng Văn kém, không thích Lịch sử, tôi không tin đó là người giỏi Toán", ông nói.
Theo GS Hà Huy Khoái, thực tế đó cho thấy khuyết điểm trong cách đào tạo.
"Bản chất của Toán học là đi đến sự tận cùng, cơ bản. Người giỏi môn này có khả năng nắm bắt thực tiễn cái gì là bản chất, trong các mối quan hệ xã hội cái gì là cơ bản, do đó có thể xử lý đúng.
Cho nên, những người gặp vấn đề mà xử lý không đúng, tôi cho rằng họ chưa giỏi Toán", GS Khoái nêu quan điểm.
Làm sao để không sợ học Toán?
Theo GS Nguyễn Khắc Minh, Phó tổng biên tập thường trực Tạp chí Toán học Pi, câu hỏi học Toán để làm gì rộ lên thời gian gần đây và trở thành đề tài chú ý. Ông cho rằng đó là hệ quả của việc học để thi.
"Với cách học và thi cử hiện nay, ai học cũng thấy quá mệt mỏi với Toán vì phải làm những bài tập gồ ghề, đáng sợ, kinh khủng để đến lúc nhìn lại chẳng thấy những cái mình học dùng vào chỗ nào cụ thể trong cuộc đời. Trong khi mọi người cứ thích cái gì nhìn thấy cụ thể, muốn cụ thể hóa mọi chuyện, đòi hỏi mọi chuyện phải tường minh, cuộc sống thì không như thế được", GS Minh nói.
Ông cho rằng ở xã hội văn minh, khi học trở thành nhu cầu của con người, sẽ không có câu hỏi để làm gì. Học vì đơn giản có nhu cầu phải học. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay của đội ngũ chuyên gia là dạy Toán sao cho người học không thấy nó đáng sợ, đồng thời cũng để biết môn này không đơn giản.
Học sinh hứng thú với những mô hình trong Ngày hội Toán học mở. Ảnh: M.N. |
Chia sẻ quan điểm này, GS Hà Huy Khoái cho biết nhiều ý kiến cho rằng chương trình môn Toán của nước ta rất nặng. Nhưng khi so sánh với một số nước, ông thấy khối lượng kiến thức học sinh Việt Nam phải học còn thua họ.
"Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy chương trình rất nặng? Vì phần mẹo để giải Toán. Các thầy đưa những mẹo vào chương trình và rất tâm đắc, cho rằng nó rất hay nhưng tôi phản đối. Sách giáo khoa Toán sắp tới nên được viết theo hướng đưa các yếu tố thực tế, nhiều cái không phải chứng minh phức tạp. Các định lý Toán học sẽ đến với học sinh một cách tự nhiên mà không cần chứng minh nữa, để học trò hiểu được bản chất", GS Khoái nói.
Học Toán để làm gì?
GS Hà Huy Khoái nói: “Đây là câu hỏi giết chết sự học bởi vì học là nhu cầu của con người chứ không phải để làm gì. Học Toán là điều hiển nhiên mà không cần đặt câu hỏi. Toán đem lại cho tôi hạnh phúc nên tôi thích thú với môn này”.
GS Hồ Tú Bảo cho rằng học Toán sẽ có nhiều cơ hội việc làm, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra rầm rộ hiện nay.
Theo GS Nguyễn Hùng Sơn, Viện Tin học (khoa Toán - Tin - Cơ, ĐH Warsza, Ba Lan), Toán học như con bạch tuộc khổng lồ, xích tu của nó sẽ chạm vào mọi lĩnh vực cuộc sống. Học sinh nếu có khả năng, nên học Toán vì đây sẽ là nền tảng của mọi môn khoa học khác.