Tất nhiên, khi phe mình bị chỉ trích thậm tệ thì cánh mày râu Việt không khỏi bất mãn, cũng đáp trả bằng những luận điệu rất đanh thép. Họ đã kể ra những câu chuyện người thật việc thật và “đắng lòng” không kém.
Ảnh minh họa. |
Một độc giả giấu tên tâm sự: “Tôi là người đàn ông chỉ biết yêu thuơng gia đình. Rồi sao? Mọi phụ nữ đều muốn chồng tôn trọng, phụ giúp chuyện nhà. Tôi đã làm những chuyện đó. Phơi đồ, rửa chén, lau nhà, chăm sóc con… Thế nên vợ tôi được tự do thoải mái. Công việc của cô ấy ở nhà chỉ là nấu cơm và ủi đồ. Tuy nhiên, cơm nước cũng chỉ có thứ 7, chủ nhật, sau này chuyện đó cũng trở thành hiếm hoi. Rồi cuối cùng, 'phần thưởng' tôi nhận được là… sự phản bội của cô ta”.
Độc giả này cho biết thêm, anh không cờ bạc, trái gái, lô đề bóng đá càng không, bia rượu, thuốc lá có nhưng chỉ vì lý do công việc mà cũng rất biết tiết chế. Vậy mà kết cục “vẫn phải gánh chịu ô nhục”.
Đây có lẽ là vấn đề về phẩm hạnh của người phụ nữ. Khi những giá trị đạo đức không còn, hay “công dung ngôn hạnh” chỉ là thứ vô nghĩa thì động cơ để một số cô gái “mưu đồ” chuyện lấy trai Tây chính là tiền tài, danh vọng.
Bạn đọc Hyz Tran kể lại: “Bạn gái tôi sau 8 năm yêu nhau cũng lấy chồng ngoại. Cách đây 6 năm, khi đó tôi chưa có thu nhập cao, chỉ đủ để sống mà thôi nhưng cô ấy lại muốn một người bạn trai ga lăng, nhiều tiền, biết chiều chuộng. Cô ấy luôn mang tôi ra so sánh với những người đàn ông khác. Chưa dừng lại ở đó, trong lúc yêu tôi, cô ấy hẹn hò với nhiều người khác nữa. Kết cục là chúng tôi chia tay. 2 năm sau, cô ấy lên xe hoa với một anh chàng Tây. Thời gian sau này có lần gặp lại nhau, không biết rằng giờ tôi đã thành đạt nên cô ấy đã đưa ra lời đề nghị khiếm nhã là: muốn tôi làm thuê cho cô ấy với mức lương 5 triệu/tháng, bao ăn ở”.
Độc giả này còn dẫn chứng thêm, bạn bè anh không ít cô lấy chồng ngoại quốc, có người trong số họ chấp nhận kết hôn với người hơn cả tuổi bố mình chỉ vì anh ta là Việt kiều giàu có.
“Thế nên, gái Việt lấy chồng ngoại đa phần chỉ vì tiền, ăn sung mặc sướng, hám danh, số còn lại vì tình yêu rất ít”, bạn Hyz Tran kết luận.
Không thể phủ nhận, các nước phương Tây có môi trường sống văn minh, hiện đại, phúc lợi xã hội tốt nên suy nghĩ của họ thoáng và tôn trọng phụ nữ hơn ở các nước Á đông... Tuy nhiên, vì thế khẳng định lấy trai Tây sướng hơn" thì có lẽ quá phiến diện, thậm chí nhảm nhí. Bởi những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa sống cũng là nỗi khổ, rào cản không hề nhỏ cho các cô dâu Việt khi lấy trai Tây.
Một bạn đọc tên Phùng Tiệp cho hay: “Người phương Tây sống rất thực dụng. Chỉ khi mới yêu mới cover thôi, còn khi đã lấy về rồi thì chỉ có share và share. Ví dụ hai vợ chồng lấy nhau, một tháng chồng đi làm công ty được 5.000 USD, vợ đi làm nail được 2.000 USD. Hàng tháng có các chi phí như ăn uống, sinh hoạt, điện nước, thuế, thuê nhà, con cái... hết 3.000 USD thì chia đều cho đôi bên. Tức là vợ góp 1.500 USD, chồng góp 1.500 USD, vợ còn lại 500 USD, chồng còn lại 3.500 USD, của ai người nấy xài. Ngay cả khi vợ sinh không đi làm được các chi phí cũng đều share hết”.
Ngoài ra, thực tế là những chuyện thương tâm của cô dâu Việt trên đất khách quê người xuất hiện trên báo đài mỗi ngày không phải hiếm. Hay thực trạng phụ nữ nước ngoài biểu tình chống bạo lực gia đình cũng vẫn còn đó. Vì thế, “bàn tay có ngón ngắn ngón dài, ở đâu cũng có người này người kia, nên đừng đánh giá theo kiểu quy chụp, chỉ vì một số đàn ông không tốt mà cho rằng trai Việt quá tệ” là ý kiến của phần đông độc giả.
Hơn nữa, "cùng là người Việt Nam, cùng một dòng máu, cùng được ba mẹ là người Việt Nam, sinh ra, cùng ở trên một dải đất hình chữ S, cùng ăn rất nhiều hạt gạo của quê hương, vậy mà đàn ông chúng tôi 1.000 người mới có 10 người tốt? Thế thì xin lỗi chị em nào muốn lấy chồng ngoại thì cứ việc, vì chắc các chị không phải do ba mẹ sinh ra, không ăn cơm ăn gạo. Chúng tôi có ế cũng chấp nhận ở vậy!", một quý anh thẳng thắn bày tỏ.