Sau tai nạn bất ngờ khiến ba nữ sinh Ngoại thương thiệt mạng, lãnh đạo Đoàn thành niên tại nhiều trường đại học đã ngay lập tức có những điều chỉnh, xem xét chương trình để đảm bảo sự an toàn cho các tình nguyện viên ở tỉnh xa.
Nhiều tình nguyện viên hoang mang
Anh Bùi Trung Hải - bí thư Đoàn thanh niên ĐH Kinh tế Quốc dân - chia sẻ, tai nạn thương tâm của ba cô gái khi tham gia hoạt động tình nguyện khiến nhiều bạn trẻ lo lắng.
“Tôi đã có nhiều năm chỉ đạo công tác tình nguyện của sinh viên, nhưng đây là lần đầu chứng kiến sự việc đáng tiếc thế này xảy ra. Tai nạn khiến không ít người bàng hoàng, ảnh hưởng tới tinh thần của sinh viên tình nguyện”, anh cho hay.
Ngay lập tức, Đoàn trường, Hội sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân đã có những buổi trò chuyện làm công tác tinh thần, quán triệt vấn đề an toàn cho sinh viên.
Về phía các đội tình nguyện đang hoạt động tại tỉnh, nhà trường cũng nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức kỷ luật trước thiên tai bất ngờ để tránh sự cố đáng tiếc.
Bên cạnh đó, công tác rà soát các địa bàn thường xuyên mất an toàn ở nơi sinh viên tới tình nguyện, làm việc với lãnh đạo địa phương, yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên cũng được triển khai.
Nụ cười trên môi người dân và sinh viên tình nguyện ĐH Phương Đông. Ảnh: Hồng Chung. |
Thầy Lê Hồng Chung - bí thư Đoàn ĐH Phương Đông - thẳng thắn, sự việc của ba nữ sinh ĐH Ngoại thương xảy ra đúng vào thời điểm trường bắt đầu lễ ra quân, bàn giao sinh viên tình nguyện cho huyện đoàn Quang Bình (Hà Giang), gây bất ngờ và bàng hoàng cho nhiều bạn trẻ.
“Địa hình ở Hà Giang khá hiểm trở, cộng thêm sự việc đau lòng, khiến không ít bạn xao động. Thế nhưng ngay, khi bắt tay vào làm việc, với sự nô nức, nhiệt tình của thanh niên địa phương cùng người dân, các bạn đã dần quen và yên tâm hơn”.
Anh Chung khẳng định, từ trước khi sự việc ở trường Ngoại thương xảy ra, ĐH Phương Đông đã luôn coi trọng việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động tình nguyện.
“Trước mỗi đợt ra quân, chúng tôi luôn tiến hành tiền trạm với huyện đoàn, người dân địa phương để xem địa hình nơi tình nguyện viên sẽ đi qua. Sau đó, sinh viên sẽ được tập huấn cẩn thận và chu đáo”, anh nói.
Hiện nay, để đảm bảo hơn sự an toàn cho tình nguyện viên, thay vì đóng quân tại bản làng, các bạn sẽ chuyển về ở trung tâm huyện, trường học, tránh những nơi vùng sâu vùng xa, địa bàn hiểm trở, có thể xảy ra sạt lở hay tai nạn bất ngờ.
Các đội khi đến địa điểm làm việc phải tham khảo với xã đoàn và huyện đoàn về việc đi lại, hoạt động.
“Sinh viên không được ra sông, hồ tắm rửa, giặt giũ vì tháng 7-8 là mùa mưa. Mỗi khi di chuyển, sẽ có ít nhất 3 người dân địa phương đi cùng”, anh Chung chia sẻ thêm.
Vị bí thư Đoàn trường khẳng định, mục tiêu của việc tình nguyện mùa hè là cùng trải nghiệm, sinh hoạt, sản xuất với người dân địa phương, không phải để đưa ra các khó khăn thử thách.
“Nếu trời mưa bão, sinh viên cứ ở nhà trú mưa. Thời tiết mưa giông, lũ thì dừng mọi hoạt động, không cần đi tới các khu vực nguy hiểm. Mỗi ngày, đội trưởng đội tình nguyện phải báo cáo tình hình về Đoàn trường. Chính tôi cũng thường xuyên cập nhật tin tức của các đoàn tình nguyện ở mọi địa điểm”, đại diện Đoàn trường ĐH Phương Đông nhấn mạnh.
Giọt nước mắt của những em bé khi chia tay các sinh viên tình nguyện Đoàn trường ĐH Phương Đông. Ảnh: Hồng Chung. |
Phải phát huy thế mạnh của sinh viên
Nguyễn Khánh Ly - giáo viên, phụ trách hoạt động Đoàn khoa tiếng Pháp, ĐH Hà Nội - khẳng định, hoạt động tình nguyện hoàn toàn là tự nguyện, sinh viên phải trải qua nhiều lần tuyển chọn, tập huấn, có đủ kỹ năng mới được đi về các vùng xa.
"Tôi không phủ nhận, có những hoạt động tình nguyện vô bổ, không mang lại giá trị gì. Thậm chí, nhiều chương trình còn quan trọng số lượng, thành tích, chỉ để mang về bằng khen, giấy chứng nhận vô nghĩa", nữ giáo viên nói.
Đoàn trường ĐH Phương Đông cũng chỉ ra, ở đâu đó sẽ có những bạn trẻ đi tình nguyện hời hợt, với mong muốn đánh bóng tên tuổi, thậm chí check-in, đi theo nhóm.
"Nhưng không phải ở ĐH Phương Đông, đội tình nguyện viên của chúng tôi phải đáp ứng yêu cầu sức khỏe, học vấn. Ngoài ra, các bạn đều có những buổi tập huấn, sơ luyện kỹ năng đầy đủ", anh Lê Hồng Chung chỉ rõ.
Anh nói thêm, khi hoạt động tình nguyện ở ĐH Phương Đông, các bạn trẻ không phải xắn tay xắn chân làm việc cuốc đất, làm vườn. Họ sẽ tham gia sinh hoạt hè với thiếu nhi, phổ cập Tin học và tiếng Anh cho người dân.
Hoạt động tình nguyện giúp đỡ khách du lịch của các tình nguyện viên quận 1, TP HCM. Ảnh: Quang Minh. |
Còn tại ĐH Kinh tế quốc dân, đội tham gia tình nguyện hè gồm 30- 35 bạn ưu tú, xuất sắc, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao nhất, được chọn lựa từ hàng trăm ứng cử viên.
"Chúng tôi chọn chất lượng, không chạy theo số lượng để làm rầm rộ hoạt động tình nguyện. Đã có thời, tình nguyện mang tính chất hô hào, nhiều người đi không đến nơi đến chốn, hoạt động không phù hợp với thực tế, vừa tốn kém, vừa mất thời gian, không mang lại kết quả gì", đại diện trường KTQD nói.
Người quản lý hoạt động Đoàn tại trường, anh Bùi Trung Hải đồng ý với việc xã hội hóa hoạt động tình nguyện. Sinh viên được chủ động lựa chọn nội dung hoạt động, tự huy động nguồn lực, tự chọn địa bàn. Nhà trường chỉ giúp đỡ trong việc định hướng hoạt động thiết thực và ý nghĩa, làm việc với địa phương, quán triệt kỷ luật, theo dõi, hỗ trợ giúp đỡ.
“Không có chuyện sinh viên của trường Kinh tế quốc dân đi đào mương, vét mương, làm đường. Phát huy thế mạnh và chuyên môn sinh viên đang học mới là mục đích của hoạt động tình nguyện", anh cho hay.
Đồng ý với quan điểm này, anh Hoàng Lê Minh, phụ trách Đoàn tại quận 1 (TP HCM) chỉ ra, ngày nay, hoạt động tình nguyện phải dựa theo mong muốn và lợi thế của sinh viên.
"Đối với sinh viên Ngoại ngữ, chúng tôi triển khai hoạt động 'Giúp đỡ khách du lịch'. Các bạn sẽ hướng dẫn khách du lịch tại địa bàn tới những nơi nổi tiếng, giới thiệu quán ăn, đường đi... Việc này giúp bổ trợ ngoại ngữ, sự năng động, bạo dạn.
Với sinh viên Kiến trúc, chúng tôi giới thiệu tới các công ty Thiết kế, làm việc, giúp đỡ để lấy kinh nghiệm và có thêm hiểu biết xã hội, mối quan hệ. Tương tự như vậy với các ngành nghề khác".
Anh Minh cho biết, hoạt động tình nguyện này vừa giúp đỡ cộng đồng, vừa có lợi cho sinh viên.
"Không phải cứ đi quét đường, xây nhà, đứng nắng mới là có ích. Chúng tôi hướng tình nguyện đến những công việc mang giá trị thực, hơn là chuyến đi vô bổ, gây lo lắng cho người nhà, mệt mỏi cho sinh viên", anh khẳng định.
Đêm 2/7, ba nữ sinh ĐH Ngoại thương bị lũ cuốn trôi trong chuyến đi tình nguyện tại các thôn, bản ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 21/6, tại Hà Nội, Đoàn trường Đại học Ngoại thương tổ chức Lễ ra quân Mùa hè xanh năm 2016. Đây là hoạt động thường niên của trường, thu hút sự quan tâm đông đảo từ giảng viên và sinh viên.