Mai Hương (26 tuổi, Hưng Yên) vẫn nhớ khoảnh khắc hài hước trong đám cưới với chú rể Quang Huy (29 tuổi) vào năm 2020. Vì nhà hai người quá gần nhau, Hương lại nhắn thợ make-up đến muộn, khi chú rể đã lên tới gác đón dâu, Hương cuống cuồng vừa trang điểm xong, vội vàng mặc váy cưới.
Bên cạnh đó, thay vì dùng ôtô, cặp vợ chồng thuê một chiếc xích lô từ Hà Nội về làm xe hoa. Quan khách hai bên đều thích thú, kéo theo đoàn rước cả chặng đường ghi lại kỷ niệm.
“Chắc chắn điểm cộng đầu tiên khi lấy chồng gần nhà là tôi không bị quá mệt mỏi khi phải di chuyển quãng đường nhiều km trong ngày vui. Mọi thứ nhỡ có sự cố gì cũng dễ khắc phục”, Hương nói với Zing.
Đối với nàng dâu sinh năm 1997 và nhiều cô gái tương tự khi kết hôn với chàng trai chung thành phố, xã, phường hay thậm chí cùng khu phố, đó chỉ là một trong rất nhiều ưu điểm khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Khoảng cách gần gũi với nhiều lợi ích cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy các cặp đôi về chung một nhà sau thời gian tìm hiểu.
Gia đình ủng hộ
Hương và Huy quen biết từ nhỏ, nhưng do cách nhau vài tuổi nên ít chơi chung. Khi lên cấp 3, Hương bắt đầu chủ động nhắn tin cho Huy xin tài liệu ôn thi đại học vì anh học khá, có kinh nghiệm. Dần dần, hai người phát triển tình cảm dành cho nhau và chính thức hẹn hò khi Hương vào năm 3 đại học.
“Lúc công khai, mọi người đều ngạc nhiên khi biết chúng tôi yêu nhau. Vì hàng xóm hai đứa phần lớn quen biết, là họ hàng của nhau nên còn hay trêu: ‘Hai đứa đám cưới thì biết đi ăn cỗ nhà nào bây giờ?’”, Hương kể.
Đặc biệt, cũng vì quen biết trước, rõ gốc gác, hoàn cảnh đối phương, bố mẹ cặp đôi nhiệt tình ủng hộ chuyện tình. Tới khi chính thức xác định cưới xin, mẹ của Hương càng yên tâm khi con gái gả gần nhà.
Hương và ông xã dùng xích lô làm xe hoa thay vì ôtô. |
Sau đám cưới, hai vợ chồng mua nhà ở Hà Nội sinh sống để tiện công việc. Cuối tuần, cặp đôi thường về thăm, ăn uống ở cả hai bên nội ngoại. Với cô gái 26 tuổi, ích lợi của việc lấy chồng gần chiếm phần đa.
“Đầu tiên là được gần gũi bố mẹ, tránh cảnh tủi thân, nhớ nhà, thi thoảng có món ngon, bố mẹ cũng gọi về ăn chung cho vui. Đến khi có con, chúng tôi được bố mẹ hai bên hỗ trợ rất nhiều, yên tâm để con ở quê để làm việc trên thành phố”.
Tuy nhiên, cô nhận xét một trong những điểm trừ là khi hai nhà gần nhau cũng đồng nghĩa khó từ chối ma chay, hiếu hỉ cả đôi bên.
“Đôi khi cuối tuần là thời gian nghỉ ngơi nhưng nhà nội ngoại tổ chức ăn uống liên tục, không thể vắng mặt. Rượu bia thường xuyên khiến tôi khá lo lắng về sức khỏe của chồng”, Hương chia sẻ.
Theo iDiva, gắn bó với một người đến từ cùng địa phương đem lại nhiều ích lợi trong mối quan hệ.
Ví dụ, cả hai sẽ hạn chế những xung đột do khác biệt văn hóa. Dù là cùng quốc gia, mỗi vùng miền đều có những phong tục, thói quen riêng nên nếu lớn lên ở cùng khu vực, cả hai sẽ không cần làm quen với nếp sống ở chỗ đối phương.
Mỗi bên cũng sẽ không tốn quá nhiều thời gian để giải thích cho nửa kia về những chi tiết ở quê mình. Giống như nói chuyện với một người từng quen từ trước, cả hai đều biết chính xác đối phương đang nói về điều gì.
Bên cạnh đó, với việc có thêm người đồng hành, cặp đôi có thể cùng khám phá thêm được những điều mới mẻ ở nơi mình sinh ra nhờ một “đồng hương” khác, tạo ra những kỷ niệm mới. Cả hai cũng có thể thích thú khi phát hiện những người bạn quen chung, tăng cảm giác thân thuộc.
Thuận tiện
Sau đám cưới hồi tháng 9/2022, Ngọc Linh (25 tuổi) gần như không có cảm giác bản thân đã kết hôn bởi thường xuyên về nhà, ăn uống cùng bố mẹ, “có hôm đôi ba lần”. Nhà Linh ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội) còn gia đình chồng chỉ cách đó 3 km, ở xã Tàm Xá, mất khoảng 5 phút chạy xe qua đường đê.
“Khi cưới, thay vì phải di chuyển từ sớm, nhiều tiếng, chú rể và bạn bè thậm chí còn tới nhà tôi chơi từ tối hôm trước để hát hò, trò chuyện, một trải nghiệm rất vui và đáng nhớ”, Linh kể.
Vợ chồng Linh thường xuyên về thăm nhà ngoại. |
Sau khi kết hôn, đôi trẻ sống chung với bố mẹ chồng. Vì tính cách phụ huynh thoải mái, nàng dâu mới không cảm thấy quá áp lực hay gặp khó khăn.
Đối với Linh, việc gần gũi hai bên gia đình giúp vợ chồng cô thuận tiện trong việc chăm sóc, phụng dưỡng đấng sinh thành, “mỗi khi nhà nào có việc, chỉ cần ‘alo’ một câu là nhanh chóng có mặt”.
“Đặc biệt, tôi thấy đỡ nhất là khoản đi lại giữa hai bên, tiết kiệm được nhiều chi phí di chuyển. Dịp cuối năm, chúng tôi cũng không phải đắn đo ‘Tết nội hay Tết ngoại’ mà có thể linh động giữa hai bên”.
Chung cảm nhận, Đoàn Nhung (24 tuổi, Bình Phước) cảm thấy may mắn khi biết Hoài Nam, chàng trai cô gặp và tìm hiểu khi làm việc ở TP.HCM, lại cùng quê, chỉ cách nhà nhau 50 km. Cũng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, đôi trẻ nhanh chóng đi đến hôn nhân chỉ trong vòng 2 tháng sau khi hẹn hò.
“Cùng quê cũng là yếu tố then chốt để tôi quyết định tiến xa hơn với anh. Sau khi cưới, chúng tôi cũng quyết định dời công việc về quê để tiện chăm sóc hai bên gia đình”.
Được hai bên ủng hộ vì nhà gần nhau, Nhung và Nam nhanh chóng tiến tới hôn nhân. |
Hiện, vợ chồng Nhung sống riêng, cách nhà ngoại 20 km. Chỉ trừ không còn ngủ trên chiếc giường thân thuộc hơn 20 năm ở nhà, còn lại, cô cảm thấy mọi thứ không thay đổi nhiều sau khi kết hôn.
“Tôi cảm thấy may mắn khi không phải trải qua cảm giác nhớ nhà, ít được gặp ba mẹ vì lấy chồng xa. Trên tôi có một anh trai đã lấy vợ và lập nghiệp ở TP.HCM, nếu tôi cũng không thể gần gũi ba mẹ thì hai người sẽ buồn và cô đơn lắm”, cô chia sẻ.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.