Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không phân biệt bằng ĐH chính quy - tại chức: Đừng cào bằng chất lượng

Nhiều ý kiến cho rằng việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức chỉ nên được áp dụng khi các chương trình đào tạo được kiểm định, đánh giá chất lượng một cách công khai.

36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã được Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi. 

Ở Điều 6 dự thảo luật, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được chuyển thành tập trung và không tập trung.

Theo đó, hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau.

Đề xuất này đang gây tranh cãi trong dư luận.

Sau bài viết Sao lại không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức?, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này. Đa phần lo ngại về chất lượng đào tạo hệ tại chức và chính quy ở Việt Nam hiện nay đang khác xa nhau, nếu không phân biệt bằng chính quy và tại chức, vô tình sẽ cào bằng chất lượng đào tạo.

"Tôi thấy khá nhiều người đi học tại chức cốt để lấy bằng, để đúng quy trình bổ nhiệm. Trong khi đó, để vào được hệ chính quy của một trường đại học, con em chúng tôi phải ôn luyện rất vất vả. Rồi mất tiền của và thời gian để học tập, mong lấy được tấm bằng. Giờ lại đi đánh đồng giá trị bằng với hệ tại chức là sao?", độc giả Nguyễn Đình Phúc (Hà Nam) chia sẻ.

Khong phan biet bang dai hoc chinh quy va tai chuc anh 1
Dù đào tạo chính quy hay tại chức sẽ đều được cấp một loại văn bằng.

Cùng quan điểm, bạn đọc Vũ Tiến Toàn đặt câu hỏi: “Làm sao mà chuẩn của hai loại bằng này bằng nhau được? Thế hóa ra những ai theo học chính quy là lãng phí thời gian hay sao?”.

Còn theo bạn đọc Hoàng Ngọc Hân, thực tế không phân biệt loại hình đào tạo, nhưng nếu trên bằng ghi loại hình đào tạo là đã ngầm phân biệt giá trị.

Trong khi đó, bạn đọc có tên Mai Hương lại cho rằng: “Loại hình đào tạo không quan trọng, bằng tại chức và chính quy cũng không quan trọng, quan trọng là khâu thi đầu ra để tốt nghiệp phải chung một chuẩn, thật nghiêm minh và công bằng. Nếu trường ĐH nào không làm được điều này thì tự hủy hoại uy tín và tự đào thải mình”.

Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ quan điểm, ở Việt Nam chưa nên tiến tới việc “không phân biệt bằng tại chức và chính quy”. Lý do là: “Tôi nghĩ văn bằng không có lỗi, vấn đề ở chỗ chất lượng đào tạo kém và sự buông lỏng kiểm định chất lượng đào tạo, dẫn đến sự kỳ thị bằng cấp.

Để loại bỏ sự kỳ thị, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT và các trường đại học cần nâng cao chất lượng, áp dụng chuẩn đầu vào và đầu ra của hai hệ chính quy và tại chức trước. Sau khi đã thực hiện nghiêm, không còn sự kỳ thị bằng cấp trong nhân dân, lúc đó mới nên coi bằng đại học chính quy như bằng tại chức".

'Kiểm định chất lượng giáo dục đại học vừa đá bóng vừa thổi còi'

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng 3 trong số 4 trung tâm kiểm định tại nước ta trực thuộc trường đại học nên khó có thể đảm bảo khách quan trong đánh giá.

https://laodong.vn/giao-duc/khong-phan-biet-bang-dai-hoc-chinh-quy-va-tai-chuc-dung-cao-bang-chat-luong-579845.ldo

Theo Bích Hà / Lao Động

Bạn có thể quan tâm