Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi năm tới sẽ không phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà chủ yếu để xét tốt nghiệp.
Các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hay dùng phương thức khác.
Thông tin này khiến nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên lo ngại về những thay đổi sắp tới của kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là khâu đề thi.
Chủ yếu đánh giá học vấn phổ thông
Trao đổi với báo chí ngày 29/9, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết đề thi THPT quốc gia năm tới sẽ được thiết kế nhằm đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa.
Ông Mai Văn Trinh thông tin về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: M.N. |
Ông Trinh thừa nhận đề thi THPT quốc gia năm 2018 chưa thật sự tốt, có nhiều câu hỏi quá khó so với thí sinh, không phù hợp mục đích của kỳ thi.
“Năm tới, đề thi phục vụ cho việc lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do vậy, đề thi thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Bộ sẽ sớm ban hành đề tham khảo để học sinh tiếp cận”, ông Trinh nói.
Cũng trong phiên giải trình với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh chất lượng đề thi sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Cụ thể, đề thi năm tới sẽ tăng cường số câu hỏi chuẩn hoá, mức độ cân đối của đề thi, bám sát chuẩn kiến thức trong bậc THPT. Trên cơ sở đó, các trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
Khó có bộ đề chuẩn
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng nếu kỳ thi năm tới chỉ có mục đích xét tốt nghiệp thì cần có bộ đề chuẩn. Tức là, đề thi phải được thử nghiệm ở các vùng miền cho học sinh lớp 12 để đo được chuẩn đầu ra yêu cầu tốt nghiệp THPT.
"Nhưng rất khó thực hiện được việc này vì chờ đến khi học sinh lớp 12 học xong thì không còn thời gian mà hiệu chỉnh những đề thử nghiệm. Thông thường, những đề kiểm tra thử nghiệm phải làm trước vài năm mới đảm bảo tính chuẩn hoá", ông Vinh nói.
Mặt khác, theo TS Vinh, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại kết quả học tập của 3 năm học ở THPT, vì kết quả này chiếm tỷ trọng khá lớn trong việc công nhận tốt nghiệp. Nếu không chú ý lại điều này, việc thi tốt nghiệp THPT không mang nhiều ý nghĩa.
Học sinh, giáo viên hoang mang, lo lắng
Trước những thay đổi và giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều học sinh, giáo viên mong muốn Bộ GD&ĐT sớm thông tin những thay đổi nếu có và công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên chủ động trong việc dạy học.
Đề thi THPT quốc gia 2019 là mối quan tâm lớn của học sinh, giáo viên. Ảnh minh họa: A.T. |
Bạn Thanh Hằng, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Tây Ninh), chia sẻ em và bạn bè cùng lớp khá lo lắng về đề thi năm tới.
"Nếu kỳ thi không còn phục vụ 2 mục đích, em không biết đề thi sẽ ra theo hướng nào. Vì trước đó, Bộ GD&ĐT thông tin năm nay, đề thi sẽ có cả kiến thức lớp 10, 11, bây giờ lại có thông tin khác nên chúng em khá lo lắng", Thảo nói.
Tương tự, nhiều học sinh lớp 12 vừa học vừa ôn tập trong tâm trạng thấp thỏm. Ngọc Duy, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM), cho biết em cảm thấy áp lực với kỳ thi sắp tới, đặc biệt khi nghe thông tin có những thay đổi về mục đích, đề thi.
"Chúng em phải vừa học kiến thức mới vừa ôn lại những kiến thức lớp 10, 11 nên cảm thấy rất nặng nề. Nghe thông tin kỳ thi năm tới có khả năng thay đổi mục tiêu, chúng em không biết đề thi có thay đổi gì không", Duy băn khoăn.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho biết ông và các thầy cô ở trường không quá bất ngờ trước thông tin trên.
"Mấy năm nay, năm nào kỳ thi cũng có thay đổi, không lớn thì nhỏ, nên chúng tôi cũng quen rồi. Thầy cô trong trường đều dặn học sinh chú trọng học tập còn những thay đổi nếu có đều phải chờ văn bản quy định chính thức của bộ", thầy Phú cho hay.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM nói những ngày qua, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng với những thông tin mới từ Bộ GD&ĐT.
"Phụ huynh và học sinh rất lo lắng nhưng chúng tôi cũng phải phân tích với các em việc ra đề, chọn khối thi, tổ hợp môn sẽ không thay đổi để học sinh yên tâm học tập bình thường. Theo tôi nhận định, đề thi vẫn sẽ có kiến thức lớp 10, 11 nhưng mức độ khó sẽ giảm và không quá nặng nề nếu chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Hiện, chưa có thông tin chính thức, chưa có văn bản quy định nên nhà trường vẫn duy trì việc dạy học theo lộ trình bình thường và ổn định tâm lý học sinh khối 12", hiệu trưởng này nhận định.