Thi thoảng cũng nên sống chậm lại
Ông Trang cho biết “cơ duyên” ông có thời gian ngồi vẽ tấm sơ đồ này là... hai lần bị tai nạn. Một lần đụng xe đầu năm 2015, một lần gãy tay cách đó hai tháng trong một chuyến đi biên giới phía Bắc.
Ngồi nhà, thời gian hoài phí. Ông Trang lấy tất cả các mảnh giấy lẻ tẻ là những bản vẽ tay nguệch ngoạc chỉ đường đi mà ông thu nhặt được.
Đối chiếu với tấm bản đồ “Giao thông và du lịch VN 2007” của thạc sĩ Trương Hoàng Phương, bản đồ đường bộ, tư liệu sưu tầm, ông Trang quyết định tổng kết lại hành trình cả đời thật ngắn gọn trên một trang giấy. Nhìn vào đó, ông nhớ lại từng chuyến đi, từng kỷ niệm.
Lần tai nạn thứ hai, cánh tay và bả vai bị thương nặng, trong thời gian dưỡng thương ông lại nhớ đến cái công trình dang dở kia.
Tại sao mình không làm một sơ đồ hoàn chỉnh để giúp anh em cùng sở thích có thể tự vạch ra những chuyến khám phá kỳ thú một cách dễ dàng? Hai tay không thể làm việc linh hoạt, ông Trang dùng một ngón để mổ cò từng chữ, từng số.
Suốt thời gian dưỡng thương, ông đắm chìm vào từng con đường trên giấy bút, ngày cũng như đêm. Càng gần với sự hoàn chỉnh, tinh thần càng minh mẫn, phấn chấn.
Để sơ đồ sinh động hơn, ông Trang quyết định bắt đầu dấn thân vào giới IT, đồ họa bằng cách tự học qua bạn bè, sách vở.
Cuối cùng sơ đồ cũng hoàn tất vào tháng 5/2015. Sơ đồ này nêu rõ lộ trình từ tỉnh này đến tỉnh kia đi qua những địa điểm du khảo nào thú vị, khoảng cách bao xa, đi quốc lộ nào, đi đoạn đường nào ngắn nhất, đơn giản nhất.
Ưu điểm của sơ đồ du khảo là đơn giản về trình bày, chi tiết trong thông tin và rất dễ để theo dõi tìm kiếm tuyến đường.
“Thi thoảng con người cũng nên sống chậm lại. Cứ cuốn theo guồng máy mưu sinh, chẳng ai có thời gian ngẫm lại chặng đường dài đã đi qua, những việc đã làm, giá trị tồn tại của mình trong cuộc sống.
Sơ đồ không chỉ tóm tắt hành trình của tôi, nó giúp tôi nhận ra rằng các chuyến đi, những lúc tôi bệnh, tôi sống chậm cũng vẫn có thể đóng góp điều gì đó cho xã hội, đó là điều đáng mừng”, ông Trang nói.
Mơ về một môi trường du lịch tử tế
Theo ông Trang, người Việt còn nặng về du lịch nghỉ dưỡng nên dễ rơi vào thế bị động. Phần lớn du khách phụ thuộc vào lịch trình của tour, nằm nhiều trong khách sạn, ăn ở nhà hàng và bơi trong bể. Vậy nên mỗi chuyến đi đều tựa tựa nhau.
“Đó là sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, nếu còn trẻ, bạn hãy chọn những chuyến đi khám phá văn hóa quê hương thay vì nằm lì trong máy lạnh. Hãy lắng nghe hướng dẫn viên truyền đạt kiến thức thật nhiều, học hỏi thật nhiều trong mỗi chuyến đi, thay vì lo chụp ảnh kỷ niệm”, ông Trang nói.
Để trang bị kiến thức cho những ai yêu thích du khảo, ông Trang cho biết vào tháng 9 này sẽ cho ra mắt một hội quán, nơi chia sẻ kiến thức địa lý, văn hóa, trang bị kỹ năng chèo thuyền, leo núi, buộc dây, sửa xe, hướng dẫn du lịch bằng những buổi nói chuyện chuyên đề.
“Du khảo cũng như mọi sở thích trên đời thôi. Chỉ cần bạn đam mê, có cho mình một kế hoạch cụ thể thì đi du lịch không hề khó”, ông Trang chia sẻ.
Theo ông Trang, sau mỗi chuyến đi mang tính khám phá, con người sẽ mở mang tầm nhìn, bồi đắp thêm văn hóa và quan trọng là trưởng thành hơn. Bởi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Đi theo kiểu tự thân vận động sẽ giúp bạn hoàn thiện những kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống, rèn tính quyết đoán, kiên trì, trẻ trung, sôi nổi mà thận trọng, điềm tĩnh.
Thay vì bán lại sơ đồ du khảo để kiếm tiền, ông Trang cho biết thích để cho bạn bè chia sẻ và có thêm nhiều chuyến đi bổ ích từ sơ đồ này chứ không có ý định làm kinh tế.
Ước mơ của ông Trang là có thể tổ chức nhiều chuyến đi với khẩu hiệu “khỏe và tử tế”. Khuyến khích bạn bè đi du khảo bằng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.
“Tôi rất mong nhiều người cùng chung tay xây dựng một môi trường du lịch tử tế, không chặt chém, không trộm cắp, móc túi, không gian lận, và dùng hành động, sức lực giúp đỡ bà con đồng bào dọc đường” - ông Trang nói.
Ông Đào Kim Trang trao đổi về một cung đường lạ trên bản đồ đường bộ Việt Nam vừa mới hoàn thành cho hai bạn yêu thích du lịch khám phá. |
- Một sơ đồ được vẽ rất chi tiết, ông phải mất thời gian đi thực tế bao lâu để có được đủ dữ liệu?
Tính từ chuyến du khảo bằng xe đạp đầu tiên được tổ chức cho thanh niên TP HCM đi xuyên Việt, đến nay tôi tròm trèm 25 năm rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Sau xe đạp là các chuyến đi bằng xe máy.
Dường như việc đi, tự khám phá hoặc đưa những người bạn đồng hành cùng khám phá các cung đường của đất nước đã như một phần ở trong máu thịt.
Có nhiều bạn hỏi: “Anh đi hoài không mệt sao?”, tôi đáp: “Đi một ngày đàng học được bao nhiêu thứ. Ở nhà ngồi không sẽ thấy mệt hơn”.
- Ông có tin rằng sơ đồ sẽ hữu ích cho những du khách thích khám phá?
Đó là sự kết hợp giữa bản đồ đường bộ VN và sơ đồ các tuyến đường đi, điểm đến có khoảng cách kilômet cụ thể.
Chỉ cần chọn một địa phương nào đó làm điểm xuất phát, bạn có thể đi một vòng hết đất nước VN theo những cung đường tỉnh, thành nối nhau. Sơ đồ có thể thu nhỏ trên giấy khổ A4, rất tiện dụng trong một góc hành trang đi đường.
Không chỉ là đường quốc lộ huyết mạch theo trục lộ chính, trên sơ đồ tôi giới thiệu rất nhiều đường phụ, đường tắt khoảng cách cũng ngắn hơn. Nhiều đoạn được cập nhật trong những chuyến đi đầu năm 2015. Các phương tiện ôtô, xe máy đều đi được.
Ví dụ từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) đến tỉnh Bến Tre bạn có thể đi quốc lộ 60 qua các xã, huyện rất yên bình. Rồi đi tiếp các con đường ven biển đến Sóc Trăng, Bạc Liêu mà không cần phải quay trở ra quốc lộ 1.
- Ông muốn gửi gắm điều gì khi bỏ công làm sơ đồ này?
Mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm, học được rất nhiều kiến thức mới và rèn luyện được nhiều kỹ năng sống. Sơ đồ du khảo là một hành trang cần thiết để hoạch định kế hoạch, lộ trình.
Những người trẻ hãy mạnh dạn cất bước, sẽ thấy đất nước VN rất xinh đẹp và cũng là khám phá chính bản thân mình.
Tôi hi vọng sẽ có thêm những bạn mới tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh sơ đồ đường đi, điểm đến bằng trải nghiệm thực tế để chúng ta có thêm nhiều cẩm nang dẫn đường bổ ích cho loại hình du khảo, khám phá.