Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể cấm học sinh dùng Facebook

Việc cấm học sinh (HS) trung học sử dụng Facebook là không thể làm được. Điều quan trọng là cần tăng cường nhận thức để các em có đủ bản lĩnh nhận ra được những tác động xấu

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng THCS Đồng Khởi (quận Bình Tân, TP HCM), tại hội thảo chuyên đề “Hướng dẫn kỹ năng ứng xử và giao tiếp qua mạng xã hội”.

Tạo nhóm trao đổi bài vở

Hội thảo là buổi sinh hoạt ngoại khóa của thầy và trò trường THCS Đồng Khởi, bởi vậy không khí trao đổi khá thoải mái. Em Nguyễn Thành Nam (lớp 9/7) sử dụng Facebook gần hai năm nay. Em cho biết mỗi ngày em sử dụng Facebook 2-3 tiếng để giao tiếp với bạn bè. Facebook giúp em có thể nói chuyện cùng lúc với nhiều người, dễ dàng chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của mình.

Đạt 29 điểm 3 môn nhờ học trên Facebook

Nếu tính cả điểm cộng, Nguyễn Công Linh đạt 31 điểm trong ba môn xét tuyển Toán, Lý, Hóa. Nam sinh cho biết, chủ yếu học trên Facebook và các diễn đàn.

“Em thấy dùng Facebook rất có lợi. Nếu sử dụng điện thoại, mỗi tin nhắn tính phí khoảng 200 đồng. Trong khi dùng Facebook, em có thể tạo nhóm để trao đổi bài vở, nói chuyện với nhau dễ dàng hơn rất nhiều mà không phải trả phí” - Nam nói.

Cùng chung suy nghĩ, em Hà My (lớp 8) cho biết nhà em cách trường 15 km, mỗi lần không có buổi học mà đến trường chỉ để gặp bạn trao đổi vài câu về học tập thì mất nhiều thời gian. Nhờ có Facebook mà em có thể ở nhà trao đổi thông tin bài vở với bạn bè rất thuận tiện. Bên cạnh đó Facebook cung cấp nhiều chức năng khác như: Một năm nhìn lại, những ứng dụng trò chơi vui nhộn giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng.

Ở tuổi HS, việc sử dụng Facebook của các em cần phải được định hướng từ nhà trường và gia đình. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.

Các em cần cảnh giác

Tuy nhiên, Facebook không chỉ cung cấp các tiện ích mà còn tiềm ẩn không ít hiểm họa, nhất là đối với lứa tuổi HS. Em NTT (lớp 9) kể lại câu chuyện xảy ra hơn một năm, em có nhận lời kết bạn với một facebooker. Dù không quen biết ngoài đời nhưng em bị ấn tượng bởi những dòng comment lịch sự, cách nói chuyện hóm hỉnh và hình ảnh đại diện bắt mắt. Qua vài lần trò chuyện, anh chàng ngỏ ý xin số điện thoại, dù còn e dè nhưng T. vẫn đồng ý.

Nói chuyện thêm được vài ba lần, cả trên điện thoại lẫn Facebook, T. tá hỏa khi nhận được tin nhắn rủ đi nhà nghỉ “tâm sự” của anh bạn mới quen. Mấy phút sau, khi đã kịp định thần lại, T. mắng hắn một trận rồi xóa luôn số điện thoại và chặn Facebook.

Câu chuyện gần đây về hai “hot girl” đại náo phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) vì mâu thuẫn... trên Facebook cũng được nhắc lại tại hội thảo. Dường như Facebook đã khiến những câu chuyện bình thường dễ trở nên bất thường. Đó là chưa kể đến nhiều HS bị chứng nghiện Facebook, mất thời gian vì suốt ngày cắm cúi để “check in”, “up ảnh câu like”…

Tăng đề kháng cho học sinh

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Facebook như con dao hai lưỡi, tác động đến xã hội theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Cấm cản chỉ là biện pháp mang hiệu quả nhất thời chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Đó là chưa kể việc cấm với lứa tuổi nhạy cảm này sẽ mang lại hiệu ứng ngược, càng cấm các em càng muốn chứng tỏ. Điều quan trọng là cần tăng cường sức đề kháng cho HS để các em đủ bản lĩnh nhận thức được những tác động xấu mà tránh, phát huy những thế mạnh của mạng xã hội này”.

Những lời khuyên cần thiết

- Không nên click vào những đường link lạ vì chúng có thể ẩn chứa virus hoặc đưa vào những trang web đồi trụy.

- Điều quan trọng là các HS cần đảm bảo bí mật thông tin của mình: Các em cần suy nghĩ kỹ trước khi đăng thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà lên mạng xã hội.

- Nếu đăng chỉ nên để chế độ only me (chỉ cá nhân mình có thể xem được).

- Với các bài đăng lên Facebook cũng nên giới hạn người xem để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

- Khi trao đổi thông tin bài học, thay vì để chế độ công khai, các em nên tạo một nhóm để cùng bàn bạc.

Ông HỒ TRUNG HIẾU, giáo viên tin học kiêm Tổng phụ trách đội Trường THCS Đồng Khởi

Cha con hiểu nhau hơn

Con gái tôi (22 tuổi) bắt đầu sử dụng Facebook từ lớp 10. Thời gian đầu, phụ huynh chẳng mấy người biết Facebook là gì, chỉ nghe người ta bảo Facebook để đám HS chat chit, mất thời gian nên tôi rất lo lắng. Nhưng cấm thì không cấm được. Dù khá mù mờ về máy tính nhưng tôi cũng cố gắng tìm hiểu, lập Facebook kết bạn với con. Nhờ có Facebook mà cha con hiểu nhau hơn.

Tôi nghĩ điều quan trọng là cách dùng của mỗi người, Facebook cũng như nhiều công cụ khác, đều có hai mặt, biết sử dụng thì sẽ phát huy hiệu quả, không biết sử dụng sa đà quá thì sẽ chỉ gây hại mà thôi.

Ông Nguyễn Minh Hùng, một phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM

Đạt 29 điểm 3 môn nhờ học trên Facebook

Nếu tính cả điểm cộng, Nguyễn Công Linh đạt 31 điểm trong ba môn xét tuyển Toán, Lý, Hóa. Nam sinh cho biết, chủ yếu học trên Facebook và các diễn đàn.

http://phapluattp.vn/giao-duc/em-thay-dung-facebook-co-loi-cho-hoc-tap-577174.html

Theo Nguyễn Trà/Pháp Luật TP HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm