Thông tin cô Vy Thị Loan, giáo viên THCS thị trấn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dùng lời lẽ khó nghe và ném vở vào mặt nữ sinh nhận nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng.
Nhiều độc giả bất bình với hành động, lời nói của cô giáo này khi cho rằng chọn nghề đứng lớp cần biết nhẫn nhịn và yêu trẻ.
Làm nghề giáo phải nhẫn nhịn
Độc giả Hoàng Tú nhớ lại: “Hồi học cấp 2, tôi cũng từng bị giáo viên dạy Toán mắng thậm tệ. Cũng biết học sinh nghịch khiến cô áp lực, cô nặng lời cũng chỉ muốn tốt cho thế hệ sau. Nhưng quả thực, cách cô nói làm tôi thấy chán học. Nhiều trường hợp bỏ học, tự tử chỉ vì lời mắng của giáo viên”.
Độc giả Thiện Tâm bày tỏ suy nghĩ nhà giáo cần giữ phép ăn nói từ tốn, lịch sự. "Giáo viên có trách nhiệm giáo dục, bảo ban nhẹ nhàng, học sinh mới tiếp thu. Cô Loan làm vậy càng phản tác dụng, bởi ở độ tuổi này, các em chưa đủ chín chắn để nhìn nhận vấn đề", người này viết.
Trường THCS thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: An Bình. |
Bức xúc trước hành động của cô Loan, bạn đọc Quốc Cường bình luận: “Người xưa có câu không thầy đố mày làm nên. Học sinh yếu, giáo viên cần xem xét lại cách dạy. Tôi không chấp nhận cô giáo dùng những từ ngữ thô thiển như vậy để dạy học sinh”.
Nhiều bạn đọc cho rằng cô giáo là người dạy học nên cần chú trọng lời nói, cử chỉ, hành động. Không nên nói lời lẽ không hay rồi đổ thừa hoàn cảnh.
"Giáo viên còn nói như thế thì dạy được ai? Ban giám hiệu nhà trường cần kỷ luật cô giáo này, cô không xứng đáng để đứng lớp”, độc giả Trần Huyền thẳng thắn.
Theo thành viên Thanh Ngọc, cô giáo Loan dùng lời lẽ “thô tục”, ném vở vào mặt nữ sinh là sai. Dù học sinh yếu kém, lì lợm, ngỗ ngược… thầy cô cũng không được phép sử dụng những từ “chợ búa” để dạy dỗ.
“Tôi đồng ý học sinh hư phải nghiêm khắc nhưng dạy làm sao cho các em nhận ra lỗi của mình. Cô làm vậy chỉ khiến các em thêm ức chế, càng làm sai... Dù bất cứ hoàn cảnh nào, giáo viên không được phép sử dụng những từ ngữ không hay cho học sinh”, bạn đọc Lê Hoan viết.
Nghề giáo áp lực cần được cảm thông
Trước những ý kiến gay gắt về việc cô giáo mắng học sinh ngu như bò, nhiều bạn đọc nêu quan điểm không thể chỉ trích hành động của cô Loan vi giáo viên phải chịu quá nhiều áp lực.
“Ngày xưa, tôi bị cô lấy thước kẻ vụt vào tay liên tục, mắng thậm tệ hơn nhiều. Lấy đó là động lực, tôi luôn cố gắng phấn đấu trong học tập. Giờ nghĩ lại, tôi nhớ cô vô cùng, nhờ cô mà tôi trưởng thành như hôm nay”, bạn đọc Thái Phong trần tình.
Thành viên Lê Quốc Dậu chia sẻ: “Lúc học cấp 1, bị thầy, cô đánh là chuyện bình thường. Lên cấp 3, tôi vẫn thường xuyên bị mắng như vậy. Tôi nghĩ, giáo viên chỉ muốn tốt cho học trò nên mới làm thế. Giáo viên không nói gì mới thật đáng sợ”.
Bên cạnh đó, độc giả Phuong Dong tin rằng cô giáo dùng lời lẽ, hành động đó đều có nguyên nhân chính đáng. Mọi người cần xem xét, nhìn nhận vụ việc ở nhiều phương diện để có cái nhìn khách quan hơn.
“Thầy cô có mắng cũng chỉ muốn học sinh nhận ra lỗi sai của mình. Ngày trước, tôi thường xuyên bị mắng vì học kém môn Vật lý. Tuy nhiên, tôi luôn kính trọng thầy. Nhờ vậy, tôi và các bạn trong lớp tiến bộ rất nhiều trong môn này", thành viên này nhớ lại.
Bên cạnh những ý kiến thông cảm với giáo viên, nhiều độc giả cũng chỉ rõ lỗi sai cũng như tính ương ngạnh, khó bảo của nhiều học sinh hiện nay.
"Về phía học sinh, các em có những hành động quá đáng nên giáo viên mới phản ứng gay gắt như vậy. Tôi cũng là người thầy, nhiều trường hợp học sinh sai, gia đình lại bênh con nên với cương vị của mình, nhiều khi tôi cũng rất khó xử”, bạn đọc Bình An chia sẻ.
Phụ huynh Hà Quốc Bảo nêu ý kiến: “Mình thấy nhiều học sinh bây giờ rất lì lợm, ngỗ ngược. Ở nhà, mình chỉ dạy một đứa mà nhiều lúc tức giận phải đánh con. Trong khi đó, giáo viên phải quản lý 40-50 em, áp lực nặng nề. Vì thế, mọi người không nên chỉ trích cô trong trường hợp này”.
Không ít bạn đọc cũng đưa ra quan điểm cho rằng phụ huynh không nên đòi hỏi nhiều ở thầy, cô giáo. Giáo viên phải chịu áp lực từ nhiều phía, đôi khi không kiềm chế được cảm xúc nên nói quá lời.