Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể chấp nhận việc cô gái văng tục với mẹ người yêu

Thạc sĩ cộng đồng Nguyễn Thị My cho rằng thiếu nữ nói hỗn với người lớn, bất kể trong tình huống nào, đều không thể biện minh.

Tôi vừa xem trên mạng clip ghi lại cuộc nói chuyện của cô gái với mẹ người yêu. Trước đó, mẹ chàng trai kia từng gọi điện tới nhà thiếu nữ và có những lời xúc phạm đến gia đình cô, đồng thời khen ngợi con trai mình. Vì vậy, cô gái gọi điện lại để chất vấn.

Điều khiến tôi bất bình là bạn trẻ này không ngừng văng tục, từ những câu nói trống không, hỗn hào như "Bác thích cái gì?", "Bác im đi để tôi nói hết", "Bác đừng nhảy vào mồm cháu" cho tới ngôn từ chợ búa, xưng tôi - bà: "Nòi nào thì giống ấy thôi", "Lần sau thì câm mồm"...

Nội dung cuộc trò chuyện cùng lời lẽ khiếm nhã khiến tôi cảm thấy bàng hoàng về sự tục tĩu, vô lễ cũng như vô văn hóa của cô gái.

Sốc với cách hành xử của người trẻ

Đây không phải lần đầu tiên tôi bị sốc trước cách ăn nói của giới trẻ với bề trên. Tôi từng sững sờ khi chứng kiến đôi trẻ tuổi tuôn hàng loạt "mỹ từ" khi xảy ra va chạm trên phố. Nhiều lần đi chợ, tôi nhìn thấy thiếu nữ đang "xơi xơi" mắng những bà cụ bán thịt, bán rau đáng tuổi ông bà mình.

Thời gian trước, còn có trào lưu các bạn trẻ thi nhau nói xấu cha mẹ trên Facebook vì bị cấm đoán yêu đương, cấm thần tượng ai đó, hoặc không vừa lòng bất cứ điều gì.

Tôi từng chứng kiến cảnh không ít cô gái ở ngoài đường dịu dàng, hiền lành, khéo léo, nhưng lại dành những sự bực bội, "đá thúng đụng nia" trút vào người thân.

Vang tuc voi me nguoi yeu anh 1
Clip cô gái văng tục với mẹ người yêu hiện lan truyền trên mạng. 

Một lần, tôi phải chuyển quán cà phê vì nghe được cuộc trò chuyện của hai mẹ con bàn bên. Dù đã cố lịch sự, những lời quát mẹ "như hát hay" và rất nhiều từ ngữ xấu xí được nói ra với âm lượng to của cô gái 17-18 tuổi khiến mọi người trong quán trợn tròn mắt.

Không ít lần tôi nghe những lời than vãn từ các thầy cô giáo, kêu ca về "vấn nạn" chửi bậy của học trò. Nếu nhắc nhở chúng, ngay lập tức, các thầy cô sẽ bị gọi bằng biệt danh, danh xưng xúc phạm như "con mụ", "lão già"...

Có thể ai đó cho rằng "không có lửa làm sao có khói", người phụ nữ kia hành xử sai trước và xứng đáng nhận những lời như vậy, vì đã xúc phạm người khác. 

Có thể các bạn sẽ biện minh ai cũng có thời điểm suy nghĩ không chín chắn, thích nổi bật bằng cách tiêu cực, muốn thể hiện mình mà chưa kiểm soát được hành vi dẫn đến những cư xử sai lệch, lời nói vô lễ.

Có thể do bực tức nhất thời, các bạn không tiết chế được hành động và ngôn từ, nhưng sau này khi nghĩ lại, sẽ thấy hối hận và tự trách mình rất nhiều.

Đừng cho rằng dám nói với người lớn những lời hỗn hào đó là cá tính, mạnh mẽ, ghê gớm hay để bảo vệ chính mình. Các bạn có nhiều cách thể hiện cái tôi, nhưng vẫn lễ phép, có văn hóa và văn minh.

Có thể sau clip trên, chuyện tình yêu của cặp kia sẽ kết thúc, cô và phụ nữ nọ sẽ không bao giờ còn liên quan tới nhau. Nhưng hình ảnh, những tiêu chuẩn đạo đức của cô đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Mạng xã hội tiếp tay cho ngôn từ xấu xí

Clip cô gái văng tục với mẹ người yêu hiện tràn lan trên mạng, được nhiều diễn đàn chia sẻ như trò cười đùa, cợt nhả. Thiếu nữ dường như biết hình ảnh của mình đang được ghi lại nên đã khéo léo che mặt, tắt đèn, không ai có thể tìm ra để "ném đá" cô.

Vậy là mạng xã hội, một lần nữa lại trở thành công cụ để truyền bá văn hóa xấu, cổ súy trào lưu kém văn minh. 

Một cô gái sinh năm 1992 mới đây đăng tải lên trang cá nhân bài viết dài, kể chi tiết câu chuyện mình bị người yêu phụ tình khi mang thai, kèm đó là toàn bộ tên tuổi, địa chỉ nhà bạn trai.

Khách hàng chưa trả tiền, nhiếp ảnh gia lập tức đăng đàn, đưa toàn bộ hình, thông tin của khách lên "phây".

Hai bạn trẻ chưa đủ 18 tuổi hẹn đánh nhau, giải quyết thù hận trên Facebook. Thế là giới trẻ cả một thành phố lớn kéo nhau đi "hóng biến".

Chàng trai rao bán mạng sống của mình bằng 40.000 like (thích) để đổi lấy một lần tự thiêu nhảy cầu, người dân kéo nhau đến xem tắc cả đường. Người yêu quỳ xuống xin lỗi, bạn trai tặng quà to, bạn gái lăng nhăng... cũng lên mạng "ba mặt một lời".

Giới trẻ ngày nay có một "vũ khí" rất mạnh là mạng xã hội để thể hiện cái tôi, chiều chuộng nhu cầu tự khẳng định bản thân, lôi kéo sự chú ý về mình.

Cái gì cũng quay clip, chụp ảnh đăng lên Facebook. Mạng xã hội ngày nay trở thành nơi để tố nhau, chia sẻ những câu chuyện mới lạ, gây sốc.

Những chuyện trên mạng ảo cứ thế lan tuyền, lây lan nhanh một cách khủng khiếp. Những điều xấu xa, phản giáo dục cứ thế được chia sẻ, thẩm thấu vào cuộc sống.

Một cô gái chửi mẹ người yêu mà nhận được gần trăm nghìn lượt yêu thích. Lần sau, chuyện xúc phạm gia đình bạn trai tương tự sẽ thành bình thường và người ta lại chờ xem các tin tức giật gân, mới mẻ hơn.

Cô gái bị đánh, lột đồ quay clip: 'Tôi không muốn sống nữa'

"Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan lên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi".

Nguyễn Thị My

Thạc sĩ cộng đồng, ĐH La Trobe, Australia

Bạn có thể quan tâm