Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không thể dùng một giải pháp chống ngập cho cả Sài Gòn

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tùy theo tình hình từng khu vực mà TP sẽ có những biện pháp chống ngập khác nhau chứ không có một giải pháp tổng thể cho cả TP.HCM.

Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM (TTCN) vừa đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt dự án xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết (6 hồ ngầm và 1 hồ hở) bằng công nghệ Crosswave với quy mô 1.500-20.000 m3 cùng các trạm bơm. Tổng mức đầu tư dự án hơn 475 tỉ đồng.

Giải quyết ngập cho nhiều điểm nóng

Tổ hợp đầu tiên được xây dựng tại Công viên Hoàng Văn Thụ (phường 10, quận Tân Bình). Dự án sẽ cải tạo một hồ hở hiện có và một hồ ngầm với tổng dung tích 10.000 m3 để xóa, giảm ngập cho các tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như: Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót và Phan Thúc Duyện.

Tiếp theo, TTCN sẽ xây dựng hồ có quy mô lớn nhất ở Công viên Làng Hoa (quận Gò Vấp) với dung tích 20.000 m3, giải quyết ngập cho đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu. Thời gian xây dựng hồ này khoảng 1 tháng.

chong ngap o sai gon anh 1
Hồ tiết ngập sẽ giải quyết được nhiều điểm nóng ở TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.

Công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (phường 12, quận 10) sẽ là nơi xây dựng hồ thứ 3. Hồ này có dung tích 5.000 m3, chống ngập cho đường 3 Tháng 2 (đoạn từ Học viện Hành chính quốc gia đến đường Lê Hồng Phong).

Với dung tích 2.000 m3, hồ thứ 4 được lắp đặt trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận) hứa hẹn sẽ giải quyết ngập cho tuyến đường Phan Xích Long. Tuyến đường này thời gian qua thường xuyên ngập khi mưa lớn, dẫn đến ngập các hầm xe, gây thiệt hại lớn tài sản.

Cuối cùng, TTCN sẽ xây dựng tổ hợp 2 hồ với tổng dung tích 4.000 m3 chống ngập cho đường Điện Biên Phủ, từ cầu Sài Gòn vào trung tâm TP.

Ngoài việc xây dựng hồ điều tiết ngầm, dự án cũng xây dựng các tuyến cống điều tiết, hệ thống mương thu nước, cải tạo miệng hố ga và các trạm bơm có công suất từ 1.000 m3/h đến 2.000 m3/h, để bơm nước ra ngoài. Theo TTCN, việc xây dựng các hồ ngầm không chiếm dụng diện tích đất như các hồ hở.

Xây dựng bản đồ mô phỏng ngập

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP rất ủng hộ đề xuất xây dựng hồ chống ngập. Việc này sẽ sớm trình thảo luận trong kỳ họp HĐND.

“Việc xây dựng các hồ điều tiết ngầm này rất quan trọng. Với những nơi mặt bằng trống, mình có thể lắp những module ngầm ở dưới để hút nước, sử dụng nước”, ông Tuyến nhận định.

chong ngap o sai gon anh 2
Ông Tuyến cho rằng không có giải pháp tổng thể chống ngập cho toàn TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Ông Tuyến cho rằng TP rất rộng, quy mô địa bàn không giống nhau, mỗi một nơi cốt nền có những điểm khác biệt, có chỗ cao, chỗ thấp, có chỗ nơi ngập do triều cường, chỗ ngập do không thoát nước được, do kênh rạch lấn chiếm.

Với địa hình như vậy, TP sẽ phân định để có giải pháp phù hợp. Những nơi có mặt bằng trống như sân trường, công viên thì TP có thể bố trí giải pháp xây dựng hồ tiết ngập hoặc sử dụng máy bơm như đường Nguyễn Hữu Cảnh để cấp tốc bơm ngay. Còn những nơi do triều cường thì phải làm đê bao.

“Mỗi nơi có giải pháp phù hợp chứ TP không có chủ trương một giải pháp tổng thể cho mọi nơi. Do vậy, TP đang tính toán xây dựng bản đồ mô phỏng ngập để nhìn vào đó biết được độ lún, độ cao, hay chỗ nào nước ngập do biến đổi khí hậu. Khi biết được nguyên nhân ngập từng khu vực, TP có giải pháp phù hợp cho khu vực đó, chứ không dùng một giải pháp đồng bộ cho tất cả”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Nhiều tuyến đường Sài Gòn ngập sâu sau mưa lớn

Mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ, khiến một số tuyến đường khu vực phía tây bắc TP.HCM ngập sâu. Nhiều phương tiện chết máy, giao thông đi lại khó khăn.

Việt Dũng - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm