Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập.
Thời gian đầu học sinh đi học trực tiếp, các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế.
Học sinh trường THCS - THPT Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) ngày đầu trở lại trường sau hơn 5 tháng tạm nghỉ. Ảnh: Chí Hùng. |
Trường học có thể chia học sinh thành các nhóm có điều kiện học trực tuyến, không có điều kiện học trực tuyến, nhất là những em không tiếp cận được truyền hình hay phải chuyển trường do thay đổi nơi cư trú. Các trường có kế hoạch ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp từng nhóm học sinh.
Các địa phương cần sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để dạy học nội dung cơ bản, cốt lõi theo văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT. Trường học xây dựng thời gian ôn tập một cách hợp lý, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh.
Việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình có thể được duy trì phù hợp kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Nếu tất cả học sinh đều đi học bình thường, trường tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hỗ trợ dạy học trực tiếp.
Nếu chia nhóm, luân phiên cho học sinh đến lớp học tập, thầy cô có thể tổ chức dạy học trực tuyến thay dạy học trực tiếp với nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình.
Bộ GD&ĐT lưu ý việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Đặc biệt, các trường không thu thêm kinh phí để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh.
Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn trường học tại các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời củng cố điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.