Du khách trekking lên đỉnh Thái Sơn hồi tháng 8. Ảnh: @zhu_xiao_hang. |
Wendy Chen muốn thử sức mình bằng việc leo núi Thái Sơn, nhưng không có người bạn nào đi cùng. Cô gái 25 tuổi quyết định thuê "pei pa" (bạn leo núi) - một nam thanh niên với nhiều kinh nghiệm du lịch thể thao. Người này sẽ cùng đi và hỗ trợ Chen lên đến đỉnh núi cao hơn 1.500 m.
Theo CNN, "pei pa" thường là người trẻ tuổi, khỏe mạnh, là sinh viên đại học hoặc bộ đội xuất ngũ. Họ tự đăng tải thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Xiaohongshu và Douyin, bao gồm chiều cao, mức độ thể lực và kinh nghiệm leo núi, đi bộ đường dài. Chi phí cho mỗi chuyến đi dao động 200-600 nhân dân tệ (30-85 USD).
Trong suốt quá trình leo núi, những "người bạn" này sẽ làm mọi cách giúp khách hàng đỡ mệt mỏi. Trong đó, hát, kể chuyện cười, phát nhạc, động viên, thậm chí là xách túi, nắm tay và dìu dắt... là những hoạt động thường thấy.
Chen và "pei pa" của mình bắt đầu chuyến trekking từ khoảng 20h để kịp săn bình minh trên đỉnh vào sáng sớm hôm sau. Sau khi đánh giá mức độ thể lực của Chen, người bạn leo núi lên kế hoạch về lộ trình và giúp cô mang balo trong suốt chặng đường.
Wendy Chen chụp bức ảnh bình minh trên đỉnh núi Thái Sơn. Ảnh: Wendy Chen. |
Lên đến đỉnh núi, gió lớn, nhiệt độ xuống thấp, bạn đồng hành thuê cho Chen một chiếc áo khoác dày và sắp xếp cô tới nơi trú ẩn có tường bao quanh để tạm nghỉ ngơi.
Vào thời điểm mặt trời mọc, "pei pa" chuẩn bị sẵn cờ tổ quốc và đạo cụ, giúp Chen có thể chụp nhiều khoảnh khắc check-in đẹp nhất.
Chen trả 350 nhân dân tệ (49 USD) cho người bạn leo núi, mức giá trung bình đối với dịch vụ này. Cô thừa nhận nếu thanh niên này đẹp trai hơn, cô có thể trả mức tiền cao hơn.
Nghề "hái ra tiền"
Trước đây, khách hàng chính của "pei pa" thường là những cô gái trẻ độc thân. Nhưng giờ đây, nhiều người chứng kiến cảnh các nam sinh viên đại học với thân hình vạm vỡ đang bế một đứa trẻ 3 tuổi đi phăng phăng lên dốc núi, trong khi mẹ của đứa bé đang khệ nệ bước chậm phía sau.
Nắm bắt cơ hội kiếm tiền này, Chris Zhang (20 tuổi, sinh viên đại học) đăng tải thông tin quảng cáo bản thân lên mạng xã hội để trở thành "bạn leo núi".
Chỉ trong 3 tháng hè vừa qua, khi nhu cầu du lịch tăng mạnh, thanh niên này kiếm được hơn 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD). Trong khi đó, cùng thời điểm, một số bạn bè của cậu chỉ được trả 2.000 nhân dân tệ (280 USD) cho một tháng thực tập tại các văn phòng.
Zhang cho biết việc trở thành "pei pa" không chỉ giúp anh có mức lương cao hơn, mà còn nhiều tự do hơn thay vì ngồi trước máy tính cả ngày.
Chen Wudi (trái) cùng một trong những khách hàng leo núi của mình. Ảnh: Chen Wudi. |
Tương tự, Chen Wudi (27 tuổi), chủ một cửa hàng, quyết định từ bỏ công việc buôn bán để trở thành "bạn leo núi". Anh hiện có gần 40 đơn đặt hàng chờ phục vụ, ước tính thu nhập khoảng 20.000 nhân dân tệ/tháng.
Con số này cao gấp đôi mức lương trung bình hàng tháng ở Trung Quốc. Công việc leo núi tốt đến mức Chen đã chuyển đến sinh sống tại thành phố Thái An, ngay dưới chân núi Thái Sơn.
Tuy nhiên, Chen thừa nhận công việc này có thể không bền vững vì đòi hỏi nhiều sức lực. "Đầu gối tôi đau lắm, có thể tôi chỉ có thể tiếp tục làm pei pa trong vài tháng hoặc nửa năm thôi", Chen nói với CNN.
Mối nguy
Mặt khác, việc thuê "bạn leo núi" cũng tiềm ẩn một số lo ngại. Hiện tại, dịch vụ này không được nhà nước quản lý, du khách có thể gặp nguy cơ mất an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ độc thân hoặc những người có con nhỏ.
Một số người lo ngại rằng các "pei pa" chưa được xác minh về kỹ năng, kinh nghiệm. Điều này có thể gây ra tình huống nguy hiểm tiềm ẩn trên núi. Hơn nữa, xu hướng này còn vô tình mở ra cánh cửa cho nhiều kẻ tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Dù vậy, với tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ ở Trung Quốc, việc trở thành "bạn leo núi" là một cách kiếm tiền nhanh chóng, hiệu quả. Chen Wudi hiểu rằng công việc này không thể kéo dài mãi mãi, song anh cho biết cần tiền nhanh để giải quyết các chi phí cho cuộc sống.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.