Ngày 15/11/2017, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên (21 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, em gái hoa hậu Đông Nam Á 2012 Nguyễn Thị Diệu Hân) phản ánh về việc để quên điện thoại iPhone ở cửa hàng McDonald’s, người nhặt được hứa trả nhưng không giữ lời.
Theo chị Tiên, vào tối 1/12/2017, chị cùng người thân đến cửa hàng tại vòng xoay Điện Biên Phủ, phường Đa Kao, quận 1 để ăn uống. “Đến khoảng 23h30, tôi chuẩn bị ra về thì người nhà nhờ mua thêm thức ăn nên tôi tới quầy. Do vội nên tôi để chiếc điện thoại iPhone trên quầy tính tiền” - chị Tiên kể.
Khi chị đi khỏi thì một người đàn ông tới quầy lấy chiếc điện thoại mà chị bỏ quên. Người này để lại số điện thoại, báo với nhân viên cửa hàng rằng: "Nếu có ai quay lại thì liên hệ số điện thoại của ông ấy để lấy lại".
Theo chị Tiên, sau khi phát hiện quên điện thoại, chị chạy tới cửa hàng, nhân viên thông báo lại sự việc, chị nhiều lần gọi vào số mà người đàn ông để lại nhưng họ không trả lời. “Gần đây nhất, khi tôi gọi vào số máy do nhân viên cung cấp thì đầu dây bên kia bảo rằng họ mua bán SIM điện thoại và tỏ ra không hiểu câu chuyện của tôi” - chị Tiên nói.
Hình ảnh từ camera do cửa hàng cung cấp về người đàn ông nhặt được điện thoại nhưng không trả. Ảnh do chị Tiên cung cấp. |
Sau khi liên hệ không được, ngày 3/12/2017 chị đã đến Công an phường Đa Kao (quận 1) trình báo. “Cán bộ trực ban đã tiếp nhận thông tin, đồng thời lập hồ sơ và cho biết sẽ liên hệ với cửa hàng thức ăn nhanh để làm rõ” - chị kể.
Tuy nhiên, đợi đến giữa tháng 1/2018 nhưng không thấy phản hồi, điện thoại cũng không thấy đâu nên hoa hậu Nguyễn Thị Diệu Hân đăng sự việc của em gái lên Facebook làm nhiều người bình luận không hay.
Ngày 15/1, trung úy Nguyễn Học Thành Trung, Công an phường Đa Kao, người tiếp nhận hồ sơ sự việc, cho biết theo trình báo, sự việc xảy ra vào khuya 1/12/2017. Người đàn ông sau khi nhặt được điện thoại bỏ quên đã để lại số điện thoại và nhờ nhân viên tại cửa hàng thông báo cho người đánh rơi liên hệ để nhận lại điện thoại bỏ quên. Ban đầu chúng tôi có nhận định đây là việc dân sự.
“Tuy nhiên, sau đó người đàn ông không trả lại tài sản là có biểu hiện của việc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Chúng tôi đã làm việc với cửa hàng và được cung cấp hình ảnh về người đàn ông này và đang triển khai các biện pháp để xác minh làm rõ để có phương án xử lý” - ông Trung nói.
Chúng tôi liên hệ với nam nhân viên tiệm, người này xác nhận sự việc nhưng từ chối cung cấp các thông tin liên quan vì chưa có sự cho phép của quản lý.
Theo luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, theo quy định của luật dân sự, người thanh niên nhặt được điện thoại thì phải thông báo và trả lại cho người đánh rơi. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an cấp phường nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Việc nhặt được điện thoại mà chủ sở hữu đã yêu cầu trả lại nhưng vẫn cố ý chiếm giữ là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Bộ luật hình sự cũng quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản, theo đó, “người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.