Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Không xấu hổ khi ăn bám cha mẹ

Để trả nợ, tiết kiệm tiền và tìm việc làm, một số Gen Z đã lựa chọn trở về nhà và "ăn bám" cha mẹ thêm một thời gian trước khi đủ khả năng tự lập.

gia dinh anh 1

Năm 2019, sau khi cô tốt nghiệp một trường cao đẳng cộng đồng, Nicole Solero rời khỏi nhà của cha mẹ ở thành phố Orlando (bang Florida).

Nhà thiết kế đồ họa tự do chuyển tới một thị trấn nhỏ ở vùng Nam Florida. Làm việc từ xa, cộng thêm việc bạn cùng phòng thường xuyên đi công tác khiến Solero cảm thấy chán nản và cô đơn.

Cuối cùng, cô quyết định dọn lại về nhà cha mẹ, theo New York Times.

gia dinh anh 2

Nicole Solero chuyển về nhà cha mẹ sau một thời gian sống tự lập. Ảnh: Todd Anderson/New York Times.

Giới trẻ thường được khuyến khích rời khỏi mái ấm gia đình như một “nghi thức” để gây dựng cuộc sống, sự nghiệp và nguồn tài chính độc lập với cha mẹ. Nhưng điều này không áp dụng với một số người thuộc Gen Z (sinh năm 1996-2010) và cuối thế hệ Millennials (1990-1996) ở Mỹ.

Các yếu tố như chi phí sinh hoạt cao, nợ học phí sinh viên, nghĩa vụ gia đình hoặc truyền thống văn hóa khiến họ phải sống ở nhà lâu hơn dự kiến. Đại dịch và hậu quả của nó là suy thoái kinh tế cũng buộc nhiều thanh niên phải quay về sống với cha mẹ.

Cha mẹ lo hết

Quyết định có lợi về tài chính này thuận tiện cho Solero. Cô cho biết những đứa con vẫn sống cùng nhà cha mẹ dù đã trưởng thành là điều bình thường trong văn hóa Tây Ban Nha, gốc gác của gia đình cô.

“Chúng tôi ở nhà cho đến khi đủ ổn định rồi mới chuyển ra ngoài. Thời điểm đó thường là khi kết hôn, hoặc có sự nghiệp vững chắc, có thể tự chu cấp cho bản thân”, cô nói.

gia dinh anh 3

Nicole Solero (24 tuổi, bên trái) chụp ảnh cùng cha mẹ và chú chó Billy tại nhà của họ. Ảnh: Todd Anderson/New York Times.

Solero (24 tuổi) hiện sống cùng cha mẹ và em trai trong khi làm thực tập sinh tại một công ty quan hệ công chúng. Cô cũng nhận thêm một số công việc tự do.

Thỉnh thoảng, cô hỗ trợ cha mẹ bằng cách chi trả một số khoản mua sắm thực phẩm hoặc bột giặt. Nhìn chung, cô có thể tiết kiệm khoảng 600 USD/tháng nhờ sống “ké” nhà cha mẹ.

Cô dự định sẽ chuyển ra ngoài trong vòng 2 năm tới, sau khi cô đã kiếm được công việc ổn định.

Theo một phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew sử dụng dữ liệu của Cục điều tra dân số, tháng 7/2022, 1/2 số người Mỹ từ 18 đến 29 tuổi đang sống với cha mẹ của họ.

Nhiều người trẻ khẳng định họ phải tiếp tục sống cùng gia đình để đạt được các mục tiêu tài chính và cá nhân, mặc dù trước đó, trong một cuộc khảo sát khác do trung tâm này thực hiện hồi tháng 10/2021, hơn 1/3 người Mỹ tham gia phỏng vấn cho biết việc thanh niên sống với cha mẹ là có hại cho xã hội.

gia dinh anh 4

Tiết kiệm tiền là một trong những lý do chính khiến nhiều thanh niên chuyển về sống với cha mẹ. Ảnh minh họa: Eddie Mulholland/Telegraph.

Tim Morris (23 tuổi) tốt nghiệp đại học năm 2021 với khoản nợ sinh viên khoảng 53.000 USD.

Anh quyết định chuyển về sống với cha mẹ ở Akron (bang Ohio) và đã cố gắng giảm số tiền nợ đó xuống còn khoảng 24.000 đô la. Ngoài những khoản chi tiêu riêng, anh chỉ cần lo việc trả tiền xăng xe.

“Đây không phải điều tôi muốn, nhưng tôi chấp nhận vì nó giúp tôi giảm bớt khoản nợ của mình”, anh nói.

Vì tương lai sống tự lập

Morris, làm việc tại một công ty sản xuất silicone, kiếm được khoảng 2.800 USD/tháng sau thuế và dành 850 USD để thanh toán các khoản vay sinh viên.

Anh cũng đóng tiền vào tài khoản hưu trí cá nhân Roth và 401(k), đầu tư cổ phiếu bằng tài khoản môi giới. Anh đang cố gắng tiết kiệm khoảng 14.000 USD cho một năm tiền thuê căn hộ trong tương lai. Chàng trai có quỹ dự phòng khẩn cấp khoảng 2.000 USD.

Đương nhiên, Morris sẽ gặp phải một số thách thức khi sống cùng nhà cha mẹ, đặc biệt là ảnh hưởng tới cuộc sống hẹn hò và giao tiếp xã hội của anh. Cha mẹ anh đều đã nghỉ hưu nên anh sẽ phải xin phép họ trước khi mời bạn bè đến chơi. Cũng bởi không có không gian riêng, anh cũng ngại hẹn hò hơn trước.

“Vốn dĩ, hẹn hò với người còn sống chung với gia đình đã chẳng hay ho gì”, anh nói.

gia dinh anh 5

Madison Simms không phải tốn 2.000 USD tiền thuê nhà mỗi tháng nhờ chuyển về sống với gia đình. Ảnh: Ross Mantle/New York Times.

Jovan Johnson, đồng sở hữu của công ty tư vấn tài chính Piece of Wealth Planning, cho biết sống ở nhà có thể là một quyết định tài chính tốt khi người trẻ còn vướng khoản vay sinh viên, hy vọng khởi nghiệp hoặc muốn tiết kiệm cho những mục tiêu như mua nhà, đám cưới.

Vào thời điểm chuyển ra sống riêng, điều quan trọng là họ phải đảm bảo có đủ thu nhập để trả tiền thuê nhà và lối sống cá nhân, cũng như có quỹ khẩn cấp gồm 3-6 tháng tiền thuê nhà và chi phí điện, nước cơ bản.

Johnson cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tinh thần.

“Hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống độc lập và những gì đi kèm với nó”, ông nói.

Madison Simms (23 tuổi) trở về nhà ở Pittsburgh (bang Pennsylvania) vì không hạnh phúc với công việc đầu tiên.

Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc tại một công ty cho vay thế chấp. Cô chuyển đến sống ở thành phố Silver Spring (bang Maryland) để làm công việc đầu tiên này và chi 2.000 USD/tháng tiền thuê nhà.

Hiện Simms sống cùng nhà với mẹ và em gái, và tìm được công việc quản lý đầu tư cho Ngân hàng New York Mellon. Nhờ đó, cô có thể dành dụm khoảng 800 USD/tháng và đóng 625 USD/tháng vào tài khoản hưu trí 401(k) của mình.

“Số tiền có thể tiết kiệm trong vòng một tháng là lý do tôi chọn ở cùng gia đình”, Simms khẳng định. Cô dần cảm thấy ổn định tài chính để bắt đầu tìm kiếm nơi ở riêng của mình một lần nữa, nhưng lần này, cô sẽ chọn nơi không quá xa nhà.

Nơi áp lực sinh con trai đã biến mất

Tâm lý ưa thích sinh con trai hơn con gái đang giảm dần tại Hàn Quốc trong những năm gần đây do tình trạng dân số sụt giảm nhanh chóng.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm