Hàng trăm người dân chen chúc trong những căn lều tạm bợ chật hẹp, sống chung với ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ tại "khu ổ chuột" thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).
Khu "ổ chuột" khu vực 5, 6 và 11 ở phường Hải Cảng có khoảng 178 hộ với hơn 700 nhân khẩu sống chen chúc trong những căn lều chật hẹp tiếp giáp với cảng cá Quy Nhơn.
Ông Đặng Thành Ba (ngụ phường Hải Cảng) cho biết gia đình sống trong lều chật hẹp nơi đây trải qua ba thế hệ gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản ven đầm Thị Nại. "Hầu hết các hộ dân làm nhà tạm bợ theo kiểu nhà sàn trên mặt nước nên từ lâu làng chài có tên gọi là khu nhà rầm hay còn gọi là khu ổ chuột giữa phố biển Quy Nhơn", ông Ba nói.
Ông Trương Văn Hòa (78 tuổi, ngụ ở phường Hải Cảng) thổ lộ gia đình nghèo không có tiền mua đất nên về khu vực nhà rầm này dựng nhà tạm bợ để mưu sinh đánh bắt thủy sản hàng ngày. "Cuộc sống của người dân ở đây cơ cực trăm bề, hàng ngày phải hít thở mùi hôi thối, sống chung với rác thải tràn lan dưới gầm nhà. Mỗi lều tạm vỏn vẹn từ 15 đến 30 m2. Mùa nắng thì nóng hầm hập, mưa lớn thì thấm dột khắp nơi", ông Hòa than thở.
Lối vào khu nhà rầm chỉ rộng bằng sải tay được chắp vá bằng những thanh gỗ ố màu thời gian.
Hàng ngày cha đi biển đánh bắt thủy sản, mẹ ra cảng Quy Nhơn mua bán cá, những đứa trẻ ở trong lều một mình.
Căn nhà tạm bợ 20 m2 của vợ chồng chị Từ Thị Thảo (ngụ phường Hải Cảng) được chắp vá bằng những mảnh gỗ, tấm tôn thủng nhiều chỗ.
Gia đình bà Đỗ Hương Thúy Hằng (ngụ phường Hải Cảng) có 8 người sống chen chúc trong căn lều chật hẹp. "Không gian hạn chế nên vợ chồng tôi ngăn làm đôi làm phòng khách và gian bếp, góc nhỏ làm phòng tắm. Đêm về, tất cả thành viên gia đình ngủ trên sàn nhà", bà Hằng bộc bạch.
Lối đi lại ở khu nhà rầm quá hẹp nên hầu hết những đứa trẻ nơi đây đến trường phải đi bộ dắt xe ra đường lớn mới có thể đi được.
Ở khu ổ chuột, nhà nào khá giả thì làm thêm căn gác bên trên để con cái có góc học tập, sinh hoạt.
Trong lều, mọi vật dụng, ngư lưới cụ, người dân khu nhà rầm nghĩ cách dùng dây thừng buộc treo lủng lẳng trên trần nhà để tiết kiệm diện tích.
Do nhà tạm bợ san sát nhau nên người dân ở khu ổ chuột tận dụng khoảng trống ven lối phơi đồ.
Bé trai Phạm Viết Tú (5 tuổi) nằm dài dưới sàn nhà căn lều viết bài.
Chồng mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, chị Lê Thị Bổn (39 tuổi, ngụ phường Hải Cảng) vừa chống chọi với bệnh đau đầu vừa xoay sở tìm việc làm thuê nuôi con trai Võ Ngọc Sơn (11 tuổi) vững bước đến trường. Thương em gái số phận bất hạnh, bà Lê Thị Ánh dựng tạm căn lều 15 m2 cho mẹ con chị Bổn ở sinh hoạt hàng ngày.
Không gian hạn chế, một số hộ dân phải treo biển khẩn cầu: "Đừng để xe trước vỉa hè, cửa nhà. Thành thật cảm ơn".
Ngoài giờ ra biển lao động, những lúc thư nhàn, đàn ông ở khu ổ chuột câu cá ở sau nhà cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hải Cảng cho biết khu nhà rầm (hay còn gọi là khu ổ chuột) ở địa phương hình thành sau ngày giải phóng năm 1975. Đến năm 2011, TP Quy Nhơn giải tỏa làm đường Xuân Diệu đã tái định cư cho khoảng 2.000 người dân. Đến nay, Phường còn 178 hộ dân sống tạm bợ ở khu nhà rầm gần khu vực cảng cá Quy Nhơn.
Theo vị Chủ tịch phường, từ năm 2009, TP Quy Nhơn từng phê duyệt dự án kè chống lấn chiếm kết hợp với chỉnh trang đô thị cho khu vực này với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Tuy nhiên suốt 7 năm qua, dự án vẫn chưa triển khai vì khó khăn nguồn vốn. Nhiều năm dài, cuộc sống hàng trăm người dân nơi đây đối mặt với nhiều khó khăn. Rác thải tràn lan gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ ở khu vực này rất cao do lối vào quá chật hẹp. Năm ngoái ở khu vực 5 nhà rầm từng cháy hai nhà dân do chập điện.
Trong buổi thị sát sáng 23/5, ông Đinh La Thăng đề nghị các sở, ngành tìm phương án cho người dân "có nhà để đến", nhằm xóa khu ổ chuột ven kênh Tàu Hủ, Lò Gốm...
Bộ GTVT đề xuất người dân được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, đường đô thị - không bao gồm đường phố chính, để tổ chức đám tang, đám cưới.