Theo kế hoạch đang được lấy ý kiến, bất kỳ ai đi vào các khu vực chưa được khai thác du lịch của núi Hoàng Sơn (An Huy, Trung Quốc) sẽ phải trả tiền nếu gặp nạn và yêu cầu hoạt động hỗ trợ, South China Morning Post đưa tin.
Sau khi được giải cứu, du khách sẽ nhận một hóa đơn từ khu quản lý. Chi phí sẽ bao gồm tiền chi trả cho nhân viên cứu hộ, bảo hiểm tai nạn của họ, phí vận chuyển và bất kỳ điều trị khẩn cấp cần thiết nào. Nếu không thanh toán trong vòng 3 tháng, du khách sẽ bị đưa vào danh sách đen.
Theo chính quyền địa phương, quy định này sẽ “ngăn du khách đi vào các khu vực chưa được khai thác hoặc những khu vực không mở cửa cho công chúng” đồng thời cải thiện việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cứu hộ công cộng.
Dãy núi Hoàng Sơn thu hút nhiều lượt khách ghé thăm mỗi năm. Ảnh: Weibo. |
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể khiến mọi người ngần ngại, đánh cược mạng sống để kêu cứu người khác thay vì chấp nhận trả tiền cho đội cứu nạn.
“Với chính sách mới, có thể xảy ra tình huống ai đó gặp nguy hiểm nhưng vì không muốn thanh toán hóa đơn nên họ vẫn tiếp tục vật lộn và chờ đến phút cuối cùng để kêu cứu, bỏ lỡ 'thời điểm vàng' trong cứu nạn. Nếu không mất tiền, có thể họ sẽ kêu cứu sớm hơn", một người dùng Weibo bình luận.
Hoàng Sơn, được UNESCO công nhận di sản thế giới, được xem là một trong những dãy núi đẹp nhất Trung Quốc và thu hút nhiều khách du lịch.
Mỗi năm, các nhân viên tại khu danh thắng này phải tiến hành hơn 300 hoạt động cứu hộ cứu nạn, trong đó có hàng chục trường hợp là người cố tình vi phạm các quy tắc tham quan.
Khu vực này đã ra quy định thu phí cho các hoạt động cứu hộ cứu nạn và dự kiến mở rộng phạm vi trong kế hoạch mới nhất.
Vào tháng 6/2019, một người đàn ông bị lạc khi đi vào khu vực không còn mở cửa cho du khách. Người này đã trả hơn 3.200 nhân dân tệ (500 USD) phí giải cứu, trở thành khách du lịch mắc kẹt đầu tiên phải trả phí cứu nạn.
Giáo sư He Jianmin, khoa quản lý du lịch tại Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, cho biết ý tưởng này có thể là một cách hợp lý để cân bằng giữa lợi ích cá nhân và nguồn lực công. Ông cho rằng trong nhiều trường hợp, người bất cẩn không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn thiệt hại cho xã hội.
“Vì sự liều lĩnh hoặc những sai sót dại dột trong phán đoán, nhiều du khách buộc đội ngũ nhân viên phải cứu nạn. Chi phí vận hành hoạt động này lại đều đến từ tiền thuế, như vậy là không công bằng với người khác", ông giải thích.
Ngoài ra, ông cũng gợi ý các khu quản lý danh thắng có thể thành lập một quỹ công cộng đặc biệt để giải cứu du khách. Ý tưởng này có thể giảm gánh nặng tài chính cho việc tìm kiếm và cứu nạn tại các điểm du lịch nổi tiếng.