Khu vực phía Nam: Hồ sơ dự thi ĐH tăng nhẹ
Mặc dù số lượng hồ sơ của nhiều tỉnh, thành tại khu vực phía Bắc giảm mạnh nhưng tại phía Nam số lượng hồ sơ lại tăng nhẹ so với mùa tuyển sinh năm 2012.
Vào ngày 5/5 tại Hà Nội và 7/5 tại TP. Hồ Chí Minh các Sở GD – ĐT trên cả nước đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của tỉnh cho các trường có thí sinh có tổ chức thi.
Theo ghi nhận, năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của nhiều tỉnh phía Bắc giảm mạnh, trong khi đó một số tỉnh của phía Nam lại con số này lại tăng hơn so với năm 2012. Ngoài ra, khối A vẫn có tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi nhiều nhất, khối C chưa cải thiện được tình hình và “ngậm ngùi về cuối”. Đặc biệt, đối với các khối ngành kinh tế năm nay cũng có sự thay đổi, phía Bắc vẫn có khá đông các thí sinh đăng ký dự thi, còn phía Nam số lượng giảm rõ rệt.
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi: miền Bắc giảm mạnh, miền Nam tăng nhẹ
Đại diện Sở GD – ĐT tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Long – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp cho biết: “Mùa thi năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 16.000 hồ sơ so với năm 2012”.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, ông Long cho rằng do số lượng học sinh lớp 12 ít hơn năm trước. Mặt khác, quá trình phân luồng học sinh của Sở, trường đã phát huy tác dụng. Những học sinh yếu kém không thi đại học đã chọn học nghề, trung cấp chuyên nghiệp, và phụ huynh cũng ý thức được đại học không phải là con đường duy nhất để con cái vào đời.
Không chỉ tại Thanh Hóa, Sở GD - ĐT Nam Định cũng công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh năm nay giảm gần 10.000 so với năm trước (hơn 43.600 so với hơn 52.200 năm 2012). Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang số lượng hồ sơ đăng ký cùng giảm khoảng 20% so với năm 2012.
Các Sở GD - ĐT phía Bắc giao nhận hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ ngày 5/5. (Ảnh: Quang Thế) |
Tại khu vực phía Nam, ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD – ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng là 48.448, so với năm ngoái chỉ giảm 90 bộ”.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành số lượng hồ sơ vẫn ổn định, thậm chí còn tăng so với mùa thi năm 2012. Ông Ngô Văn Sự, Phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cơ bản ổn định như năm trước với khoảng 165.500 bộ.
Tại Long An, ông Triệu Tất Tứ - đại diện Sở GD – ĐT Long An thông báo năm nay tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng của tỉnh là 27.853 hồ sơ, tăng gần 2000 so với năm 2012. Bà Dương Thanh Nga – đại diện Sở GD – ĐT Bình Dương cũng công bố tổng số hồ sơ năm nay là 15.125 tăng 444 hồ sơ.
Tình hình chung tại các tỉnh cũng cho thấy, khối A vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn: tại Nam Định hơn 50% số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, Đồng Nai 39%, Long An 41,6%. Tương tự như các năm trước, năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi khối C vẫn thấp nhất: tại Đồng Nam chỉ có 3%, Thanh Hóa 8%.
Năm nay, Bộ GD – ĐT vừa công bố quy định mới trong đào tạo liên thông, theo đó những thí sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng muốn học lên đại học chưa đủ 36 tháng vẫn phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới. Theo ghi nhận, số lượng thí sinh này năm nay vẫn còn rất hạn chế: tại Long An toàn tỉnh chỉ có 7 thí sinh, còn Bình Dương con số này chỉ có 4 thí sinh.
Theo đại diện Sở GD – ĐT tỉnh Long An đa số các thí sinh thuộc diện này đang theo học tại ĐH Long An và thi liên thông sang một trường khác, không có thí sinh đã tốt nghiệp ra trường. Hầu hết các em có nhu cầu học liên thông đều đợi đủ 36 tháng mà không tham gia vào kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
Khối ngành kinh tế: phía Bắc giữ “nhiệt”, phía Nam bớt “nóng”
Mặc dù Bộ GD – ĐT đã cảnh báo tình trạng thừa nhân lực trong ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng và hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh trong các ngành này, nhưng thực tế tình hình nộp hồ sơ cho thấy tại các tỉnh phía Bắc, lượng hồ sơ đăng ký vẫn giữ ở mức tương đương so với năm 2012.
Đại diện Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết: “Thí sinh vẫn đăng ký dự thi vào nhóm ngành này với số lượng tương đương năm trước. ĐH Kinh tế quốc dân có gần 7.800 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 1.700 hồ sơ so với năm trước, HV Ngân hàng khoảng 2.800 hồ sơ, bằng năm 2012”.
Tại Thanh Hóa, tỷ lệ này cũng không giảm với 1300 bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH Kinh tế Quốc dân. Tương tự, tại Nam Định, Lào Cai, đại diện các Sở GD – ĐT đều công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế, tài chính vẫn tương đương năm trước.
Bên cạnh đó, một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế giảm so với năm 2012.
Như vậy, tại phía Bắc, top những trường “hút” thí sinh năm nay gồm: ĐH Công Đoàn, Công nghiệp, Bách khoa, Quốc gia, Ngoại ngữ, Thương Mai. Đặc biệt, năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào ngành Sư phạm tăng 5-7%.
Các Sở GD - ĐT phía Nam giao nhận hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ ngày 7/5. (Ảnh: Minh Đức) |
Khu vực phía Nam, theo ghi nhận của phóng viên, đa số các tỉnh đều phản ánh tỷ lệ thí sinh nộp hồ sơ vào các khối ngành kinh tế giảm rõ rệt.
Cụ thể, đại diện Sở GD – ĐT Đồng Nai cho biết: “Lượng hồ sơ đăng ký vào các trường kinh tế, tài chính, ngân hàng đều giảm. ĐH Tài chính TP. HCM năm 2012 có 2422 năm nay chỉ còn 1530 hồ sơ, ĐH Kinh tế TP. HCM giảm 443 hồ sơ".
Vị lãnh đạo này phản ánh: “Năm nay các trường sư phạm kể cả sư phạm kỹ thuật thu hút khá nhiều thí sinh đăng ký. Tiêu biểu ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM 3026 hồ sơ, ĐH Nông lâm 4576 hồ sơ và ĐH Đồng Nai hơn 5000 hồ sơ. Đây là ba trường có tỷ lệ thí sinh đăng ký nhiều nhất của tỉnh”.
Không chỉ riêng Đồng Nai, tại tỉnh Bình Dương, Long An, phóng viên cũng nhận được phản hồi tương tự của đại diện các Sở GD – ĐT.
Như vậy, tại khu vực phía Nam một số ĐH được đông đảo thí sinh đăng ký dự thí đó là: ĐH Nông lâm, Sư phạm, Công nghiệp, Quốc gia và một số ĐH vùng như Thủ Dầu Một (Bình Dương), ĐH Đồng Nai (Đồng Nai).
Cụ thể, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết năm nay trường tiếp nhận khoảng 46.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Công tác phân loại thí sinh theo khối và nhóm ngành của trường dự kiến phải mất 1 tuần mới có thể hoàn tất.
Nhìn chung trên cả nước, “sức nóng” của các khối ngành kinh tế đã giảm, thay vào đó là tỷ lệ khối ngành sư phạm, kỹ thuật, nông lâm tăng, điều đó chứng tỏ các sĩ tử khi chọn trường và định hướng nghề nghiệp tương lai đã lưu ý đến nhu cầu nhân lực của xã hội. Đây là tín hiệu đáng mừng trong vấn đề giải quyết việc làm hiện nay.
An Hoàng
Theo Infonet