Nhiều quốc gia trên thế giới đang lâm vào tình trạng thiếu hụt các món ăn được coi là đặc trưng của nước mình trong mùa hè này như cơm gà, gan ngỗng, xúc xích.
Tình trạng này có thể quan sát được ở mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ, từ các nhà hàng sang trọng cho đến quán xá bình dân, kệ hàng siêu thị, tạp hóa. Nguyên nhân chính vẫn là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này đang gây áp lực lớn lên hàng loạt doanh nghiệp, công ty. Họ hiện lao vào tìm các giải pháp thay thế, giúp việc làm ăn không bị buộc phải dừng lại. Còn người dân đối mặt với một mùa hè kém sôi động khi các buổi tiệc thiếu vắng đi những món nhậu thường thấy.
Khi dịch bệnh qua đi và những buổi tụ tập trở lại, người tham gia lại gặp khó khăn khác: thiếu đi các món nhậu. Ảnh: People. |
Đức kêu gọi người uống trả lại vỏ chai bia
Những người uống bia ở Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu chai, một phần là do cuộc chiến ở Ukraine, nơi cung cấp thủy tinh cho các nhà sản xuất bia.
Stefan Fritsche, người điều hành một nhà máy bia Đức có tuổi đời hàng thế kỷ ở Neuzelle, gần biên giới Ba Lan, đã chứng kiến hóa đơn khí đốt tự nhiên của mình tăng 4 lần, hóa đơn tiền điện tăng 3 lần trong năm qua.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ giá vỏ chai đã bùng nổ. New York Times đưa tin các nhà máy bia ở quốc gia yêu thích rượu bia, vốn đã trả nhiều tiền hơn cho điện và lúa mạch, đang kêu gọi khách hàng trả lại những chai bia rỗng.
Khách hàng sẽ được nhận lại 8 cent euro nếu mang trả lại vỏ chai. Nhưng người tiêu dùng lại không có thói quen mang một vài chai lẻ đến đổi tiền mà thường chất thành đống trong nhà.
Vỏ chai bia ở Đức đang thiếu hụt đến mức người dân được kêu gọi đi trả lại các chai rỗng. Ảnh: DW. |
Holger Eichele, người đứng đầu hiệp hội các nhà sản xuất bia quốc gia Đức, xuất hiện trên sóng truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội để kêu gọi người Đức trả lại những chai bia đã uống hết.
Các nhà sản xuất bia không muốn rơi vào tình cảnh bia đã nấu xong nhưng không có chai để đựng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong mùa hè.
Giá vỏ chai được sản xuất ở Czech, Pháp, Đức đã đạt mức kỷ lục, từ 15 đến 20 cent euro cho mỗi chai. Nguyên nhân đằng sau là việc sản xuất thủy tinh đòi hỏi mức nhiệt khổng lồ và giá năng lượng đã tăng vọt.
Hiệp hội các nhà sản xuất bia Đức cho biết các nhà máy không có hợp đồng cung cấp dài hạn đang chứng kiến mức tăng giá hơn 80% đối với chai thủy tinh mới.
Mỹ khan hiếm bỏng ngô
Khi đại dịch còn trong giai đoạn căng thẳng, các rạp chiếu phim phải đóng cửa, bỏng ngô trở nên dư thừa bởi khán giả không thể tới xem phim.
Song, giờ đây, các rạp chiếu lại đau đầu với bài toán ngược lại: thiếu bỏng ngô.
Việc thiếu hụt các món ăn không thể thiếu của rạp phim xuất phát từ nhiều yếu tố: chi phí phân bón gia tăng, thiếu xe tải vận chuyển hạt ngô và thậm chí cả bao bì đựng bỏng, theo WSJ.
"Nguồn cung bỏng ngô sẽ khan hiếm", Norm Krug, giám đốc điều hành của nhà cung cấp bỏng ngô Preferred Popcorn, cho biết từ hồi tháng 5.
Trái với tình cảnh dư thừa bỏng ngô trong lúc diễn ra dịch bệnh, giờ món ăn đặc trưng của rạp phim đang khó kiếm về mặt nguồn cung. Ảnh: USA Today. |
Ryan Wenke, giám đốc hoạt động tại Nhà hát Pros Inspector ở bang Connecticut, cho biết từ vài tháng trước, nguồn cung dầu hạt cải để sản xuất bỏng ngô đã rất khó để lấy đủ.
"Không phải vì họ không đủ dầu, mà do không đủ keo để đóng hộp những chai dầu", ông Wenke nói.
Việc tìm kiếm đủ vỏ bao bì đựng bỏng cũng ngày càng nan giải. Jeff Benson, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Cinergy Entertainment Group và điều hành 8 rạp chiếu phim ở Mỹ, gọi tình hình là "mớ hỗn độn" vì khan hiếm các túi giấy đựng bỏng.
"Chúng tôi cần có thứ gì đó để cho bỏng ngô vào", Neely Schiefelbein, giám đốc bán hàng của nhà cung cấp nhượng quyền Goldenlink ở Bắc Mỹ, nói tương tự.
Theo ông Krug, vấn đề có thể nghiêm trọng hơn, khi nông dân chuyển sang các loại cây trồng sinh lời hơn và công ty phải trả nhiều tiền hơn để họ chịu trồng cây ngô.
Món ăn đặc trưng của nước Pháp cũng điêu đứng vì tác động bên ngoài. Ảnh: Insider. |
Pháp khủng hoảng gan ngỗng
Foie gras, món ăn được mệnh danh là kim cương nâu của ẩm thực Pháp đang dần biến mất khỏi thực đơn một số nhà hàng bởi một cuộc khủng hoảng chưa từng có tại đất nước hình lục lăng.
Từ cuối năm ngoái, dịch cúm gia cầm bắt đầu hoành hành khắp nước Pháp và châu Âu. Tại Pháp, gần 16 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy để kiểm soát dịch bệnh, theo CNN.
Ngành chăn nuôi bị giáng đòn nặng nề, còn sản lượng gan ngỗng ở Pháp dự kiến giảm tới 50% trong năm nay với 80% cơ sở sản xuất gan ngỗng chịu thiệt hại do dịch bệnh.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng, nhà hàng Le 1862 đang lên kế hoạch sáng tạo những món ăn mới thay thế sự thiếu vắng của món gan ngỗng trong thời gian này. "Năm nay chúng ta sẽ ăn rau nhiều hơn cho đến khi dịch cúm được ngăn chặn", chủ nhà hàng Le 1862 nói với CNN.
Một chuyên gia ẩm thực nhận định rằng có thể các cơ sở sản xuất sẽ cung cấp gan ngỗng theo khẩu phần nhỏ hơn trước đây để đảm bảo nguồn cung không đứt gãy.
Singapore thiếu cơm gà
Trong nhiều thập kỷ, 1/3 lượng gia cầm nhập khẩu Singapore đến từ nước láng giềng Malaysia. Hàng tháng, khoảng 3,6 triệu con gà sống được xuất khẩu sang Singapore. Sau đó, gà được sơ chế và ướp lạnh.
Tuy nhiên, ngày 23/5, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob công bố ngừng xuất khẩu thịt gà sống sang Singapore từ tháng 6. Lệnh cấm là nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt thực phẩm trong nước.
Thiếu đi nguồn cung gà nhập khẩu, món cơm gà nổi tiếng của Singapore gặp khủng hoảng. Ảnh: Stomp. |
Trong khi Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, thành phần chính của thức ăn cho gà, nước này lại đang chìm trong xung đột. Hệ quả là ngũ cốc khan hiếm, giá gà tăng cao trong những tháng gần đây ở Malaysia.
Đến ngày 14/6, chính phủ Malaysia thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu gà sang nước láng giềng. Singapore đã có thể nhập khẩu trở lại gà kampong (một giống gà địa phương) và gà ác.
Tuy vậy, tình hình trước mắt vẫn khó xoay xở. Chủ quán ăn Tian Tian Hainanese Chicken Rice nổi tiếng ở Singapore, cho biết sẽ ngừng phục vụ các món liên quan đến gà nếu không đảm bảo nguồn cung ứng thịt tươi.
Còn ở Nhật Bản, tình trạng khan hiếm xúc xích đang diễn ra sau khi nước này đình chỉ thịt lợn và ngừng nhập khẩu thịt từ Italy vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Một số quán ăn đã phải loại bỏ món ăn phổ biến này ra khỏi thực đơn.