Khủng hoảng tại Credit Suisse nhanh chóng xấu đi sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB), một trong các cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, từ chối mở hầu bao để giải cứu ngân hàng Thụy Sĩ.
Hôm 15/3, khi các khách hàng bắt đầu ồ ạt rút tiền khỏi Credit Suisse, Chủ tịch SNB Ammar Al Khudairy tuyên bố ngân hàng Saudi sẽ không cung cấp thêm tiền để hỗ trợ Credit Suisse, theo Nikkei Asia.
Xâm nhập châu Âu
Ngay sau thông tin SNB từ chối ra tay hỗ trợ, cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ lao dốc không phanh, làm trầm trọng thêm cơn hỗn loạn tại Credit Suisse.
Nhìn vào danh sách cổ đông của Credit Suisse, có thể thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư đến từ Trung Đông.
Ngoài SNB của Saudi sở hữu 9,9% cổ phần, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar (QIA) và Tập đoàn Olayan cũng của Saudi lần lượt nắm 6,9% và 4,9% cổ phần tại Credit Suisse. Như vậy, 3 nhà đầu tư Trung Đông nắm giữ hơn 20% cổ phần tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Credit Suisse đã bị UBS tiếp quản. Ảnh: Reuters. |
Sau khi ngân hàng UBS đồng ý tiếp quản Credit Suisse với tổng giá trị 3,2 tỷ USD, SNB mất 1,2 tỷ USD, tương đương 80% vốn đầu tư tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Bên cạnh thua lỗ từ cổ phiếu nắm giữ, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar mất trắng số trái phiếu AT1. Trước khi Credit Suisse lâm vào khủng hoảng, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar ước tính nắm giữ số trái phiếu AT1 lên đến 4,5 tỷ USD.
Mô hình quỹ đầu tư quốc gia nằm ở trung tâm nỗ lực đa dạng hóa thành phần nền kinh tế của chính phủ các nước Trung Đông. Bên cạnh phát triển công nghệ thông tin và giải trí, củng cố ngành công nghiệp tài chính cũng là một trong các ưu tiên của khu vực vùng Vịnh.
Những nước sản xuất dầu lửa, khí đốt như Saudi hay Qatar coi đầu tư vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ là chìa khóa xâm nhập thị trường tài chính nước ngoài và củng cố khu vực tài chính trong nước.
Thông thường, các nước Trung Đông dựa vào các những ngân hàng đầu tư của Mỹ để quản lý tài sản của họ. Nhưng vài năm qua, Trung Đông tăng cường đầu tư vào các ngân hàng châu Âu bởi dễ tiếp cận hơn và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển khu vực tài chính nội địa.
Trước khi lâm vào khủng hoảng, Credit Suisse từng nhận hỗ trợ từ QIA thông qua đầu tư bổ sung và tiền mua trái phiếu AT1. QIA cũng nắm cổ phần tại ngân hàng Barclays của Anh.
Hoài nghi quanh các quỹ đầu tư nhà nước
Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) là một trong những nhà đầu tư hăng hái nhất xâm nhập thị trường quốc tế. PIF hiện là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng SNB.
Tuy nhiên, việc tiến hành đầu tư thiếu minh bạch, thiếu giám sát từ bên ngoài của PIF cũng gây những quan ngại.
Thái tử Saudi Mohammad bin Salman thường xuyên can thiệp vào danh mục đầu tư của PIF và yêu cầu lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường, một nguồn tin cho biết.
Thời gian đầu đại dịch Covid-19, PIF đầu tư vào một số công ty dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh như Walt Disney hay Carnival. Các khoản đầu tư này đi ngược lại chiến lược đầu tư rủi ro thấp mà các quỹ đầu tư công vẫn tuân thủ.
Thái tử Saudi Mohammad bin Salman. Ảnh: Reuters. |
Thái tử Mohammad cũng được cho là đã hối thúc SNB rót tiền đầu tư vào Credit Suisse nhằm tăng cường hình ảnh quốc tế của SNB cũng như chính phủ Saudi ở châu Âu. Michael Klein, một trong các giám đốc của Credit Suisse, là trung gian thúc đẩy thương vụ này.
Cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu AT1. Thông thường, khi một công ty bên bờ phá sản, vốn chủ sở hữu - tức cổ phiếu - sẽ mất giá trị trước khi tới trái phiếu AT1.
Nhưng kế hoạch giải cứu Credit Suisse của chính phủ Thụy Sĩ xóa sổ toàn bộ giá trị cổ phiếu AT1 đầu tiên, trong khi trả lại một phần nhỏ tiền cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng.
Một số nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của Credit Suisse coi kế hoạch giải cứu có động cơ chính trị nhằm bồi thường phần nào cho các cổ đông lớn đến từ Trung Đông và đang chuẩn bị khởi kiện.
Giới tài chính bảo thủ châu Âu đang ngày càng cảnh giác trước sự trỗi dậy của Saudi Arabia. Trước đó, Saudi đã mua lại câu lạc bộ bóng đá Newcastle tại Anh, đồng thời rót tiền tổ chức giải golf LIV danh tiếng.
Thái tử Mohammad có tham vọng biến PIF trở thành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, một phần thông qua việc bán bớt cổ phiếu tại tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco. Mục tiêu của Riyadh là tăng giá trị tài sản mà PIF quản lý từ 600 tỷ USD hiện nay lên 800 tỷ USD.
Tuy vậy, bởi PIF hoạt động thiếu minh bạch và không được giám sát, các chuyên gia lo sợ quy mô khổng lồ của quỹ này có thể là quả bom nổ chậm cho thị trường toàn cầu trong tương lai.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế