Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng sinh đẻ toàn thế giới, phụ nữ thêm lý do từ chối mang thai

Ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn hoặc từ chối việc sinh con và khẳng định đó hoàn toàn là quyền quyết định của mỗi cá nhân bất chấp những định kiến trong xã hội.

Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Moring Post đề cập đến vấn đề tỷ lệ sinh đang giảm sút đáng kể ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Sarah Fung, một doanh nhân thành đạt người Hong Kong chia sẻ rằng cô thường xuyên nghe những người xung quanh nói về sự tuyệt vời khi được làm mẹ kể từ sau khi quả quyết là sẽ không sinh con.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình phải sinh con như một nghĩa vụ để hoàn thiện cuộc sống”, Sarah – người giờ đây đã bước sang tuổi tứ tuần – nói sau 5 năm kết hôn với chồng người Úc.

“Công việc kinh doanh cho tôi mục đích trong cuộc sống”.

Ty le sinh giam do vo sinh anh 1
Sarah Fung không có ý định sinh con. Ảnh: May Tse.

Fung là người Anh gốc Hong Kong (Trung Quốc), đã trở về quê hương được 13 năm. Người sáng lập Hula (một nền tảng trực tuyến kinh doanh quần áo) nghĩ rằng quyết định có con hay không là quyền của mỗi cá nhân.

Fung tâm sự đôi khi cứ nói rằng bản thân không có khả năng sinh con sẽ dễ dàng hơn việc phải giải thích cho mọi người là cô không muốn điều đó.

“Ở châu Á tồn tại một quan niệm cố hữu là càng sinh nhiều con thì sẽ càng có chỗ nương tựa vững chắc khi về già. Việc con cái phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu đương nhiên là một điều tốt nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên biến nó thành một áp lực”, Sarah Fung chia sẻ.

Fung kể một số người đã sốc khi cô và chồng tuyên bố sẽ không sinh con. Vợ chồng họ cũng không phải là cặp duy nhất có quyết định như vậy.

Ty le sinh giam do vo sinh anh 2
Sarah chưa bao giờ nghĩ rằng cô phải sinh con như một nghĩa vụ để hoàn thiện cuộc sống của mình. Ảnh: May Tse.

Xu hướng trì hoãn hoặc từ chối sinh con

Tỷ lệ sinh đang giảm trên quy mô toàn cầu, bao gồm cả những trường hợp ngoài ý muốn hay tự nguyện. Tại Mỹ, số trẻ sinh năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong suốt 31 năm.

Báo cáo của chính phủ Anh cho thấy tỷ lệ sinh ở Anh và xứ Wales trong cùng năm cũng đạt mức thấp kỷ lục.

Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm ở Liên minh châu Âu, theo dữ liệu của Eurostat. Năm 2017, 5,1 triệu em bé được sinh ra ở EU, ít hơn 90.000 so với năm trước.

Các nước Đông Á cũng đang vật lộn với thực trạng tỷ lệ sinh giảm khi ghi nhận mức thấp kỷ lục ở nhiều quốc gia.

Tại Singapore, số trẻ sinh trong năm 2018 là thấp nhất trong 8 năm trở về trước theo thống kê của chính phủ. Sự suy giảm trong tỷ lệ sinh sản của Hàn Quốc vẫn tiếp tục hạ xuống dưới 1,2 trẻ em trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tại Trung Quốc, nghiên cứu của chính phủ cho thấy tỷ lệ sinh năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nới lỏng chính sách một con vào năm 2014.

Tương tự, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ bắt đầu có những báo cáo thống kê về sinh đẻ.

Paul Yip Siu-fai, giáo sư về Sức khỏe Dân số của Khoa Công tác xã hội và Quản trị xã hội tại Đại học Hong Kong, cho biết một phụ nữ Hong Kong quyết định sinh bao nhiêu con còn phụ thuộc vào điều kiện công việc và khả năng chăm sóc của gia đình họ.

Những lý do khiến tỷ lệ sinh giảm rất đa dạng. Nhiều phụ nữ đang trì hoãn việc có con, thay vào đó họ dành thời gian học đại học, cao học và hoàn thành con đường sự nghiệp.

Những người khác không có con hoặc ít con do tác động của kinh tế và xã hội. Họ bị cản trở bởi chi phí sinh hoạt và nuôi con cao, sự bất ổn trong công việc và thiếu thời gian dành cho gia đình. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh.

Một số người chọn không sinh con vì bị tác động bởi môi trường xung quanh. Các chiến dịch như BirthStrike – một tổ chức bao gồm những người cam kết không có con vì biến đổi khí hậu hay #NoFutureNoChildren đã khởi động trước sự kiện Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9 vừa qua.

Sự kỳ thị của xã hội với các cặp vợ chồng hiếm muộn

Tỷ lệ sinh cao có thể tạo ra sự thiếu hụt tài nguyên. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ sinh quá thấp, các quốc gia có thể không có đủ lao động trẻ để duy trì năng suất.

Một số quốc gia đã đưa ra các chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ có bốn con trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập trọn đời, trong khi Nhật Bản năm nay thực hiện giáo dục mầm non miễn phí.

Theo Bảng dữ liệu dân số thế giới năm 2019, do Cục Tham chiếu Dân số (PRB) công bố, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm nhưng vẫn giữ ở mức 2,4. Điều đó có nghĩa là dân số thế giới đang tiếp tục tăng.

Theo PRB, những nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất là ở Hàn Quốc (1,0), Singapore (1,1) và Đài Loan (1,1).

Bác sĩ Ann Tan, Giám đốc y tế của Trung tâm sinh sản Virtus ở Singapore, người đang giúp các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc thụ thai, cho rằng người châu Á thường bảo thủ và mang nặng định kiến.

“Người ta thường giấu đi việc mình bị vô sinh, tránh né sự thật này bởi sự kỳ thị vẫn tồn tại. Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta đã thấy mọi người cởi mở hơn khi nhắc đến việc này. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng đi xét nghiệm, đặc biệt là sau một năm cố gắng sinh con vô ích”, bác sĩ Tan cho biết.

Ty le sinh giam do vo sinh anh 5
Người ta thường giấu đi việc mình bị vô sinh, tránh né sự thật này bởi sợ bị kỳ thị. Ảnh: Pinterest.

Trước đây, phụ nữ thường bị “gán tội” vô sinh khi một cặp vợ chồng không thể sinh con. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người đã có cách nhìn nhận bình đẳng hơn.

“Một điều thú vị là có nhiều chủ đề giáo dục và những cuộc thảo luận xung quanh khả năng sinh sản cũng như việc hỗ trợ tài chính và chia sẻ với những người gặp khó khăn. Điều này về lâu về dài sẽ có ích trong công cuộc cải thiện tỷ lệ mang thai và ở Singapore”, bà Tan nhận định.

Nữ bác sĩ cho biết thêm, ở Singapore, hầu như những cặp vợ chồng mới cưới đều có con trong vòng ba năm đầu tiên của hôn nhân, nhưng hầu hết đều không biết về các vấn đề sinh sản tiềm ẩn. Điều này đặc biệt quan trọng với xu hướng kết hôn sau này.

Trung tâm sinh sản Virtus ở Singapore thấy rằng nhu cầu của các bệnh nhân trên 40 tuổi đối với các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản (ART) đang gia tăng. Độ tuổi trung bình của phụ nữ tham gia trung tâm điều trị ARV là 37 vào năm 2016; trong năm 2018, đã có hơn 65% số phụ nữ ở độ tuổi 40 đến 45 tìm kiếm phương pháp điều trị ARV từ Virtus.

Vào tháng 8, Singapore đã công bố các biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận và khả năng chi trả các phương pháp điều trị sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Một trong số đó bao gồm xóa bỏ giới hạn độ tuổi điều trị ở tuổi 45.

Bác sĩ Ann Tan nói, trong khi những thay đổi về quy định là một bước đi đúng hướng, chính phủ có thể làm nhiều hơn để cải thiện khả năng sinh sản ở Singapore. Cụ thể, bà Tan đề xuất phổ biến kỹ thuật về phương pháp đông lạnh trứng, điều mà chỉ có các cơ sở y tế được cấp phép có quyền thực hiện.

Phụ nữ từ chối sinh con, chính phủ Singapore phải hỗ trợ tối đa

Chính phủ Singapore tạo nhiều cơ hội để phụ nữ có thể mang thai, nhằm cân bằng tỷ lệ sinh con khá thấp do tâm lý muốn có cuộc sống hoàn hảo mới xây dựng tổ ấm ở đảo quốc sư tử.





Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm