Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng sức khỏe tâm thần gây ra chuỗi bi kịch ở Nhật Bản

Vụ phóng hỏa khiến 24 người thiệt mạng và cái chết của một ngôi sao nhạc pop đang làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần vốn đã âm ỉ lâu nay tại xứ Phù Tang.

Hôm 17/12, một bệnh nhân tại phòng khám tâm thần ở Osaka, miền Tây Nhật Bản, bị buộc tội phóng hỏa khi tham gia buổi tư vấn. Vụ việc khiến 24 người thiệt mạng và 3 người khác, trong đó người bị cáo buộc, trong tình trạng nguy kịch.

Đây là một trong những vụ đốt phá đẫm máu nhất ở Nhật Bản trong vòng 20 năm qua, theo The Washington Post.

Một ngày sau vụ tấn công, nữ diễn viên kiêm ca sĩ Nhật Bản Sayaka Kanda được phát hiện tự sát ở Sapporo, miền Bắc Nhật Bản. Người phụ nữ 35 tuổi này nổi tiếng với vai trò lồng tiếng cho nhân vật Anna trong phiên bản tiếng Nhật của bộ phim Frozen và đang đóng vai chính trong vở nhạc kịch My Fair Lady ở Sapporo.

khung hoang suc khoe tam than o nhat anh 1

Một người đàn ông cầu nguyện trước hiện trường vụ hỏa hoạn khiến 24 người thiệt mạng ở Osaka hôm 17/12. Ảnh: Reuters.

Hai vụ việc kể trên đã làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại đất nước mặt trời mọc. Các chuyên gia cho rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự cô lập và lo lắng trong thời gian dịch bệnh.

Cô lập thay vì giúp đỡ

Masako Kageyama, chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Đại học Osaka, cho rằng hỗ trợ giáo dục sức khỏe tâm thần và bệnh nhân tâm thần ở Nhật Bản còn rất chậm so với các nước phương Tây.

Theo chuyên gia, khi nhiều quốc gia khác đã hướng tới chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và sử dụng các liệu pháp mới, Nhật Bản còn quá phụ thuộc vào các bệnh viện, tổ chức xã hội.

Điều này khiến những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường bị cô lập nhiều hơn là giúp đỡ.

"Không có đủ sự hỗ trợ từ cộng đồng. Về cơ bản vẫn còn định kiến ​​xã hội mạnh mẽ khiến việc chấp nhận những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trở nên khó khăn", bà Kageyama nói.

khung hoang suc khoe tam than o nhat anh 2

Hiện trường vụ phóng hỏa ở Osaka hôm 17/12. Ảnh: Reuters.

Những bi kịch nối tiếp trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo. Các tổ chức, cá nhân ủng hộ nâng cao sức khỏe tâm thần đang tìm cách chống lại phản ứng dữ dội đối với người bị nghi là kẻ đốt phá và ngăn chặn những vụ tự tử.

Tổ chức phi lợi nhuận Anata no Ibasho (A Place for You) đã yêu cầu các hãng tin tức tránh đưa tin chi tiết về vụ tự sát.

"Đối với những người đang cảm thấy đau khổ khi thấy các phương tiện truyền thông đưa tin về người nổi tiếng, xin hãy nhanh chóng quay lưng lại với tin tức tiêu cực. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ. Xin đừng ngần ngại và liên hệ với chúng tôi", tổ chức kêu gọi.

Về vụ phỏng hỏa, Anata no Ibasho cho biết: "Chúng tôi đang thấy một số phản ứng dữ dội đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề và họ không phải là 'những người điên'".

Khủng hoảng trước và sau đại dịch

Tỷ lệ tự tử ở phụ nữ và thanh niên đã tăng lên đáng kể ở Nhật Bản và các nước láng giềng như Hàn Quốc kể từ năm 2020. Điều này cho thấy tác động mạnh mẽ của đại dịch.

Nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người từ 15 đến 39 tuổi ở xứ sở hoa anh đào là tự tử.

Năm 2020, 21.081 người chết do tự tử, tăng 4,5% so với năm 2019. Các vụ tự tử ở phụ nữ, đặc biệt là những người làm công việc bán thời gian, liên tục tăng trong khi số vụ tự tử ở nam giới có xu hướng giảm, theo nghiên cứu của Bộ Y tế Nhật Bản công bố tháng 11/2021.

Jun Tachibana, đại diện của Bond Project, dự án tập trung ngăn ngừa tự tử ở phụ nữ trẻ, cảnh báo về sự cô lập, lo lắng và trầm cảm ngày càng tăng do các hạn chế của đại dịch và kêu gọi gia đình, bạn bè thường xuyên liên lạc với nhau.

khung hoang suc khoe tam than o nhat anh 3

Người phụ nữ cầu nguyện tại nơi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ phóng hỏa xưởng phim hoạt hình ở Kyoto vào tháng 7/2019. Ảnh: AP.

"Khi một nhân vật có tầm ảnh hưởng qua đời, sự hoang mang, nỗi buồn mà nó mang lại cho người hâm mộ là rất lớn. Những gì chúng ta có thể làm là liên tục cẩn thận và quan sát bất kỳ thay đổi nào ở những người xung quanh và tiếp cận họ trước khi quá muộn", bà Tachibana nói.

Vụ tấn công hôm 17/12 nhằm vào phòng khám tâm thần ở trung tâm thành phố Osaka là sự việc mới nhất trong hàng loạt vụ đốt phá những tháng gần đây.

Hồi tháng 10, một người đàn ông hóa trang thành nhân vật phản diện trong truyện tranh Joker đã phóng hỏa một toa tàu điện ngầm ở Tokyo và làm ít nhất 17 hành khách bị thương.

Tháng 11, một người đàn ông đã bị bắt vì tình nghi cố gắng đốt phá đoàn tàu cao tốc ở Kyushu, miền Nam Nhật Bản. Nghi phạm khai rằng muốn bắt chước vụ tấn công hồi tháng 10.

Hiện tượng johatsu, những người Nhật đột ngột biến mất

"Tôi chán ngấy mối quan hệ giữa con người với nhau. Vì vậy, tôi đã biến mất cùng chiếc vali nhỏ", một "johatsu" 42 tuổi cho biết.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm