Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khương Ngọc: 'Tham gia truyền hình thực tế thì được gì?'  

Trần Tướng Quân của phim "Thiên mệnh anh hùng" cho biết anh không cần phải hâm nóng tên tuổi bằng cách tham gia các chương trình truyền hình đang làm mưa làm gió hiện nay.

Khương Ngọc: 'Tham gia truyền hình thực tế thì được gì?'  

Trần Tướng Quân của phim "Thiên mệnh anh hùng" cho biết anh không cần phải hâm nóng tên tuổi bằng cách tham gia các chương trình truyền hình đang làm mưa làm gió hiện nay.

>> Huỳnh Đông - Khương Ngọc làm dậy sóng 'Thiên mệnh anh hùng'
>> Khương Ngọc: 'Bịt mũi để biết thở bình thường'
>> Khương Ngọc 'nịnh' ba mỹ nhân nhạc Việt

Khương Ngọc.

- Anh có nhận được lời mời của BTC chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" mùa này không? Nhiều khán giả đã tin chắc anh sẽ phải tham gia, vì năm qua anh đã có vai diễn khá ấn tượng trong "Thiên mệnh anh hùng".

- Tôi nghĩ chúng ta nên rạch ròi mọi chuyện với nhau. Chuyện tôi gây ấn tượng với khán giả điện ảnh thì không có nghĩa nhà tổ chức sẽ phải có trách nhiệm mời tôi. Tôi nghĩ là “không mợ thì chợ vẫn đông” thôi mà!

- Khương Ngọc chắc phải “hấp dẫn” hơn Huỳnh Đông chứ?

- Mọi sự so sánh đều là khập khiễng và đừng so sánh như vậy, rất tội nghiệp cho cả hai chúng tôi. Bản thân mình thì chủ quan nghĩ mình OK, nhưng ban tổ chức lại không nghĩ OK, nên mình phải chịu thôi. Còn Huỳnh Đông đã là vai chính trong một bộ phim điện ảnh, được mời là đương nhiên.

- Nhưng xét về cá tính, Huỳnh Đông bị nhận xét là nhạt, trong khi đó anh có vẻ thu hút nhiều hơn?

- Đó là quan điểm chủ quan của bạn. Tôi biết Đông có những khán giả của Đông. Bạn thích sự lạnh lùng, khùng khùng điên của tôi nhưng cũng có khán giả “say đắm” sự hiền hiền lành lành của Huỳnh Đông. Còn nếu tự giả sử đặt mình vào vai trò của BTC thì tôi chủ quan nghĩ rằng, lúc nào cũng có 2 phe đối lập rõ ràng. Một phe khoảng năm người theo dự tính sẽ là những người sẽ bị loại sớm. Phe còn lại 3 người sẽ là một ít người nổi bật hơn tất cả. Còn lại là những người dao động, có khả năng gây đột biến. Đó là tiêu chí lựa chọn thí sinh của bất cứ cuộc thi nào, để khán giả đỡ phải lăn tăn, để ban giám khảo nếu có chấm ai đó rớt, thì khán giả cũng không phải phẫn nộ.

- Nếu năm sau có lời mời, anh có tham gia?

- Tại sao chúng ta lại đặt cho nhau những câu hỏi xa xôi và ngoài tầm kiểm soát của mình như vậy nhỉ? Nếu chúng ta thể hiện một sự nhiệt tình thái quá thì cũng sẽ có người nói là “muốn ăn nhưng không được nên chê ỏng chê eo”. Cũng khó lắm!

- Thời gian sau này, các ngôi sao đua nhau tham gia các chương trình truyền hình, cũng có thể xem là cách để họ hâm nóng tên tuổi. Anh có suy nghĩ tương tự?

- Tôi không thích hâm nóng kiểu đó đâu. Tôi đâu quá ngồi yên đến nỗi phải làm việc này, và nếu có nhu cầu hâm nóng tên tuổi chắc cũng không chỉ có mỗi cách tham gia gameshow. Tôi cũng tự hỏi tham gia truyền hình thực tế thì nó sẽ được gì? Tôi không nghĩ cho người ta xem mặt mình nhiều là cách hâm nóng tên tuổi.

- Nhưng anh cũng phải công nhận sự hiệu quả của nó, khi ngoài việc xuất hiện trên TV hàng tuần, các ngôi sao này còn bỗng dưng được báo chí chăm sóc rất kỹ?

- Chưa chắc. Tôi thấy có những game theo format nước ngoài có nội dung rất hay, nhưng về Việt Nam thì là chuyện khác, nên thu hút sự quan tâm thì có, nhưng theo chiều nào thì vẫn phải xem lại. Đây là cách gây sự chú ý, chứ không phải hâm nóng tên tuổi. Tôi nói ví dụ, khi nhắc đến một ca sĩ A người ta nói ngay: “Ôi! Ca sĩ này thi gameshow nọ”, nói đến một diễn viên B là nghĩ ngay đến cô ấy từng tham gia chương trình truyền hình thực tế kia, thay vì nhắc đến những sản phẩm nghề nghiệp, thì có đáng gọi là hâm nóng tên tuổi không? Tôi không đả kích chuyện “đá sân” của ngôi sao, nhưng chí ít cũng phải làm để khán giả khi nhắc đến tên của mình cũng phải nhớ đến một sản phẩm liên quan đến chuyên môn, chứ ngày nào cũng xuất hiện trên TV thì giải quyết được cái gì?

- Vậy nếu khán giả thấy Khương Ngọc một ngày đẹp trời cũng góp mặt trong chương trình truyền hình thực tế, thì anh tham gia vì điều gì?

- Vì tôi cảm thấy thú vị về chương trình đó, thấy nó có gì đó kích thích mình, làm mình có hứng. Còn nếu tham gia với tâm thế “xìu xìu, ểnh ểnh”, rồi vô như là bị “mất sổ gạo” thì cái gì cũng không được chứ đừng nói đến việc hâm nóng tên tuổi. Khi làm việc gì mà với toan tính mục đích A, B, C nào đó thì không bao giờ làm được!

"Trần Tướng quân là vai diễn đỉnh cao trong quá trình hoạt động nghệ thuật của tôi".

- Anh có hài lòng với vai diễn của mình trong "Thiên mệnh anh hùng"?

- Tôi rất hài lòng, không chỉ với sức làm việc của riêng mình, mà còn với cả tập thể đó. Mọi người sẽ không bao giờ thấy được hoàn cảnh làm việc của chúng tôi đâu.

Tôi cũng có điều này muốn nói thẳng với khán giả, tôi đã từng ngồi trong rạp một mình, và đã nghe các bạn nói: “Coi nè, coi nè, chuẩn bị cười nè”, xong rồi cả đám cười hí hí, mà tôi không hề thấy những chỗ đó có gì mắc cười cả. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ ngộ lắm. Nếu như các bạn thấy có thể đem một sản phẩm ra làm trò đùa, để mọi người có thể cười cợt nhau, có thể đem ra làm chuyện phiếm, thì mọi người nên chọn những bộ phim nào đó, chứ đừng nên cười đùa trên sản phẩm của cả một tập thể mà người ta đã cố gắng đem đến.

- Thái độ đón nhận của khán giả đang là điều làm anh bức xúc sao?

- Tôi thay mặt tất cả mọi người trong đoàn làm phim nói đây là một dấu ấn, hoàn toàn chính xác là một bước ngoặt của dòng phim dã sử cổ trang tại Việt Nam. Vậy tại sao các bạn không đón nhận? Những người trẻ, có trình độ mà thể hiện trình độ của mình ở chỗ cười hí hí trên công sức của người khác hay sao? Nó có gì vui và thoải mái hay không? Và sau khi các bạn cười như thế thì có cảm giác như thế nào? Tôi nói một số người thôi, họ lúc nào cũng “Ủa sao kì vậy? Cái cảnh này bị làm sao vậy? Hồi xưa mà có cái này hả?”. Mọi người chỉ chờ chực vào một tình tiết nào đó làm họ cảm thấy chướng tai gai mắt là bắt lỗi.

Khi làm việc gì đó, người ta không hề soi xét kĩ vào vấn đề, mà mọi người cứ nghĩ mình giỏi và bắt đầu phán xét. Có một nhà báo nữ từng nói với tôi là “Không biết nấu phở thì vẫn có quyền biết phở ngon hay dở”, và tôi xin nhắn lời nhà báo đó nên suy nghĩ kĩ lại lời nói của mình. Không biết người này đã suy nghĩ kĩ chưa khi phát biểu câu đó. Cô biết nấu như thế nào cho đúng, biết nó có gia vị gì mà biết đánh giá là ngon hay dở? Nói như cô ấy thì cớ gì một chương trình truyền hình thực tế về nấu ăn ở nước ngoài lại mời 3 thiên tài ẩm thực trên thế giới làm giám khảo? Nếu người bình thường nói tôi không trách, nhưng là người làm công tác truyền thông mà nói ra câu đó, tôi hơi bị giật mình, rồi tôi im lặng. Giờ tôi nói ra ở đây thì người đó sẽ tự khắc biết.

- Nhưng nhìn chung, "Thiên mệnh anh hùng" vẫn được ghi nhận đó chứ?

- Tôi không nói đây là một tác phẩm xuất sắc, tất nhiên đó cũng không phải là một sản phẩm dở. Và trên đó là sự hy sinh lao động, về sự khó khăn có thể nói là xếp hàng thứ nhất, hoặc thứ nhì trong các bộ phim mà tôi từng tham gia. Mọi người nên nhớ đây là một bộ phim cổ trang, có bay nhảy, diễn viên bị té, bị đánh đập, rớt xuống sông xuống suối bao nhiêu lần. Tôi không bao giờ đòi hỏi sự thương hại hay thông cảm. Tôi chỉ mong một số ít khán giả khi nhìn nhận bất cứ điều gì thì hãy nên soi xét kĩ lưỡng.

- Đây có thể xem là đỉnh cao trong quãng đường hoặt động nghệ thuật của anh chưa?

- Đúng. Vai diễn này tập hợp rất nhiều kĩ năng mà tôi phải tập trung cố gắng rèn luyện mới có thể thực hiện được, như trong cùng một lúc phải vừa bay, vừa sử dụng binh khí, vừa đánh nhau, rồi vừa phải thể hiện được cái hồn của nhân vật, trong điều kiện quay vô cùng khó khăn, những điều này đòi hỏi mình phải tập trung rất cao độ. Huỳnh Đông may mắn hơn tôi nhiều, vì cậu ấy không hề bị tôi gây ra bất cứ chấn thương nào. Và tôi cảm thấy mừng vì chuyện đó, vì ít nhất là mình không gây hại cho bạn diễn.

Cho dù mọi người có khen chê gì đi chăng nữa, thì tôi vẫn cho rằng đó là một tác phẩm hay, và mọi người đã làm được một bộ phim như vậy là quá hay, và tôi rất nể phục ê kíp làm việc đó.

- Những lời anh nói nãy giờ có thể đụng chạm đến rất nhiều người đấy?

- Hồi trước đến giờ tôi chưa từng thể hiện thái độ gay gắt như thế này. Đôi lúc tôi nói ra đây chưa chắc mọi người sẽ đồng tình, có những người người ta nghĩ mình giỏi, bản lĩnh nên phản đối, “có tật giật mình” thì có quyền, mà tôi cứ thích nói vậy đó. Đây là một sản phẩm của tôi và tôi có quyền nói, chứ không phải kiểu diễn viên làm phim xong rồi lại lên báo nói: “Từ đầu tôi đã không muốn làm như vậy. Từ đầu tôi đã không muốn tham gia phim này, nên bây giờ tôi thấy hơi buồn”. Sao hèn nhát quá vậy? Cho dù trong Long Ruồi, vai tôi bị cắt 2/3 phân đoạn đi chăng nữa tôi vẫn thấy hãnh diện về nó, tôi không bao giờ quay lưng với sản phẩm của mình.

- Sau khi đã có vai diễn quá ấn tượng này, anh có khó tính hơn trong việc lựa chọn kịch bản?

- Không, tôi chỉ thích tìm sự thay đổi, chứ không có quyền lựa chọn kịch bản. Thứ nhất, tôi chưa từng viết kịch bản. Thứ hai là tôi chưa giỏi, chưa đủ trình độ để biết rằng kịch bản đó hay hay dở. Nếu nói đến sự lựa chọn này cũng là đụng chạm đến những người làm công việc này, vì tôi biết cái cảm giác làm ra một sản phẩm bị người khác chê như thế nào.

Nếu tôi cảm thấy vai diễn này mới lạ, và người đạo diễn đồng tình rằng tôi sẽ làm được tốt nhất cho vai diễn, thì tôi làm. Còn nếu mời tôi làm một việc mà hàng trăm người khác làm cũng được, thì tôi sẵn sàng nhường lại cơ hội đó cho bất kỳ ai.

- Anh không sợ có người soán ngôi của mình?

- Phải để cho người khác tỏa sáng để cho bầu trời này có nhiều ngôi sao chứ. Bầu trời có một ngôi sao thì ai biết anh là ngôi sao hay chỉ là một cục đất? Cho dù có tranh đua, đánh đấm, lăn lộn, gào thét, khóc kêu, mà vị trí đó không là của mình, thì nó sẽ không bao giờ là của mình. Và với những người đó, họ sẽ không bao giờ hài lòng với những gì mình có mà luôn muốn cào cấu một vị trí cao hơn. Họ không bao giờ biết nhìn lại để xem mình đã đi bao xa. Tới một ngày nào đó, họ nhìn lại rồi mới biết cuộc sống rất cô đơn, mệt mỏi, và không biết mình sinh ra để làm gì mà phải chạy mệt mỏi như một con thú hoang, rồi cuối cùng phát hiện mình nằm trong một cái cũi, như một con vật cảnh cho người ta ngắm nhìn, làm trò cười cho thiên hạ. Cứ tưởng mình đang sống mạnh mẽ, tự do trong hoang dã, nhưng cuối cùng cũng chỉ ở trong một vườn cây kiểng, và để người khác phải cười với mỗi bước đi, mỗi động thái của họ.

- Còn anh thì đang sống trong hoang dã?

- Tôi không tự nhận mình là hoang dã, tất nhiên cũng không xem mình là vật nuôi cây cảnh. Tôi chỉ cảm thấy vui vì mình sống được cho bản thân, cho những người mình yêu thương và làm những gì mình thích. 

- Chỉ làm những gì mình thích, nên đến hiện tại Khương Ngọc vẫn chưa có xe hơi, vẫn chưa xài đồ hiệu như những người khác?

- Tôi xin chúc mừng những người đó. Đó cũng là một suy nghĩ rất hay, người ta cũng có mục đích là đi làm để kiếm tiền và trang bị cho vẻ bề ngoài. Nhưng đến một ngày nào đó nó cũng sẽ hư thôi!

Tôi không bị áp lực phải se sua đồ đạc, chưng diện xe cộ, nhà cửa nên cũng không phải chạy đi kiếm tiền. Tôi cũng không có nhu cầu phải tham gia một chương trình truyền hình để đánh bóng tên tuổi.

 PHƯƠNG GIANG

Theo Infonet.vn 

 PHƯƠNG GIANG

Theo Infonet.vn 

Bạn có thể quan tâm