Nếu khách hàng khác mua các lô đất với giá cao hơn, nhóm Tuấn sẽ tìm cách trả giá cao bất thường nhằm mục đích phá hoại để doanh nghiệp buộc phải mở phiên đấu giá lại.
Kế hoạch phá hoại nếu người khác trả giá cao hơn
Như Tiền Phong đưa tin dự kiến ngày 6/3 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử các bị cáo: Phạm Ngọc Tuấn (SN 1991); Ngô Văn Dương (SN 1994); Nguyễn Thị Quỳnh Liên (SN 1981); Nguyễn Thế Trung (SN 1994); Nguyễn Thế Quân (SN 1994), đều ở Hà Nội và Nguyễn Đức Thành (SN 1992) ở tỉnh Bắc Ninh về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" theo quy định tại khoản 2, Điều 218 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù giam.
Phiên tòa được xét xử lưu động tại Hội trường UBND xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, nhằm cảnh báo, răn đe và phòng ngừa chung những hành vi vi phạm pháp luật tương tự.
Vụ án xuất phát từ ngày 30/11/2024, khi Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn và UBND huyện này có văn bản gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi "thông đồng" nâng giá cao bất thường trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến.
![]() |
Khu đất đấu giá tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. |
Quá trình điều tra, Viện kiểm sát xác định ngày 4/11/2024, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Đông Lai, với 58 thửa có diện tích 90-224 m2, giá khởi điểm từ hơn 20,4 triệu đồng/m2, tiền đặt cọc 44-111 triệu đồng cho mỗi thửa đất.
Để tiến hành đấu giá, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã ký hợp đồng dịch vụ với Công ty đấu giá hợp doanh Thanh Xuân (Công ty đấu giá Thanh Xuân) để doanh nghiệp xây dựng hồ sơ, quy chế đấu giá.
Biết việc này, bị cáo Phạm Ngọc Tuấn rủ Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thị Quỳnh Liên, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân, cùng góp tiền, đứng tên đăng ký hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất; Dương chịu trách nhiệm lập nhóm có tên “Đấu Giá” để trao đổi thông tin.
Ngày 26/11/2024, Phạm Ngọc Tuấn mua 58 bộ hồ sơ đấu giá do Công ty đấu giá Thanh Xuân phát hành với giá 200.000 đồng/bộ rồi hướng dẫn đồng phạm hoàn thiện.
Theo Viện kiểm sát, nhóm đã phân chia cho Thành đăng ký 15 hồ sơ; Trung đăng ký 5 hồ sơ; Dương đăng ký 15 hồ sơ; Tuấn đăng ký 10 hồ sơ; Liên đăng ký 8 hồ sơ và Quân đăng ký 5 bộ hồ sơ.
Theo quy định, khách hàng đăng ký phải đặt cọc bằng 20% giá trị thửa đất, nên nhóm bị cáo gom hơn 3,6 tỷ đồng nộp đến tài khoản của Công ty đấu giá Thanh Xuân.
Viện kiểm sát cho rằng do có kinh nghiệm trong thẩm định, đấu giá đất, bị cáo Tuấn tìm thông tin 58 thửa đất xác định giá trị và giá tối đa cần trả của từng thửa, nghiên cứu quy chế đấu giá và các quy định pháp luật về đấu giá. Sau đó, Tuấn soạn thảo bảng thống kê thông tin chi tiết 58 thửa đất, tên 6 người đăng ký từng thửa, giá tối đa cần trả… Theo cách tính của Tuấn, thì giá có thể mua các thửa thấp nhất là 23,4 triệu đồng/m2, cao nhất 32,4 triệu đồng/m2.
Ngày 26/11/2024, nhóm đối tượng hẹn gặp nhau tại quận Long Biên để Tuấn hướng dẫn cách thức tham gia đấu giá.
Tại buổi gặp, Tuấn "phổ biến" từ vòng 1 đến vòng 3 cả nhóm sẽ trả mức giá bình thường; đến vòng thứ 4 nếu người khác trả giá cao nhất nhưng dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính, thì nhóm của Tuấn mới tham gia đấu giá tiếp nhưng không được vượt giá Tuấn đã ấn định cho từng thửa.
Nếu vòng thứ 4 có người trả vượt mức giá tối đa do Tuấn ấn định, thì nhóm Tuấn sẽ trả "cao bất thường" tại vòng 5.
Như vậy, đến vòng thứ 6 thì tất cả đều ghi "không tiếp tục trả giá", để nhằm mục đích "phá hoại cuộc đấu giá".
Cáo trạng xác định với cách thức như trên sẽ làm phiên đấu giá "không thành công" mà vẫn không vi phạm quy chế, không bị mất tiền cọc, buộc việc đấu giá dừng và tổ chức cuộc sau.
Gây thiệt hại cho hàng trăm khách hàng
Đến ngày 29/11/2024, nhóm Tuấn đi ôtô đến Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn để đấu giá.
Khi cuộc đấu giá bắt đầu, như bàn bạc trước đó, từ vòng 1 đến vòng 3 của từng thửa đất, nhóm Tuấn làm theo trình tự, trả theo mức Tuấn ấn định.
Kết quả đấu giá ở vòng thứ 3 cho thấy những người tham gia đấu giá khác trả vượt mức tối đa mà Tuấn ấn định nên trong thời gian kiểm duyệt phiếu ở vòng 4, nhóm Tuấn hẹn nhau ra khu vực nhà vệ sinh trao đổi, bàn bạc cách thức trả vòng thứ 5. Cụ thể, các đối tượng thống nhất tất cả sẽ không tham gia đấu giá 22 thửa đất mà chỉ tham gia 36 thửa với cách thức ra giá cao 100-200 triệu đồng/m2; riêng Tuấn sẽ ra giá "đột biến" 30 tỷ đồng/m2; đến vòng thứ 6 (vòng cuối cùng) cả nhóm sẽ không tiếp tục trả giá.
Sau khi đấu giá viên công bố kết quả ở vòng 5, do nhóm Tuấn trả cao bất thường, nên nhiều khách hàng chửi bới, gây mất an ninh trật tự tại khu vực đấu giá vì cho rằng có người "phá hoại".
![]() |
Nhóm bị cáo trong vụ án. |
Đến vòng thứ 6, do các đối tượng không trả giá nên phiên đấu giá không thành công.
Kết thúc phiên, Công ty đấu giá Thanh Xuân có văn bản gửi Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn báo cáo quá trình thực hiện, kết quả đấu giá 58 thửa đất, trong đó có 22 thửa được đấu thành công với giá trúng thấp nhất 29,8 triệu/m2, cao nhất 50,4 triệu/m2; 36 thửa còn lại không thành công do các đối tượng trả cao ở vòng 5 nhưng không trả ở vòng 6.
Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn có công văn đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng.
Đối với nhóm của Tuấn, sau phiên đấu giá thấy cơ quan báo chí đưa nhiều tin bài đã cùng nhau xóa các tin nhắn trao đổi, tiêu hủy chứng cứ.
Ngày 2/12/2024, thấy không thể thoát tội, hai bị cáo Ngô Văn Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên ra đầu thú. Các đối tượng còn lại liền bị bắt giữ khẩn cấp, tại cơ quan điều tra, cả nhóm thừa nhận hành vi phạm tội.
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật gồm nhiều điện thoại di động, máy tính và giấy tờ liên quan đến 58 thửa đất.
Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định hành vi của nhóm bị cáo gây thiệt hại cho Công ty đấu giá Thanh Xuân hơn 250 triệu đồng; khoảng 230 khách hàng mua hồ sơ tham gia đấu giá cũng thiệt hại hơn 165 triệu đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam" cung cấp những quan điểm khoa học pháp lý về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch, từ đó đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật, góp phần phát triển thị trường bất động sản du lịch.