Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kịch 'Giấc mơ' - điểm sáng của sân khấu TP.HCM

Vở kịch thể nghiệm của sân khấu 5B mới ra mắt là tâm huyết của một ê-kíp nghệ sĩ sáng tạo và yêu nghề.

Hơn một năm qua, nhà hát sân khấu nhỏ 5B ngưng hoạt động vì sửa chữa. Không có điểm diễn nhưng các nghệ sĩ không vì thế từ bỏ đam mê. Vở kịch Giấc mơ mới công diễn tối 26/10 tại nhà hát TP.HCM đã thể hiện khá trọn vẹn tâm huyết với nghệ thuật của họ.

Giấc mơ được nghệ sĩ trẻ Thái Kim Tùng dàn dựng theo hình thức kịch thể nghiệm. Đây là phong cách kịch hiện đại, còn khá mới mẻ với khán giả Việt Nam. Nó là sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa đương đại, tuồng cổ, cải lương...

Kịch Giấc mơ Trích đoạn kịch Giấc mơ - đạo diễn Thái Kim Tùng

Kết hợp hài hòa các loại hình nghệ thuật trong vở diễn

Vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của nhà thơ Nguyễn Đình Thi chỉ gói gọn trong 1 tiếng 15 phút nhưng đọng lại nơi người xem nhiều cảm xúc về hình ảnh người lính, tình yêu quê hương đất nước. Và hơn cả là sự nhiệt huyết và cháy hết mình của các nghệ sĩ.

Kich Giac mo anh 1
Trung Dũng và Mỹ Uyên trong một phân cảnh.

Nội dung kịch kể về hành trình trong hư tưởng của người chiến sĩ tử trận (Lê Vinh). Thần Chết (Bạch Long) xuất hiện để bắt hồn người chiến sĩ (Trung Dũng). Với tinh thần mạnh mẽ, bất khuất, người lính không dễ dàng đầu hàng trước sự đe dọa của Thần Chết cùng lưỡi hái tử thần uy lực.

Có lúc tưởng như phải đầu hàng số phận thì tiếng gọi của yêu thương từ gia đình, đồng đội, quê hương đã tiếp thêm sức mạnh cho anh. Chính khát vọng được sống và được cống hiến cho mọi người đã thuyết phục được Thần Chết.

Khai thác đề tài về người lính, tình yêu quê hương đất nước là thử thách với đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng. Nếu làm không khéo, kịch sẽ bị khô khan, lên gân hoặc ca ngợi một chiều. Tuy nhiên, mọi lo lắng, nghi ngại được tháo gỡ qua từng lớp diễn. Đạo diễn trẻ đưa người xem đến với cuộc chiến căng thẳng giữa linh hồn người lính và thần chết bằng cách thể hiện ước lệ nhưng gần gũi.

Không cần cảnh trí, sân khấu mộc hoàn toàn chỉ còn là cuộc chơi của kỹ năng diễn xuất, cảm xúc kết hợp với ánh sáng, âm nhạc.  Điều thú vị là không gian vở diễn được thay đổi liên tục bằng chính khả năng của diễn viên. Họ có thể tái hiện hình ảnh những bà mẹ khắc khoải ôm con trong bom đạn hay bức tường vạn lý trường thành, hình ảnh quê hương thân thương…

Ánh sáng, âm nhạc trong vở kịch hỗ trợ hiệu quả diễn viên thể hiện cảm xúc. Chẳng hạn, tiếng trống dồn dập theo từng cung bậc khác nhau mỗi khi linh hồn anh lính đối diện với Thần Chết khiến người xem cảm giác hồi hộp về giây phút sự sống và cái chết đang cận kề. Vì vậy sân khấu Giấc mơ mộc nhưng vẫn sinh động.

Kich Giac mo anh 2
Nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp trong Giấc mơ.

Ấn tượng với bàn tay dàn dựng của đạo diễn của Thái Kim Tùng còn là sự kết hợp các loại hình nghệ thuật trong Giấc mơ vừa đủ. Kịch nói, múa đương đại, tuồng cổ, cải lương… hòa quyện, hợp lý.

Khi cần tái hiện hình ảnh đất nước, quê hương thương đau, cảnh nữ hoàng Ai Cập với Thần chết, anh dùng múa hiện đại. Khi thể hiện sự uy nghi, sức mạnh của Thần Chết anh sử dụng tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng… Chính sự kết hợp uyển chuyển này giúp vở diễn thêm sức gợi.

Nghệ sĩ Bạch Long xuất sắc trong vai Thần chết

Để có một Giấc mơ tròn trịa, chạm đến trái tim người xem yếu tố qua trọng là dàn diễn viên yêu nghề và đầy nhiệt huyết. Lâu nay sân khấu TP.HCM thường vướng cảnh diễn viên chạy show, ít có thời gian tập trước khi vở công diễn. Ngay ngày phúc khảo, diễn viên còn chưa thuộc thoại.

Còn với ê-kíp của NSƯT Mỹ Uyên, họ đã tập luyện hàng nghìn giờ, ròng rã mấy tháng. Điều dễ nhận thấy, ngay đêm mở màn họ đã có sự hòa quyện đến từng chi tiết, cảm xúc tròn đầy. Và vì thế trong buổi công diễn, khán giả dễ nhận ra giọng diễn viên bị khan. Trung Dũng khi hát một câu cải lương không thể lên cao.

Kich Giac mo anh 3
Nghệ sĩ Bạch Long trong vai Thần Chết.

Các diễn viên trẻ như Lê Vinh, Thu Hiền chứng tỏ thực lực trong vở diễn đòi hỏi quá nhiều kỹ năng. Còn Trung Dũng, Mỹ Uyên, Bạch Long lại thêm một lần nữa khẳng định "gừng càng già càng cay".

Anh trai NSƯT Thành Lộc đã hóa thân thành một gã thần chết đáng sợ nhưng không đáng ghét bằng giọng nói nhấn nhá, điệu bộ của con nhà nòi diễn Hồ Quảng. Nhân vật của anh cũng góp phần làm không khí vở diễn nhẹ nhàng hơn bằng những câu thoại hài hước.

Có thể nói Giấc mơ là vở kịch tròn trịa, điểm nhấn đáng tự hào của làng kịch Sài Gòn. Vở diễn sẽ tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội vào tháng 11 này.

Anh trai Thành Lộc không vợ con, ở nhà thuê

Từ lúc lọt lòng đã được gửi cho người khác nuôi, phải gọi cha mẹ bằng anh chị, số kiếp lang bạt đã vận vào cuộc đời và sự nghiệp Bạch Long khiến anh trở thành kẻ "ở trọ trần gian".

Bài & Video: Bích Hằng

Ảnh: Nguyễn Thành

Bạn có thể quan tâm