Hơn 15h ngày chủ nhật, tại không gian ngoài trời của một quán cà phê bên cạnh Bưu điện Trung tâm Sài Gòn (quận 1, TP.HCM), Quỳnh Anh đang chờ đợi người bạn của mình trang điểm cho vị khách chụp hình thứ 4, cũng là khách cuối trong ngày.
Cô nàng sinh năm 2003, một người chụp hình freelance, đã làm việc liên tục từ 6 rưỡi sáng tới chiều và chưa ăn gì, chỉ mới lót dạ bằng một hộp sữa. Nhưng Quỳnh Anh vẫn tràn đầy năng lượng, liên tục nở nụ cười khi chia sẻ về niềm đam mê được cầm máy.
Nữ sinh viên năm cuối ngành sự kiện cho biết dù chỉ mới là "tay ngang" trong nghề, tháng cuối năm này, nhóm của cô đã gần như quá tải lịch trang điểm và chụp hình check-in ở các địa điểm nổi tiếng.
Hiện tại, nhóm của cô có 3 người - một bạn trang điểm, cô cùng một người khác chụp hình. Nhưng có quá nhiều khách book lịch, nhóm đang muốn tìm thêm một người trang điểm để bớt quá tải.
"Chúng mình mới làm công việc này nửa năm nay nhưng 'trộm vía' tới bây giờ ngày nào cũng có khách hỏi đặt lịch. Ngày thường sẽ có ít khách, vì mọi người phải đi làm và chỉ rảnh để đi chụp vào cuối tuần. Giờ chúng mình đã kín lịch và ngừng nhận đến giữa tháng 1 năm sau vì lúc đó đã sát Tết", Quỳnh Anh nói với Tri Thức - Znews.
Nhóm của Quỳnh Anh trang điểm cho khách chuẩn bị chụp ảnh couple tại Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. |
Quỳnh Anh và nhóm của cô là một trong số ngày càng nhiều những người trẻ đang tham gia vào thị trường bùng nổ của nghề trang điểm và chụp hình check-in.
Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, rất nhiều bạn trẻ giới thiệu dịch vụ make up và chụp ảnh check-in (bằng điện thoại và cả máy cơ) tại các quán cà phê "sống ảo" hoặc địa điểm nổi tiếng với mức giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng.
Đặc biệt dịp cuối năm, nhiều người "chạy đua" khi lượng khách tăng vọt, chủ yếu là yêu cầu chụp bộ ảnh Tết và check-in ở những quán decor Giáng sinh ấn tượng.
Kiếm 20-30 triệu đồng tháng cuối năm
Quỳnh Anh tâm sự nhóm của cô vốn là những người bạn ở chung nhà, mỗi người có sở thích riêng về trang điểm và chụp hình nên đã lập thành ê-kip để được thỏa đam mê.
"Chúng mình chỉ mới là tay ngang nhưng xác định đã làm phải làm đàng hoàng, làm cho tới. Chúng mình cẩn thận từ khâu chăm sóc khách hàng, đặt hết tâm vào đó, để khi có vấn đề hay mâu thuẫn đều có thể giải quyết một cách thấu đáo. Đến nay, feedback của khách đa số hài lòng", cô nói.
Dù là freelancer (làm tự do), không phải một studio chuyên nghiệp nhưng cô nói rằng không muốn cạnh tranh bằng cách giảm giá vì "không muốn bán rẻ sức lao động".
Quỳnh Anh cho biết với từng kiểu khách chụp đơn, chụp couple (cặp đôi) hay chụp nhóm, cô tính phí tùy theo thời gian khách yêu cầu, thường là 200.000-400.000 đồng cho 2 tiếng.
"Thông thường, chụp đơn sẽ tốn 2,5 đến 3 tiếng, chụp couple khoảng 3,5-4 tiếng, còn chụp nhóm mình không giới hạn thời gian vì tùy thuộc đông hay ít người và còn take care (chăm sóc) từng khách", cô chia sẻ.
Với những khách không đặt theo gói, có thể chọn lẻ trang điểm hoặc chỉ chụp hình.
Quỳnh Anh sẽ tốt nghiệp vào năm sau. Đây là tháng cuối kỳ, không phải lên lớp nhiều, chủ yếu là ôn thi nên cô có nhiều thời gian hơn để tập trung cho công việc mình yêu thích.
Với khoảng trên 15 ca chụp mỗi tuần trong tháng cao điểm cuối năm, Quỳnh Anh nhẩm tính thu nhập có thể lên tới 20-30 triệu đồng - một con số được cô nhận xét là xứng đáng với công sức, khi có ngày phải làm việc tới 11 tiếng.
Trong tháng cao điểm cuối năm, Quỳnh Anh có thu nhập hơn 20 triệu đồng từ công việc này. Ảnh: NVCC. |
Ngọc Hoài (tốt nghiệp ngành luật) cũng đã bắt đầu công việc chụp hình check-in bằng điện thoại (photophone) được nửa năm, bên cạnh hai công việc làm thêm khác là marketing và sale.
Thời điểm cuối năm này, cô cũng đã kín lịch cả tuần với 10-15 khách, chủ yếu là những người muốn chụp kỷ niệm sinh nhật và check-in tại các quán cà phê concept tại TP.HCM.
"Mình bắt đầu nghề này chỉ với mức giá 60.000 đồng, đến nay đã tăng lên và có lượng khách ổn định. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chỉ, tốn khá nhiều thời gian do phải di chuyển và sắp xếp theo lịch trình của khách", Hoài nói.
Cô vừa chụp bằng chiếc điện thoại iPhone 13 (mua với giá 15 triệu đồng) và máy ảnh Canon kèm lens (tổng giá trị khoảng 15 triệu đồng). Tuy nhiên, trên kênh mạng xã hội của mình, Hoài chỉ quảng cáo dịch vụ photophone, sau đó khi khách liên hệ mới đưa ra lựa chọn chụp máy ảnh để họ cân nhắc.
Hiện tại, với mức phí dưới 200.000 đồng/2 tiếng, Hoài cho biết dịch vụ sẽ bao gồm hỗ trợ tạo dáng, giúp chọn trang phục, cho thuê đồ và phụ kiện (từ 15.000 đồng), gửi toàn bộ ảnh và chỉnh sửa 8 tấm.
Theo Hoài, không thể coi đây là "phá giá" bởi nó đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng trẻ, hoặc những người muốn có bộ hình "sống ảo" nhưng không muốn tốn quá nhiều tiền.
"Thời gian gần đây, mình cũng thấy photophone trở thành nghề hot. Tiếc là mình biết đến nó hơi trễ, nếu làm từ thời sinh viên đã có thể kiếm được một khoản kha khá", cô bày tỏ.
Hướng tới chuyên nghiệp
Trong năm qua, công việc trang điểm tự do và chụp hình check-in, dường như không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên nghiệp, đã thu hút nhiều người trẻ đổ xô tham gia.
Tuy nhiên, những người trong nghề như Quỳnh Anh và Ngọc Hoài nhận xét đây là công việc tương đối vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chỉ và không tránh khỏi những sự cố chủ quan lẫn khách quan.
Trang điểm và chụp hình sống ảo tại quán cà phê trở thành "nghề hot" thời gian gần đây. |
Chủ yếu chụp hình check-in tại các địa điểm nổi tiếng như Dinh Độc lập, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, Ngân hàng Nhà nước... nhóm của Quỳnh Anh sẽ tìm các quán cà phê gần điểm chụp để thực hiện make up cho khách, nhằm đảm bảo giữ được lớp trang điểm đẹp nhất.
Nhưng khi vào quán cà phê tại trung tâm quận 1, nhóm đã được nhân viên yêu cầu di chuyển ra không gian ngoài trời để trang điểm, không cho phép làm việc này trong không gian chính.
"Cũng may chiều nay trời đã mát mẻ nên có thể trang điểm bên ngoài được. Nhưng nếu vào ngày trời nắng nóng, chúng mình sẽ buộc phải di chuyển tìm quán khác được ngồi máy lạnh, vì nhiệt độ cao ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lớp trang điểm", Quỳnh Anh cho biết.
Cô cho rằng không thể trách quán cà phê khi họ yêu cầu như vậy.
"Chúng mình hiểu rằng sẽ có những quán từ chối cho trang điểm trong quán. Make up rất tốn thời gian, chưa kể nếu đi theo nhóm nhiều người, bày cốp trang điểm ra, hoặc khách cần thay đồ và phụ kiện... có thể gây ra cảnh lộn xộn bên trong quán, ảnh hưởng đến sự thoải mái của các khách hàng khác", cô giải thích.
Thảo Võ (chuyên viên trang điểm) cũng thường xuyên make up cho khách chụp ảnh tại các quán cà phê.
"Trước khi làm việc, mình luôn hỏi khách cụ thể về địa điểm chụp hình, từ đó tìm những quán cà phê gần đó nhanh chóng và chính xác. Mình thường chọn những quán yên tĩnh, ánh sáng tốt. Mình cũng mang theo ổ điện rời, phòng trường hợp chỗ đẹp để make up không có ổ điện", Thảo chia sẻ.
Trong trường hợp quán không cho phép trang điểm, cô sẽ nhanh chóng di chuyển sang một quán "dự phòng" khác. "May mắn là mình chưa từng rơi vào tình huống bị nhân viên yêu cầu như vậy".
Ngọc Hoài cũng cho rằng việc tìm hiểu trước về quy định của các quán cà phê khi trang điểm hay chụp hình check-in là rất quan trọng.
"Mình sẽ tìm hiểu trước xem quán có cho trang điểm, thay đồ hoặc chụp ảnh bằng máy cơ hay không để đưa ra phương án phù hợp với khách hàng", cô nói.
Quỳnh Anh hy vọng có thể mở studio trong tương lai. Ảnh: NVCC. |
Cả Quỳnh Anh, Ngọc Hoài đều nhận định việc chăm sóc khách hàng rất quan trọng đối với nghề được coi là "làm dâu trăm họ". Khi bỏ ra một số tiền, dù ít hay nhiều, khách hàng cũng đặt kỳ vọng nhất định về dịch vụ nhận được.
Nhóm của Quỳnh Anh luôn chú trọng trong việc chăm sóc khách hàng từ khi họ nhắn tin hỏi, đến lúc đặt lịch, chụp hình xong và xin đánh giá sau khi đã hoàn thành sản phẩm.
Với Ngọc Hoài, vì làm việc độc lập nên cô phải tự giải quyết những vấn đề phát sinh với khách hàng. Trong trường hợp mâu thuẫn, cô thường chọn cách "hoan hỉ", nhưng cũng có lúc cần cứng rắn.
Cô kể có lần khách đã đặt cọc, nhưng sau đó chuyển địa điểm sang một quán khác cách chỗ cô 15 km nên cô đã yêu cầu trả phụ phí di chuyển. Ban đầu, khách chọn điểm chụp cách chỗ cô 1 km nên không có phí này.
"Khách đòi hoàn cọc và không chụp nữa, nhưng từ đầu mình đã nói nếu hủy sẽ mất cọc và lần này nhượng bộ hoàn 50%. Tuy nhiên, khách đã có lời lẽ xúc phạm nên mình quyết định không trò chuyện tiếp, dùng tiền đó để ủng hộ từ thiện", cô chia sẻ.
Bắt đầu với nghề trang điểm, chụp hình với tư cách freelancer, nhưng Ngọc Hoài và nhóm bạn của Quỳnh Anh đều ấp ủ dự định học hỏi kỹ năng để xây dựng một studio chuyên nghiệp trong tương lai.
Nhóm của Quỳnh Anh đã xây dựng một "tiệm ảnh" trên các kênh mạng xã hội. Không đầu tư quá về marketing, nhóm chủ yếu đăng các sản phẩm đã thực hiện để khách hàng tiềm năng tham khảo, cũng là cách tự quảng bá chính mình.
Hiện tại, Ngọc Hoài chỉ mới có thu nhập khiêm tốn 6-8 triệu đồng/tháng với công việc photophone, nhưng nhờ những công việc khác, cô có thể tự chủ được về tài chính.
"Mình mong muốn học hỏi thêm để theo đuổi đam mê chụp hình, hy vọng có thể mở một studio cho riêng mình trong tương lai", cô nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.